Quốc hội ở kỳ họp cuối năm 2020 đã họp kín, thảo luận, thông qua Nghị quyết 132/2020 với tên gọi đầy đủ là Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Mật và giải mật
Quốc hội vốn hoạt động theo nguyên tắc tập thể, công khai, nhưng vì tính nhạy cảm trong câu chuyện pháp lý này mà dự thảo Nghị quyết, vỏn vẹn 8 điều, cùng hồ sơ liên quan đều đóng dấu mật. Phải sau khi Quốc hội thông qua, hôm 17-11, Văn phòng Quốc hội mới tiến hành thủ tục giải mật, công bố toàn văn Nghị quyết.
Chứa đựng các quy phạm khác với Luật Đất đai, nên ngay Điều 1 Nghị quyết 132 tự giới hạn phạm vi điều chỉnh của mình. Theo đó, Nghị quyết này quy định thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Các chính sách này gồm: Nguyên tắc, chế độ sử dụng đất; trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; việc xử lý dự án, hợp đồng đã thực hiện và việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn.
Và ở điều khoản cuối cùng – điều khoản thi hành, giới hạn hiệu lực của Nghị quyết 132 quy định: Từ 1-2-2021 đến khi Luật Đất đai hiện hành được sửa đổi và có hiệu lực thay thế.
Rủi ro pháp lý
Khái niệm pháp lý “đất quốc phòng, an ninh” lần đầu tiên xuất hiện trong Luật Đất đai 1993. Ở thời điểm đấy, luật định một số trường hợp đất này có thể “kết hợp làm kinh tế”.
Tuy nhiên với ngay cả lúc ấy, lực lượng vũ trang vẫn không được khuyến khích tham gia các hoạt động kinh tế. Cho nên, dù chỉ là “kết hợp”, quá trình phát triển chính sách luôn theo hướng siết chặt dần. Đến Luật Đất đai 2003, trong quy định về quản lý đất quốc phòng, an ninh không còn cụm từ “kết hợp làm kinh tế” nữa.
Quá trình chuyển tiếp từ được sang không được “kết hợp làm kinh tế” về sau không diễn ra như mong muốn của nhà làm luật. Rất nhiều khu đất quốc phòng đã “kết hợp làm kinh tế” không được chuyển giao sang UBND các tỉnh để quản lý. Chưa kể, một diện tích không nhỏ khác được tiếp tục đưa vào thị trường. Căn cứ cho các hoạt động kinh tế ấy chỉ là thực tiễn sử dụng đất, và hai công văn 1231/2003 và 1869/2008 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Phải đến khi Luật Đất đai được sửa đổi toàn diện năm 2013, có hiệu lực tháng 7-2014, tiếp tục khẳng định không có ngoại lệ “kết hợp làm kinh tế”, lãnh đạo Bộ Quốc phòng mới ra văn bản dừng tất cả việc chuyển, đưa đất đang do các đơn vị quân đội quản lý vào vòng quay thị trường.
Với diễn tiến chính sách nêu trên, có thể thấy 17 năm qua, rất nhiều dự án kinh tế có sử dụng đất quốc phòng đang đối mặt rủi ro pháp lý do nằm ngoài quy định của Luật Đất đai.
Tháo gỡ vướng mắc
Để tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý an toàn cho quá trình chuyển tiếp, phù hợp với quân đội “từng bước hiện đại”, Quốc hội ở kỳ họp cuối năm nay ban hành Nghị quyết 132, với Điều 3 quy định rõ năm nguyên tắc sử dụng “đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế”. Cụ thể:
1. Việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính. Trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
2. Đất quốc phòng, an ninh sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và phương án sử dụng đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
3. Chỉ đơn vị quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc quân đội, công an trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, cùng các tổ chức, cá nhân đang thực tế trực tiếp sử dụng đất quốc phòng, an ninh là được tiếp tục kết hợp làm kinh tế.
4. Không được sử dụng đất quốc phòng, an ninh để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc khai thác, sử dụng đất quốc phòng, an ninh trong 17 năm qua mang lại nguồn lợi không nhỏ nhưng lại thiếu vắng cơ chế pháp lý để điều tiết.
Để khắc phục, Điều 4 về chế độ sử dụng đất, ngoài giao trách nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an phê duyệt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp làm kinh tế, còn giới hạn: Chỉ phần hoạt động kinh tế gắn với lao động, giáo dục, cải tạo, rèn luyện, tăng giả sản xuất… mới không phải nộp tiền sử dụng.
Các hoạt động kinh tế khác đều phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, theo các yêu cầu chặt chẽ về dự toán thu, chi của Luật Ngân sách.
Để tạo động lực tuân thủ, điều luật ưu tiên sử dụng nguồn thu này cho chi tiêu vì nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và giải quyết tồn đọng, chế độ, chính sách đối với các đối tượng khi thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội, công an.
Dân sự hóa
Do hoàn cảnh lịch sử mà lực lượng vũ trang, nhất là quân đội, cho đến nay vẫn quản lý nhiều diện tích đất mà lẽ ra cần chuyển cho UBND các tỉnh, thành quản lý, đưa vào thị trường như một nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội.
Để thúc đẩy quá trình dân sự hóa này, cũng như để quân đội, công an bớt dính dáng đến “thị trường”, Nghị quyết 132 giao Bộ trưởng hai bộ tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh.
Nội dung Nghị quyết yêu cầu là phải bảo đảm quỹ đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh nhưng đồng thời phải chuyển giao những khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh cho UBND các tỉnh, thành quản lý.
Cũng như một động lực thúc đẩy dân sự hóa, Nghị quyết mở ra cơ chế là với những khu đất có giá trị kinh tế lớn, từ 500 tỉ đồng trở lên theo bảng giá đất của địa phương, thì Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an được chủ động báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định để chuyển mục đích sử dụng và bán đấu giá. UBND lúc này chỉ ở vai phối hợp, chứ không phải chủ trì.
Bên thứ ba
Đất quốc phòng, an ninh cho dù thuộc diện được “kết hợp làm kinh tế” thì cũng không tự nhiên bước vào thị trường, mà thông thường phải qua các cá nhân, tổ chức bên ngoài. Bên thứ ba này nhiều năm qua đã hưởng lợi ích rất lớn, và quá trình đó khiến không ít tướng lĩnh quân đội bị kỷ luật, thậm chí ngồi tù.
Để chấn chỉnh, Nghị quyết 132 có một điều khoản riêng với nhiều ràng buộc. Theo đó, bên thứ ba chỉ được làm kinh tế theo đúng phương án được phê duyệt. Họ được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất nhưng không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất khi Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an quyết định chấm dứt phương án kết hợp làm kinh tế.
Về nghĩ vụ tài chính, bên thứ ba phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm như đất dân sự quản lý nhưng không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất như một số loại đất khác.
Nghị quyết cũng giao hai Bộ Quốc phòng, Công an tổng rà soát, đánh giá hiệu quả quốc phòng, an ninh, kinh tế – xã hội, môi trường của các dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có hiệu lực trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, và đề xuất phương án xử lý.
Nguyên tắc là, với các trường hợp có sai phạm, không hiệu quả thì chấm dứt, thanh lý, thu hồi đồng thời buộc các bên liên quan khắc phục triệt để các tồn tại, vi phạm. Còn nếu có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch của địa phương thì các dự án, hợp đồng này được tiếp tục thực hiện, nhưng chỉ trong thời hạn đã ký kết, không gia hạn.
Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung cũng như chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu, từng đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ và các tổ chức thành viên chịu trách nhiệm giám sát.
Theo Pháp luật TP.HCM