Xây dựng dân dụng đang cạnh tranh gay gắt nhất
Chia sẻ
Xây dựng nhà để ở chỉ chịu ảnh hưởng trung bình của dịch Covid-19 nhờ nhu cầu nội địa cao, thúc đẩy bởi xu hướng đô thị hóa dài hạn của Việt Nam. Sau nhiều khó khăn trong năm 2020, thị trường nhà ở được kỳ vọng sẽ phục hồi khả quan trong năm tới.
Tăng trưởng ngành xây dựng Việt Nam đứng thứ 3 châu Á
Trong các ngành kinh tế, dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới ngành xây dựng ở mức trung bình. Theo khảo sát của GlobalData, ảnh hưởng tiêu cực của dịch chủ yếu thông qua gián đoạn kinh tế và suy giảm nhu cầu đầu tư.
Gián đoạn kinh tế ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng ngắn hạn của ngành xây dựng. Trong khi đó, suy giảm nhu cầu đầu tư gây ảnh hưởng dài hạn hơn.
Nhu cầu xây dựng nhà không để ở giảm nhiều nhất do nhóm khách hàng này chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19 và sẽ tập trung vào phục hồi kinh doanh sau dịch trước khi đầu tư mở rộng. Xây dựng nhà ở cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi kinh tế đình trệ làm giảm nhu cầu mua nhà.
Lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng có thể hưởng lợi nếu Chính phủ kích cầu kinh tế thông qua tăng cường đầu tư công.
Dù ngành xây dựng chỉ chịu tác động ở mức trung bình, năm 2020 vẫn đầy khó khăn cho các nhà thầu xây dựng vốn phần lớn là doanh nghiệp nhỏ với biên lợi nhuận thấp.
Áp lực cạnh tranh giữa các nhà thầu sẽ tăng cao trong giai đoạn khó khăn này, với chiến lược cạnh tranh chủ yếu bằng giá khiến doanh thu và biên lợi nhuận nhà thầu sụt giảm.
Cạnh tranh sẽ gay gắt nhất trong trong xây dựng dân dụng do thị trường này có mức phân mảnh cao (các nhà thầu dân dụng thường có quy mô nhỏ với trình độ kỹ thuật và độ chuyên môn hóa thấp).
Nhà thầu cơ sở hạ tầng sẽ gặp ít khó khăn hơn do lĩnh vực này cạnh tranh ít hơn và nhu cầu chịu ảnh hưởng thấp.
Đặc biệt, một số nhà thầu cơ sở hạ tầng đã đầu tư da dạng hóa vào cơ sở hạ tầng (chủ yếu là các nhà máy năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, điện gió và điện mặt trời) với rủi ro thấp và gần như không chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngược lại, các nhà thầu dân dụng thường ưu tiên đầu tư vào bất động sản và những dự án này sẽ khó tiêu thụ trong năm 2020.
Theo Fitch Solutions, tăng trưởng ngành xây dựng Việt Nam sẽ đạt 5,7% trong năm 2020, đứng thứ 3 trong khu vực châu Á – sau Philippines (5,8%) và Bangladesh (5,9%).
Từ nửa đầu năm 2020, các lĩnh vực xây dựng (nhà ở, nhà không để ở, cơ sở hạ tầng) chịu ảnh hưởng tương đối ngang nhau do các biện pháp chống dịch quy mô lớn được áp dụng tại Việt Nam.
Với thực tế dịch Covid-19 trong cộng đồng tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát, các chuyên gia đánh giá gián đoạn kinh tế chỉ tập trung trong nửa đầu năm và giảm đi trong nửa cuối năm 2020.
Cùng với các động thái nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều công trình đã bắt đầu thi công trở lại. Thêm nữa, nguồn cung nguyên vật liệu và nhân công xây dựng nội địa của Việt Nam có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu xây dựng và chỉ phải chịu ảnh hưởng nhỏ từ gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Triển vọng phụ thuộc sự phục hồi của mỗi nhóm khách hàng
Nhìn chung, triển vọng của ngành xây dựng trong nửa cuối năm 2020 và sang năm 2021 phụ thuộc vào khả năng phục hồi kinh tế, và triển vọng từng lĩnh vực phụ thuộc ảnh hưởng của dịch tới nhóm khách hàng tương ứng.
Trong các lĩnh vực, xây dựng nhà không để ở sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất; ảnh hưởng lên xây dựng nhà ở thấp hơn; và xây dựng cơ sở hạ tầng ngược lại có thể hưởng lợi nếu Chính phủ gia tăng đầu tư công nhằm thúc đẩy khôi phục kinh tế.
Thực tế, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ tài chính – tín dụng cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng với quy mô lớn như: Gói chính sách tiền tệ – tín dụng: cơ cấu lại, giãn/hoãn nợ, xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ chịu ảnh hưởng khoảng 2.000.000 tỷ; Gói cho vay với hạn mức cam kết 300.000 tỷ với ưu đãi lãi suất so với tín dụng thông thường 01 – 2,5%;
Gói tài khóa: giãn/hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số thuế phí, tổng giá trị 180.000 tỷ. Gói an sinh xã hội: tổng giá trị khoảng 62.000 tỷ cho hơn 20 triệu người bị ảnh hưởng.
Chuyên gia của FPT Securities đánh giá triển vọng ngành xây dựng dựa trên kịch bản lạc quan về khả năng hồi phục kinh tế của Việt Nam.
Thứ nhất, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam ở mức thấp so với khu vực, nhờ kiểm soát bùng phát dịch trong nước và các biện pháp hỗ trợ quy mô lớn đã được thực hiện kịp thời.
Thứ hai, Việt Nam có các yếu tố vĩ mô ổn định (bao gồm lãi suất thấp và lạm phát được kiềm chế trong nhiều năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng trong nước cao…), tạo bàn đạp cho kinh tế hồi phục nhanh chóng sau dịch.
Theo IMF, kinh tế Việt Nam có thể hồi phục 7,0% trong năm 2021 dưới kịch bản cơ sở, cao hơn trung bình 10 năm gần đây ở mức 6,3%.
Triển vọng các lĩnh vực xây dựng tới năm 2021 phụ thuộc vào ảnh hưởng khác nhau của dịch tới mỗi nhóm khách hàng.
Xây dựng nhà không để ở sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất do khách hàng của lĩnh vực này chịu nhiều thiệt hại bởi dịch Covid-19: du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do lệnh cấm di chuyển và ngừng nhập cảnh hành khách quốc tế; sản xuất, thương mại sụt giảm nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường chính như Trung Quốc, Mỹ, EU…
Những khó khăn trong sản xuất và du lịch phần nhiều phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19 quốc tế và có thể kéo dài nhiều tháng cho tới khi dịch được ngăn chặn hiệu quả. Do đó, ưu tiên hàng đầu cho nhóm khách hàng này sẽ là phục hồi và ổn định kinh doanh; với nhiều khả năng đầu tư mở rộng sẽ bị hoãn lại.
Phước Bình