Phạt 300 triệu đồng một dự án bất động sản sai phạm là quá thấp
Chia sẻ
Theo văn bản báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng mà Sở Xây dựng TP.HCM vừa công bố, tuy số vụ việc giảm 58,2% so với năm 2019, nhưng tình trạng vi phạm xây dựng sai phép, không phép vẫn tái diễn.
60 ngày xử lý vi phạm xây không phép là quá dài
Từ tình hình thực tế xử lý vi phạm về xây dựng sai giấy phép, không có giấy phép, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng đưa ra hướng dẫn xử lý nhanh hành vi này.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng trong thời hạn 60 ngày là khá dài.
Trong quãng thời hiệu này, gồm có 7 ngày để cơ quan quản lý ra quyết định xử phạt, 15 ngày để đối tượng vi phạm chấp hành thông báo thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm, 15 ngày thực hiện cưỡng chế…
Việc kéo dài thời gian xử lý, dẫn đến thực trạng từ khi ban hành quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đến tiến hành tháo dỡ thì công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Về mức phạt tiền tối đa 300 triệu đồng đối với tổ chức trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng quá thấp, cần phải tăng lên.
Sở Xây dựng TP.HCM nêu quan điểm, nếu so với lợi ích thu được từ một dự án bất động sản quy mô lớn thì mức phạt này quá thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các chủ thể khác.
Không tìm ra tài khoản để khấu trừ tiền phạt
Sở này cũng nêu, những vụ việc sai phạm nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, được xin gia hạn thời gian không quá 30 ngày để xác minh, thu thập chứng cứ, nhưng hiện chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể thế nào là “phức tạp”.
Sở Xây dựng còn nêu ra nhiều bất cập từ thực tế triển khai cưỡng chế thi hành phạt tiền bằng hình thức khấu trừ lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản, kê biên tài sản có giá trị…
Theo đó, rất khó xác định lương hoặc thu nhập, tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm. Nhiều trường hợp không cung cấp thông tin số tài khoản, không có tài khoản hoặc có tài khoản nhưng không có tiền.
Phía các ngân hàng thường không tích cực cung cấp thông tin do cơ chế giữ bí mật, bảo vệ khách hàng vì mục đích kinh doanh. Đối với tổ chức tín dụng hiện có hơn 90 đơn vị đang hoạt động ở TP.HCM, việc xác minh thông tin tài khoản của các tổ chức, cá nhân vi phạm còn khó khăn hơn.
Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc phối hợp để xác minh, thực hiện cưỡng chế khấu trừ một phần lương, thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản, dẫn đến hiệu quả áp dụng biện pháp cưỡng chế trong thực tiễn rất thấp, Sở Xây dựng TP.HCM nêu thực trạng.