Đầu năm 2021, tại Giải thưởng tốp 100 Phong cách doanh nhân, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), được trao danh hiệu “Người tiên phong đưa ngành xây dựng lên tầm cao mới và định hướng phát triển toàn cầu”. Giải thưởng là sự ghi nhận xứng đáng cho chặng đường hơn 30 năm gắn bó, đóng góp không ngừng nghỉ đối với ngành xây dựng Việt Nam của doanh nhân này.

Người tiên phong trong ngành xây dựng - Ảnh 1.

 

Khẳng định đẳng cấp doanh nhân Việt

Tính từ thời điểm thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình vào năm 1987 (tiền thân của HBC ngày nay), ông Lê Viết Hải đã có 34 năm gắn bó với công ty trong cương vị chủ chốt.

“HBC có lịch sử phát triển rất đặc biệt: Doanh thu tăng trưởng ổn định, duy trì tốc độ mỗi giai đoạn 5 năm tăng 5 lần trong 3 thập kỷ qua với 6 chu kỳ. Tổng doanh thu năm 2008 đạt gần 700 tỉ đồng, năm 2013 đạt gần 3.500 tỉ đồng, đến năm 2018 vượt mốc 18.000 tỉ đồng” – ông Hải tự hào.

Người đứng đầu HBC cho biết quá trình phát triển của HBC luôn vận động theo xu hướng chung của thời đại. Mỗi bước phát triển của tập đoàn đều mang dấu ấn tinh thần sẵn sàng đổi mới, sáng tạo và tinh thần nỗ lực vượt khó, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 hiện nay hay những đợt khủng hoảng kinh tế liên tiếp vào năm 2008 rồi năm 2011.

Bằng những giải pháp phù hợp trong từng hoàn cảnh, HBC đã từng bước vượt qua thử thách, trở ngại và vững vàng vươn lên. Năm 2020, HBC đã đưa ra những giải pháp đối phó khủng hoảng trước mắt trong ngắn hạn kết hợp tái cấu trúc một cách toàn diện tập đoàn, phục vụ cho một chiến lược dài hạn: Vươn ra biển lớn.

Ba nhóm giải pháp lớn để đối phó với khủng hoảng, bao gồm: tái cấu trúc hệ thống quản lý, tái cấu trúc nguồn nhân lực và tái cấu trúc tài chính. Đồng thời tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ, thị trường; tái cấu trúc mô hình kinh doanh và chuẩn bị cho việc thiết lập hệ sinh thái đa quốc gia phục vụ cho một chiến lược dài hạn.

Chính tinh thần này đã giúp HBC trở thành một trong những doanh nghiệp (DN) xây dựng ứng dụng công nghệ, các phương pháp quản lý hiện đại nhất, áp dụng hệ thống tích hợp PMS (Project Management System) tối ưu do chính đơn vị thiết lập để quản lý toàn diện dự án. Đơn vị tư vấn nổi tiếng McKinsey & Company (Mỹ) khi làm việc với HBC đã có đánh giá đây là một hệ thống vượt trội.

“HBC là một trong những DN xây dựng có hệ thống quản lý tốt nhất hiện nay, bảo đảm sự thống nhất trong tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng dự án” – ông Hải tự hào và chia sẻ thêm: HBC đã thành công trong việc thay thế những DN xây dựng nước ngoài tại Việt Nam. Từ vai trò nhà thầu phụ, HBC dần chuyển sang đối tác liên doanh và làm tổng thầu nhiều công trình quy mô lớn có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao như: nhà ở cao tầng, trung tâm thương mại, công trình phức hợp, khu du lịch, nhà ga sân bay quốc tế…

Danh xưng “ông trùm xây dựng” dành tặng Lê Viết Hải chính là sự thừa nhận của “người trong ngành” đối với ông. Với sự lèo lái của vị “thuyền trưởng” này, HBC từ một văn phòng xây dựng nhỏ vươn lên thành tập đoàn tên tuổi, là một trong 2 công ty xây dựng nội địa có tổng tài sản lớn nhất (15.500 tỉ đồng) và là tổng thầu, thầu chính của hàng trăm công trình lớn từ Bắc chí Nam.

Dấu ấn cá nhân ông Lê Viết Hải đối với thành tựu của HBC không chỉ thể hiện ở những pha bứt phá ngoạn mục, các bước ngoặt mang tính lịch sử mà còn ở sự tín nhiệm lớn của khách hàng, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Các chủ đầu tư liên tiếp tin tưởng giao thầu cho HBC các dự án mới quy mô. Mới đây nhất, vào đầu tháng 5-2021, Sơn Kim Land giao thầu cho HBC thi công dự án Khu phức hợp Sóng Việt – The Opera Residence tại khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng giá trị hợp đồng hơn 2.670 tỉ đồng. Cuối tháng 4, HBC chính thức khởi công xây dựng 113 căn nhà ở Tesla – Cantata nằm trong khuôn viên dự án Thành phố Cà phê lớn nhất cả nước tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đây là dự án đầu tiên Tập đoàn Trung Nguyên Legend hợp tác cùng HBC.

Người tiên phong trong ngành xây dựng - Ảnh 2.

Ông Lê Viết Hải ngoài dồn sức cho công việc còn dành thời gian để thư giãn, chia sẻ bên người thân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dọn đường “ra biển lớn”

Từ 10 năm trước, ông Lê Viết Hải đã dọn đường cho HBC và DN xây dựng Việt “ra biển lớn”.

Đầu tiên, công ty làm quen với các thị trường nước ngoài bằng cách quản lý xây dựng cho một số công trình lớn ở Malaysia, trong đó có công trình lên đến 2.000 căn hộ, quy mô 42 tầng ở thủ đô Kuala Lumpur; quản lý xây dựng 1 tòa nhà 700 căn hộ ở Myanmar… Tiếp đó, ông chuyển hướng “đánh bắt xa bờ” bằng việc tìm hiểu các thị trường Bắc Mỹ là Canada, Mỹ và nước Úc.

“Giá thành xây dựng tại Úc, Canada, Mỹ cao gấp 3-4 lần Việt Nam, cơ hội là rất lớn nếu chúng ta biết khai thác những thị trường tiềm năng này. Việc hướng ra thị trường nước ngoài là con đường tất yếu của công ty, có như thế HBC mới thoát khỏi giới hạn của thị trường chật hẹp trong nước. Đồng thời kéo theo nhiều DN xây dựng và vật liệu xây dựng cùng chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ liên quan xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, góp phần đưa công nghiệp xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia” – ông Lê Viết Hải tự tin.

Kế hoạch “ra biển lớn” đến bây giờ vẫn bị nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả, an toàn của chiến lược này vì cho rằng DN Việt Nam đi sau, không có lợi thế cạnh tranh. Thế nhưng, theo phân tích của ông Hải, DN Việt đang có rất nhiều ưu thế bởi không có nơi nào trên thế giới mà ngành xây dựng bùng nổ như Việt Nam, tốc độ xây dựng các công trình cao tầng nhiều như Việt Nam, kinh nghiệm thực tế của DN xây dựng phong phú như Việt Nam. Trong một thời gian rất ngắn, Việt Nam đã tiếp thu công nghệ xây dựng của những nước tiên tiến nhất thế giới rất phong phú và hiện đại nên có rất nhiều lợi thế khi tham gia sân chơi quốc tế.

Ông cho biết thêm: “Tôi đã rất nỗ lực thúc đẩy hướng ra nước ngoài và có chuẩn bị tốt nhất, đã nhận được một số lời mời của nhà thầu nước ngoài, đợi tình hình dịch ổn định sẽ triển khai”. Theo ông Lê Viết Hải, DN Trung Quốc không còn được ưa chuộng, nhất là sau dịch bệnh; còn DN xây dựng Nhật, Hàn Quốc không còn lợi thế cạnh tranh ở thị trường quốc tế vì giá thành cao và không còn sự khác biệt về chất lượng, trong khi các nhà đầu tư hiện tại đều quan tâm đến giá thành, đang tìm kiếm những nhà thầu trong khu vực Đông Nam Á có năng lực và giá cạnh tranh để thay thế, trong đó Việt Nam được đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội.

“Thị trường xây dựng nước ngoài có quy mô lên đến 12.000 tỉ USD, gấp khoảng 750 lần quy mô thị trường trong nước (16 tỉ USD). Nếu nước mình có một chiến lược tầm vóc quốc gia thì có thể hiện thực hóa mục tiêu đó” – ông Hải bộc bạch.

Thập kỷ vàng cho HBC

Trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP Hồ Chí Minh (SACA), ông Lê Viết Hải chia sẻ mục tiêu hoạt động nhiệm kỳ 2021-2025 là thúc đẩy DN xây dựng và vật liệu xây dựng phát triển ra thị trường quốc tế, đem những sản phẩm vượt trội của Việt Nam ra nước ngoài.

“Mười năm tới, với cơ cấu dân số vàng sẽ là thập kỷ vàng cho kinh tế Việt Nam, cũng là thập kỷ vàng cho HBC viết nên trang sử mới. Thập kỷ 2020-2030, nếu Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu xây dựng ra thị trường nước ngoài thì xây dựng chắc chắn sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn” – “thuyền trưởng” HBC lạc quan nói.

Theo Người lao động