ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Bất động sản Featured

5 năm tới, cư dân sống trong nhà ở đơn sơ chỉ còn 1%

Chia sẻ

Dù gặp khó khăn chung khi vướng dịch Covid-19, thị trường bất động sản năm 2020 có sự phát triển, tăng trưởng cả về quy mô, cơ cấu hàng hóa và doanh nghiệp. Đây là thông tin được Bộ Xây dựng đưa ra tại Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2016-2020); định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 5 năm (2021-2025) và năm 2021, diễn ra tại Hà Nội chiều 26/12.

Xây mới, sửa chữa hơn 1.250.000 căn hộ cho hơn 5 triệu người

Theo thông tin Bộ Xây dựng đưa ra tại hội nghị, hiện số vốn đăng ký và đang triển khai ở các dự án bất động sản khoảng 4,5 triệu tỷ đồng; thu hút vốn FDI trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 17,63 tỷ USD; đóng góp khoảng 0,4 điểm % trong tăng trưởng kinh tế; tổng thu liên quan đến xây dựng và bất động sản khoảng 11% GDP; xuất hiện nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn như Vingroup, FLC, Sun Group, Novaland…

Hơn 5 triệu người có nhà ở

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. Giai đoạn 2016 – 2020, thị trường bất động sản không xuất hiện các hiện tượng cực đoan như phát triển nóng hoặc trầm lắng, đóng băng. Tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương được kiểm soát kịp thời.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản liên tục tăng; các chủ thể tham gia thị trường ngày càng đa dạng và có tiềm lực mạnh. Đây là kết quả của việc tập trung sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan, thực hiện tái cơ cấu thị trường, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa theo yêu cầu thực của thị trường.

Nhiều năm liền, thị trường bất động sản phát triển ổn định, không có hiện tượng phát triển nóng, “bong bóng” hoặc trầm lắng, suy thoái, đóng góp quan trọng vào mục tiêu về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Thị trường ngày càng phát triển mở rộng cả về quy mô vốn, loại hình, số lượng, chất lượng dự án với cơ cấu sản phẩm đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị, tạo công cụ điều tiết về tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch, cơ cấu lại các dự án… nên thị trường bất động sản chưa rơi vào trạng thái trầm lắng, đóng băng toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê.

Đến cuối năm 2020, thị trường có dấu hiệu phục hồi, phát triển ở một số phân khúc như bất động sản công nghiệp, nhà ở giá thấp. Đến nay, cả nước đã hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa hơn 1.250.000 căn hộ, đảm bảo chỗ ở cho khoảng hơn 5 triệu người.

Nhà ở xã hội: đã hoàn thành 104.200 căn, đang xây 219.000 căn

Ngoài những thành quả, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ chỉ tiêu không đạt kế hoạch là diện tích bình quân nhà ở toàn quốc chỉ đang ở mức 24 m2 sàn/người, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 25m2 sàn/người vào năm 2020.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị

Tổng diện tích nhà ở xã hội thực hiện được hơn 5,21 triệu m2, chỉ bằng 41,7% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 là 12,5 triệu m2.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, cả nước đã hoàn thành 249 dự án, quy mô xây dựng khoảng 104.200 căn hộ với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2. Vẫn còn 264 dự án khác đang tiếp tục triển khai với quy mô 219.000 căn hộ, tương đương gần 11 triệu m2 sàn.

Bộ Xây dựng đang đôn đốc các địa phương đẩy nhanh việc rà soát, đánh giá nhà chung cư cũ và thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm. Bộ này tổ chức đoàn kiểm tra tình hình triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành.

Các địa phương triển khai từng bước chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn như kiểm định, đánh giá chất lượng an toàn chịu lực; lập và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức di dời, tháo dỡ; lập, phê duyệt dự án và dự án đầu tư. Nhưng tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ vẫn chậm.

Bộ Xây dựng nhận định, trên thực tế đang tồn tại những “rào cản” trong phát triển nhà ở. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thiếu đồng bộ và chưa đủ mạnh. Một số điểm trong cơ chế chưa phù hợp với thực tế thị trường nên khó khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu cho giai đoạn 5 năm tới, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt sẽ khoảng 26-27 m2 sàn/người; trong đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt khoảng 26m2/người, khu vực nông thôn đạt khoảng 25m2/người. Đặc biệt, tỷ lệ dân số sống trong nhà ở đơn sơ chỉ còn 1%.

_________________

Bộ Xây dựng đề xuất, cần khai thác, sử dụng bất động sản hiệu quả, đặc biệt là bất động sản đất đai để khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai, nhà và công trình trên đất phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng đó, phát triển đa dạng các loại bất động sản, bảo đảm cân đối cung – cầu của từng phân khúc, từng địa phương và trong từng giai đoạn. Phát triển cơ sở hạ tầng đi đôi với cải tạo chỉnh trang đô thị lớn thành các thành phố thông minh, hiện đại gắn kết với việc phát triển đô thị vệ tinh để lan toả sự phát triển và phân bố lại cung – cầu bất động sản.

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments