Nhà đầu tư nước ngoài chờ đổ vốn vào bất động sản
Chia sẻ
Từ năm 2020 sang các tháng đầu năm 2021, đầu tư nước ngoài (FDI) vào bất động sản gặp những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một số thủ tục pháp lý chưa sẵn sàng. Tuy nhiên đã có những chuyển biến tích cực về mức độ quan tâm của các nhà đầu tư.
Quy mô FDI trong năm 2020 chưa cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư với thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy vậy, vốn FDI vẫn đổ vào lĩnh vực sản xuất, tạo điều kiện cho ngành bất động sản có những chuyển biến tích cực. Thêm vào đó, với việc tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp tác động của dịch Covid-19, Việt Nam đang trở thành điểm đến sáng giá của quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.
Đánh giá về hoạt động FDI trong năm 2021, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, các nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm tới Việt Nam: “Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang được cải thiện so với nhiều năm trước. Việt Nam đang nắm giữ lợi thế lớn về môi trường đầu tư, chính trị ổn định, chính sách quản lý vốn hấp dẫn với đầu tư nước ngoài”.
Theo đó, Việt Nam nắm giữ lợi thế nhân khẩu học trẻ, năng động, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng cao. Sự phát triển của bất động sản Việt Nam vẫn dựa trên mức tăng trưởng thu nhập, nhân khẩu học và đô thị hóa.
Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang dần được cải thiện, với sự hỗ trợ đáng kể cho các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu và bất động sản. Chính phủ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá đất, các rào cản pháp lý đang được tích cực gỡ bỏ.
Tuy vậy, các nhà đầu tư và phát triển bất động sản nước ngoài vẫn sẽ đối mặt với những thách thức nhất định khi tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam. Ông Matthew Powell cho rằng: “Khó khăn của nhà đầu tư còn liên quan đến chất lượng đầu tư và khả năng tiếp cận. Với các nhà đầu tư nước ngoài, cơ sở hạ tầng chất lượng như đường xá, hải cảng và hệ thống đường sắt vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các tỉnh có nhiều không gian kinh tế lại gặp hạn chế về cơ sở hạ tầng, gây ra khó khăn trong việc tiếp cận nguyên vật liệu hoặc gặp nhiều vấn đề trong việc vận chuyển sản phẩm”.
Trong năm 2021, 3 lĩnh vực được nhận định thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư gồm: bất động sản nhà ở, bất động sản văn phòng và bất động sản công nghiệp. Đặc biệt, nhu cầu về văn phòng tăng trưởng mạnh.
Việt Nam là thị trường mục tiêu quan trọng của các công ty đa quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành công nghệ, dịch vụ tài chính, bảo hiểm nhân thọ. Riêng tại Hà Nội, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đang có xu hướng sử dụng không gian văn phòng chất lượng cao, diện tích lớn.
Khi dịch Covid-19 lắng xuống, nhiều công ty sẽ cho nhân viên quay trở lại văn phòng, không thể kéo dài tình trạng làm việc từ xa quá lâu. Với rất nhiều dự án đang được xây dựng, nguồn cung mới có khả năng khiến phân khúc văn phòng trở nên cạnh tranh hơn.
___________
Bài liên quan
Làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp lớn nhất sau 25 năm
Nhà đầu tư nên làm gì sau những cơn sốt đất ‘điên rồ’, giá đang ảo?