Doanh nghiệp xây dựng Việt kỳ vọng thay thế các tổng thầu nước ngoài
Chia sẻ
Không chỉ từng bước “thế chân” các tổng thầu xây dựng đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… ở thị trường trong nước, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam còn có thể tiến ra thị trường thế giới để cạnh tranh trực tiếp với những nhà thầu quốc tế sau đại dịch Covid-19.
Một công trình lớn do HBC thực hiện xây dựng. Ảnh minh họa: DNCC |
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã chia sẻ những nhận định như trên với hàng trăm doanh nhân tại một sự kiện do Hội Doanh nhân Trẻ TPHCM tổ chức vào chiều tối ngày 23-4 với vai trò là khách mời.
Với kinh nghiệm quản lý và điều hành một tập đoàn xây dựng lớn trong nhiều thập kỷ qua, ông Lê Viết Hải, cho rằng nhiều năm trước đây, các dự án xây dựng quy mô lớn, tiêu chuẩn quốc tế ở trong nước đa số là do các tập đoàn xây dựng quốc tế của nhiều nước đảm trách thầu chính vì họ có lợi thế về kỹ thuật, công nghệ và nhiều kinh nghiệm thực hiện tại chính nước họ cũng như trên thế giới.
Những nhà thầu xây dựng lớn đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, … này được thực hiện nhiều công trình xây dựng lớn ở Việt Nam trong thời gian qua một phần vì họ được chính các nhà đầu tư của nước họ ở Việt Nam chọn lựa hoặc thực hiện các dự án công trình bằng vốn tài trợ của chính phủ nước họ, ông Hải chia sẻ.
Đã có hàng ngàn dự án, công trình kiến trúc và cơ sở hạ tầng hiện đại được xây mới với tốc độ chóng mặt, bởi rất nhiều nhà thầu quốc tế với đối tác là những nhà thầu nội. Từ đó, ngành xây dựng trong nước cũng đã được học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án từ những chuyên gia, nhà thầu hàng đầu đến từ nhiều châu lục khác nhau.
Các doanh nghiệp trong nước từ vai thầu phụ, dần chuyển sang đối tác liên danh và nay đã rất thành công trong vị trí tổng thầu nhiều công trình quy mô lớn có yêu cầu kỹ – mỹ thuật cao, như nhà cao tầng, cầu dây văng, hầm đường bộ, nhà ga sân bay quốc tế… mà trước đây vốn chỉ là sân chơi dành cho nhà thầu ngoại.
Và đến thời điểm hiện tại, theo ông Hải, bóng dáng của những doanh nghiệp ngoại, tập đoàn quốc tế này dần biến mất hoặc đã bi sụt giảm nhiều ở thị trường xây dựng trong nước, chỉ có một số còn thực hiện với những dự án công trình công nghiệp, hạ tầng lớn như tuyến đường điện Metro,…
Bởi lẽ hiện nay các doanh nghiệp xây dựng lớn của Việt Nam có thể đảm nhiệm phát triển các dự án quy mô lớn với chất lượng không thua kém của các tập đoàn xây dựng nước ngoài và đáng chú ý là giá cả thực hiện được cho là cạnh tranh hơn khá nhiều.
“Đã có một thời chủ đầu tư các dự án siêu sang trong và ngoài nước chê nhà thầu nội”, ông Hải nói với KTSG Online, và ông cho rằng: “Doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã từng bước thay thế các công ty xây dựng ngoại để tham gia thực hiện các công trình quy mô lớn, sang trọng với vai trò là tổng thầu”.
“Chúng ta đã thay thế được các nhà thầu ngoại ngay ở thị trường trong nước”, thuyền trưởng HBC nói. Ông Hải cho rằng: hiện nay chỉ có các nhà thầu trong nước tranh nhau thị phần của thị trường xây dựng với khoảng 16 tỉ đô la Mỹ, và nếu cứ tranh giành nhau thì không mang lại lợi ích gì cho quốc gia.
Trong xu hướng toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp nội đã và đang mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. Và mở rộng phát triển ra thị trường các nước được xem là cách nhằm khẳng định và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, cũng như là cơ hội để tiếp thu và tích hợp kịp thời tinh hoa của thế giới.
Chủ tịch HBC tin rằng sau đại dịch Covid-19 sẽ có cơ hội để doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tiến ra thị trường nước ngoài, không chỉ ở những nước lân cận trong khu vực mà ngay cả ở những nền kinh tế phát triển trên thế giới.
Tham gia phát triển ở những thị trường lân cận như Lào, Campuchia hoặc Myanmar là nằm trong tầm tay với nhiều doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nhưng giá thành thì không chênh lệch nhiều so với thực hiện ở thị trường trong nước. Ông Hải cho rằng: “Cần phải đánh bắt xa bờ, mới thu được cá lớn”, tức là tiến ra những thị trường phát triển mới có thể mang về lợi nhuận nhiều.
Ông Lê Viết Hải chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với doanh nghiệp trẻ TPHCM tại sự kiện. Ảnh: Hùng Lê |
“Chúng ta có thể cạnh tranh trực tiếp với các công ty xây dựng đã từng thực hiện nhiều dự án ở thị trường Việt Nam trước đây và đang phát triển trên thế giới”, ông Hải nói với KTSG Online, và ông chỉ ra việc tiến ra thị trường thế giới là doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh trực tiếp những doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… với vai trò tổng thầu.
Giá thành họ thực hiện rất cao, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam có thể chỉ thực hiện bằng 1/3 của họ mà tiêu chuẩn không hề kém cạnh, ông Hải nhận định về sức cạnh tranh của doanh nghiệp xây dựng trong nước ở thị trường thế giới.
Người sáng lập HBC tin rằng với việc đã tham gia phát triển nhiều dự án quy mô lớn trong nước, học hỏi và tiếp thu từ những nền công nghiệp xây dựng hiện đại trên thế giới, cùng với giá cả cạnh tranh hơn thì khả năng doanh nghiệp Việt có thể tham gia phát triển các dự án tầm cỡ ở nước ngoài.
Lấy câu chuyện tại HBC, ông Hải cho biết công ty đã có một chặng đường tích hợp tinh hoa của nhiều công nghệ mới từ các nước phát triển. HBC đã phát huy sở trường về thi công nhà ở dân dụng cao tầng và đưa mảng này thành lợi thế cạnh tranh riêng. Hàng năm, Hòa Bình thi công cả trăm cao ốc với hàng chục ngàn căn hộ. Với bề dày kinh nghiệm đó, HBC tự tin có năng lực cạnh tranh cao trong phân khúc này. Hiện HBC cũng đã ký hợp đồng để có thể tham gia phát triển dự án nhà ở quy mô lớn ở Canada.
Về dòng sản phẩm, theo ông doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào việc phát triển dự án cao ốc văn phòng cho thuê, khách sạn,… nhưng lãnh đạo HBC cho rằng phát triển căn hộ cao tẩng sẽ là lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường nước ngoài.
“Thời gian qua, cả HBC và các doanh nghiệp xây dựng trong nước đã thực hiện hàng loạt dự án chung cư cao tầng mà tôi nghĩ các doanh nghiệp nước ngoài khác chưa trải qua việc thực hiện nhiều như vậy”, ông Hải nói và cho rằng đây là một lợi thế lớn, bên cạnh việc doanh nghiệp Việt đã đúc kết kinh nghiệm về kỹ thuật các công trình cao tầng của nhiều nước trên thế giới.
Ngoài ra, theo ông Hải, phát triển xây dựng ra thị trường nước ngoài còn giúp cung cấp việc làm ổn định cho lực lượng lao động trong ngành xây dựng, khi thị trường trong nước bão hòa hoặc có biến động.
Cũng theo ông Hải, phát triển xây dựng ra thị trường nước ngoài còn hình thành chuỗi cung ứng phụ trợ có liên quan như các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất, các dịch vụ tư vấn thiết kế, tài chính, đầu tư, ngân hàng, bảo hiểm, vận chuyển… thông qua xuất khẩu dịch vụ tổng thầu. Dịch vụ tổng thầu ngược lại sẽ nâng lợi thế khi các chuỗi cung ứng phát triển. Sự tương tác đó sẽ tạo nên sự gắn kết và cộng hưởng của ngành xây dựng và các chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh hội nhập của đất nước hiện nay,Chủ tịch của HBC cho rằng doanh nghiệp không chỉ có chiến lược phát triển ở thị trường trong nước mà phải đặt mục tiêu, tầm nhìn toàn cầu, phải nâng lên tầm quốc tế bằng trình độ, sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh thị trường thế giới.
Mặc dù vậy, trong hiện tại các doanh nghiệp xây dựng trong nước và đặc biệt là tại TPHCM đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn khi cả năm 2020 vừa qua đến nay gần như vắng bóng các dự án đầu tư mới về căn hộ cao tầng, trong khi từ đầu năm đến nay thì bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá thép tăng đột biến. Giá thép các loại tăng liên tục từ đầu năm đến nay khiến nhiều nhà thầu đứng ngồi không yên vì chi phí tăng, ảnh hưởng rất lớn đến những hợp đồng đã và đang thực hiện.
Theo Kinh tế Sài Gòn