ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Xây dựng

Nỗi lo nhân công ngành xây dựng

Chia sẻ

Không phải nguồn việc, nhân sự mới đang là vấn đề khiến nhiều nhà thầu xây dựng đau đầu.

Nỗi lo nhân công ngành xây dựng

Môi trường lao động khắc nghiệt, nhưng thu nhập kém cạnh tranh khiến ngành xây dựng kém sức hút. Ảnh: Dũng Minh


Khó cạnh tranh

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phục Hưng Holdings cho biết, nguồn nhân lực đang là bài toán nan giải nhất đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng. Với Phục Hưng Holdings, dù đã rất nỗ lực thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh tìm kiếm nhân sự, tăng cường đào tạo và chăm sóc đời sống cho người lao động…, nhưng vẫn khó có thể tuyển đủ người và đạt chất lượng. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nhận các dự án mới, mà còn khiến nhà thầu phải chịu những thiệt hại không đáng có từ hiệu suất lao động thấp.

“Có dự án chúng tôi nhận thi công ở Phan Thiết (Bình Thuận) mà chủ đầu tư còn phải dặn trước rằng, việc quan trọng nhất là phải chuẩn bị được nguồn lao động và giữ chân được họ, bởi nếu cơ chế lương không đủ hấp dẫn sẽ bị đơn vị khác ‘câu’ mất ngay”, ông Phúc cho hay.

Giai đoạn trước dịch, phần lớn nhân sự ngành xây dựng đến từ đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên…, hoặc từ các địa phương khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương…, nhưng hiện tại, một tỷ lệ khá lớn người lao động lựa chọn về quê làm trong các khu công nghiệp để được gần gia đình và có sự ổn định hơn, cho dù thu nhập có thể không bằng. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự ngành xây dựng.

Không chỉ thiếu lao động phổ thông, thị trường nhân sự ngành xây dựng hiện còn thiếu cả thợ lành nghề, kỹ sư, chuyên gia…, lý do bởi không còn hấp dẫn trong mắt người trẻ. Theo ông Phúc, hiện tại, thu nhập của người công nhân, kỹ sư xây dựng không cạnh tranh bằng các ngành nghề khác, trong khi điều kiện, môi trường làm việc lại khắc nghiệt hơn, khiến việc tuyển dụng thực sự khó khăn. Ông Phúc cho biết, Phục Hưng Holdings từng thành lập trường nghề nhưng không tuyển được sinh viên bởi nhiều người vẫn thích học cao đẳng, đại học hơn.

“Các công ty xây dựng giờ chỉ cạnh tranh về giá chứ không cạnh tranh về tiến độ nữa, vì tiến độ đã bị các chủ đầu tư ép kịch rồi. Chủ đầu tư muốn giảm chi phí tối đa để đạt biên lợi nhuận cao nên nhà thầu xây dựng lợi nhuận ngày càng mỏng, cộng thêm việc thiếu nhân lực trầm trọng nên càng khó khăn. Do đó, câu nói mấy năm nữa không còn doanh nghiệp xây dựng không phải là nói vu vơ, mà rất thực tế”, ông Phúc chia sẻ thêm.

Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cũng cho hay, doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ nợ đọng lớn, nguồn việc hạn chế… đến khó tuyển dụng lao động.

“Xây dựng là ngành có mức độ biến động lao động lớn, tính gắn kết của người lao động với doanh nghiệp không cao. Cùng với đó là những hạn chế về thu nhập khi doanh nghiệp khó có thể trả lương cao hơn mức hiện tại, dẫn đến tính cạnh tranh của nghề thấp”, ông Sơn nói và cho biết thêm, nhiều khi doanh nghiệp cũng hạn chế đầu tư trang thiết bị vì thiếu lao động do đầu tư xong hiệu suất sử dụng không cao.

Chưa có giải pháp căn cơ

Ngành xây dựng đang rất thiếu lao động. Ảnh: Dũng Minh

“Khó tuyển người” đang là từ khóa được nhiều doanh nghiệp đề cập. Ông Trần Quang Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Định An cho biết, việc tuyển lao động hiện tại còn khó hơn so với năm ngoái, trong đó có lý do các dự án hạ tầng giao thông lớn được đẩy mạnh triển khai đồng loạt trên cả nước khiến nhu cầu nhân sự tăng vọt, nhất là với vị trí cán bộ kỹ thuật chuyên ngành giao thông, cầu đường, xây dựng. Nhiều nhân sự sau thời gian 5-10 năm làm nghề có xu hướng thay đổi công việc để tránh phải đi công tác xa nhà.

Ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Phục Hưng Holdings:

Ngành xây dựng rất dễ bị “câu” mất người, doanh nghiệp đang trả 300.000 đồng/công/ngày cho công nhân, bên khác chỉ cần trả 320.000 đồng/công/ngày là họ chuyển. Với các kỹ sư cũng vậy, đang lương 18 triệu đồng/tháng nhưng có bên mời 19-20 triệu đồng/tháng là họ cũng rời bỏ doanh nghiệp mình ngay.

Đây đang là giai đoạn khó khăn để tuyển dụng nhân sự và dù doanh nghiệp đầu tư cho đi học, hoàn thành các chứng chỉ nghề, nhưng chỉ cần có mức thu nhập tốt hơn là nhân sự sẵn sàng rời đi, kể cả là phải bồi thường hợp đồng.

Hay như ở các địa phương phía Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhân sự làm về mảng giao thông, cầu đường khá hiếm, trong khi điều động nhân sự từ phía Bắc vào thì xa quá, rất khó bố trí. Ông Đức dự báo, thu hút nhân sự ngành này sẽ còn cạnh tranh cao hơn trong khoảng 5 năm tới.

Chia sẻ kinh nghiệm tuyển lao động của doanh nghiệp, ông Đức cho biết, Công ty Định An phải sử dụng tất cả các kênh, từ chính người lao động trong doanh nghiệp giới thiệu đến kết nối với các đơn vị tuyển dụng như VietnamWorks, Vieclam24h…, tuyển dụng qua các hội nhóm, các trang mạng xã hội. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải bố trí công việc gối đầu liên tục, tăng chế độ đãi ngộ để đảm bảo thu nhập và đời sống cho người lao động.

Còn ông Trần Hồng Phúc cho hay, Phục Hưng Holdings đang thực hiện quản lý đến từng tổ đội, trả lương trực tiếp để chăm lo cho người lao động tốt hơn, cùng với đó là đảm bảo an toàn trong công tác thi công, mua bảo hiểm và chăm lo đời sống cho người lao động đầy đủ. Đã có nhiều hội nghị phát triển nguồn nhân lực được Phục Hưng Holdings tổ chức, qua đó chia sẻ, lắng nghe tâm tư người lao động để tăng tính gắn kết…

Ông Dương Văn Cận, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đánh giá, khó khăn về nguồn nhân lực đang là bối cảnh chung với nhiều doanh nghiệp, ngành nghề, nhưng với ngành xây dựng lại ở mức độ cao hơn do đặc thù của ngành. Do đó, để nâng cao hiệu quả tuyển dụng, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi cách tiếp cận.

“Không chỉ tuyển dụng đơn thuần vị trí A, vị trí B cho các công việc, nhà tuyển dụng phải chủ động công khai, minh bạch, truyền thông rõ ràng về các dự án đang và sẽ triển khai, định hướng phát triển của doanh nghiệp…, có như vậy thì người lao động mới nhìn nhận, đánh giá được triển vọng công việc và về đầu quân cho doanh nghiệp”, ông Cận khuyến nghị, đồng thời cho biết thêm, các nhà thầu cũng cần thể hiện rõ các cam kết về vị trí công việc, về thu nhập, phân công lao động, thậm chí cả nơi làm việc để người lao động hình dung rõ và hiểu đúng về công việc mình sẽ đảm trách, qua đó giúp doanh nghiệp không chỉ tuyển được lao động phổ thông, mà còn tìm được cả những nhân sự giỏi và có sự gắn kết hơn với doanh nghiệp.

Theo Đầu tư

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments