TS. Mai Hữu Tín – Chủ tịch Tập đoàn Gỗ Trường Thành: ‘Đi học với tôi là một cách đầu tư vô cùng hiệu quả’
Chia sẻ
Một doanh nhân mang nặng tinh thần dân tộc, luôn trăn trở trước số phận của những doanh nghiệp Việt trong “cuộc chiến” trên thương trường quốc tế, đó là TS. Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư U&I. Ông được giới trẻ xem như người truyền cảm hứng và động lực để khởi nghiệp.
Mai Hữu Tín là một doanh nhân luôn khát khao cống hiến vì môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam và phong trào thanh niên khởi nghiệp. Từ một chàng trai xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn, Mai Hữu Tín đã vươn lên trở thành một doanh nhân sở hữu hơn 60 công ty thành viên và công ty liên kết. Theo vị tiến sĩ quản trị kinh doanh này, để có được thành công, điều quan trọng nhất là hiểu rõ chính mình và điều mình định làm.
* Kể từ khi khởi nghiệp cho tới nay, ông đã trải qua những giai đoạn nào mang tính bước ngoặt và đâu là lúc ông cảm thấy khó khăn nhất?
– Với doanh nhân thì mỗi ngày đều mang lại những việc mới, những trải nghiệm mới. Tôi xem mình là một học trò luôn phải học và cố gắng tạo ra một ít tiến bộ trong từng ngày đó. Tôi cũng tin khả năng của con người không có giới hạn. Nhưng trong một thế giới biến đổi liên tục thì thật khó xác định giai đoạn nào là bước ngoặt và lúc nào là khó khăn nhất. Còn với tư cách cá nhân thì lúc không còn cả cha lẫn mẹ là lúc tôi cảm thấy khó sống nhất.
* Đối với một doanh nhân thành đạt như ông, khi sở hữu nhiều công ty, điều gì mang đến cho ông hạnh phúc?
– Chúng ta làm doanh nhân là để làm giàu cho mình và đóng góp cho đất nước. Nhưng niềm vui của việc làm giàu trước hết nên từ việc nhìn ra được bao nhiêu mảnh đời chúng ta có thể chạm đến và làm cho cuộc sống của họ tốt hơn lên mỗi ngày, không chỉ giới hạn trong số cổ đông hay gia đình gần gũi của chúng ta, mà lan tỏa ra đến người lao động, đến các thành phần khác có gắn bó đến hệ sinh thái mà từng doanh nhân chúng ta tạo ra. Việc đó, tôi mong nên nằm trong tim của mỗi doanh nhân. Hạnh phúc của mỗi doanh nhân đều quý.
Hạnh phúc mà từng doanh nhân góp phần tạo ra cho người khác chắc chắn là rất quý. Người làm kinh doanh xác định mục tiêu trước khi bàn tới cách làm. Trái tim của chúng ta mong ước làm điều gì thì cái đầu của chúng ta sẽ tính ra giải pháp thực hiện mong ước đó… Hãy xác định với nhau rằng cái tâm chung của chúng ta, của tất cả doanh nhân Việt Nam, là tạo ra được giá trị không chỉ cho riêng mình mà cho cả cộng đồng.
* Theo ông, những nguyên nhân nào người mới khởi nghiệp thường gặp thất bại?
– Có thể ở mốc xuất phát của cuộc đua, bạn chưa có đủ tầm cần có. Cách duy nhất giúp bạn nâng được tầm của mình lên là học, học thật nhanh, học thật kiên trì và học để không chỉ bằng, mà phải vượt người khác. Chỉ khi đó bạn mới có cơ may cạnh tranh và tồn tại được. Bao nhiêu anh hùng đã phải dừng cuộc chơi và ngã ngựa chỉ vì nghĩ rằng mình đủ giỏi. Sẽ không có ai đủ giỏi cả. Ngay khi bạn đã vươn lên đạt vị trí dẫn đầu thì vẫn có rất nhiều người khác âm thầm học tập để theo kịp và vượt qua bạn.
Kinh doanh, do vậy là một cuộc đua không có điểm dừng và chắc chắn không dành cho những người thiếu năng lực học tập suốt đời. Nếu bạn có thể biến việc học tập suốt đời thành văn hóa chung của doanh nghiệp nơi bạn điều hành, thì bạn cũng đồng thời tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của bạn, một lợi thế rất khó chinh phục.
* Hiện nay, các bạn trẻ luôn đặt mục tiêu thay đổi để thành công. Ông nhìn nhận điều này thế nào?
– Điều đó là hiển nhiên. Nếu chưa thành công mà lại không thay đổi thì thật khó để thành công. Bạn không thể làm cùng cung cách cũ mà lại mong có một kết quả khác. Không nên đặt mục tiêu đổi mới mang tính đột phá. Hãy làm tốt hơn chuyện của mình làm mỗi ngày bằng các bước thay đổi nhỏ nhưng đem lại hiệu quả, đó là sự đổi mới từng bước.
* Là người truyền cảm hứng khởi nghiệp, ông có những chia sẻ gì để thế hệ trẻ hiện nay thành công trong kinh doanh?
– Các bạn trẻ cần bắt đầu với việc xác định cho được mục đích của đời mình. Khi xác định được mục đích thì dễ giữ được sự kiên định để dấn thân. Do vậy đừng vội vã. Theo tôi, tốt nhất là các bạn trẻ nên đi làm thuê trước để học hỏi kinh nghiệm, có thời gian cân nhắc ý tưởng kinh doanh, rồi tìm đối tác và nguồn vốn trước khi quyết định khởi nghiệp.
* Ông đã từng dừng việc học để làm phiên dịch. Đó có phải là sự táo bạo và cách nắm bắt cơ hội mà tuổi trẻ cần có? Sau bao năm, ông nhìn nhận việc đó thế nào? Thường thì khi đã rất thành công trong kinh doanh, ít người quay lại trường và nhận học bổng như ông để đi học. Vì sao ông lại thích học hành nghiêm túc đến vậy?
– Tôi dừng học chính thức vì hoàn cảnh sống lúc đó bắt buộc phải làm thế, chứ không hẳn là do tôi muốn thế. Và khi có thể nuôi mình, nuôi người thân được rồi thì lại thấy mình vô cùng thiếu thốn kiến thức. Thế là phải học. Sự học đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch mỗi ngày của tôi. Hiện tôi có vài tiếng đồng hồ mỗi ngày cho việc học. Nhưng vui nhất vẫn là những khi được học tập trung với bạn bè. Mỗi năm tôi có được khoảng hai tuần như vậy. Và đó là những lúc thấy mình có giá trị nhất.
Được tập trung chuyên tâm học, các bạn trẻ sẽ có nền tảng kiến thức tốt. Có nền tảng kiến thức tốt thì sau này dễ đi nhanh và đi xa hơn. Nhưng hãy luôn nhớ rằng kiến thức đang phát triển rất nhanh và cách tiếp thu kiến thức ngày càng thuận tiện. Cái đúng của ngày hôm qua chưa chắc đúng hôm nay. Cách làm của ngày hôm qua chưa chắc phù hợp với ngày hôm nay. Việc học, do vậy nên là việc suốt đời và không nhất thiết phải gắn với trường lớp. Thời gian được đi học mỗi năm của tôi cũng là lúc tôi có thời gian suy ngẫm và chiêm nghiệm nhiều nhất những thay đổi cần có trong cuộc sống, cũng như trong kinh doanh. Đi học với tôi là một cách đầu tư vô cùng hiệu quả.
* Ông đặt dấu ấn cá nhân trong các thương vụ “giải cứu” rất nhiều doanh nghiệp gặp khó như Gỗ Trường Thành, Giấy Sài Gòn, Công ty Toàn Mỹ… Động lực nào đã giúp ông thực hiện những việc đó?
– Từng khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực nên tôi biết tạo dựng được những tên tuổi như vừa kể khó khăn ra sao. Và nếu có thể xoay chuyển để những doanh nghiệp đã thành danh nhưng gặp khó khăn như vậy quay lại khẳng định vị trí của mình thì tại sao lại không làm. Từng doanh nghiệp có thể gặp những vướng mắc khác nhau, có thể là vốn, con người, thị trường, công nghệ… Muốn xoay chuyển được thì phải “định bệnh” đúng và từ đó mới đưa ra được giải pháp “chữa trị” phù hợp.
* Trong hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, ông đã gặp những vấn đề gì khi đưa UniGroup vượt qua thời gian khó khăn ấy?
– Cũng như mọi người thôi. Chúng tôi có lúng túng bước đầu vì không biết phải làm gì là hợp lý nhất. Chi phí tăng kinh khủng, mất người, rủi ro phải đóng cửa nhà máy… Chúng tôi xác định có thể mất tiền nhưng cố gắng giữ người tối đa. May mắn là chúng tôi đã qua được, từ đó có thêm năng lực và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng. Rồi sẽ có những khủng hoảng khác, những vấn đề khác. Chúng tôi phải luôn sẵn sàng.
* Được xem là người “tạo ra lửa” trong doanh nghiệp, ông có bí quyết gì để thực hiện điều đó?
– Tôi không có bí quyết nào cả. Đồng sự của tôi đều là những người có khát khao thành công. Tôi cố gắng hết sức tạo điều kiện để họ có thể phát triển hết tiềm năng, không chỉ để tạo ra lợi nhuận mà còn để đóng góp vào sự phát triển chung. Nếu để mình bị “mất lửa”, mất ý chí, mất niềm tin thì những việc muốn làm đều không thực hiện được. Mọi người trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang gặp khó khăn luôn nhìn vào người lãnh đạo để lấy niềm tin. Vì vậy, người đứng đầu một doanh nghiệp đang khó khăn càng phải tạo ra động lực cho bản thân để tiếp tục dẫn dắt đội ngũ. Với chúng tôi, mục đích phụng sự mới là mục đích lớn nhất.
* Không chỉ đam mê kinh doanh, được biết ông rất đam mê thể thao và là Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới. Vovinam đem lại giá trị gì cho cá nhân ông?
– Thể thao giúp tăng cường sức khỏe, khả năng chịu đựng áp lực và tinh thần vượt khó. Ngoài sức khỏe thì tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản” luôn có ích với người làm kinh doanh. Vovinam cho tôi các giá trị đó. Võ đạo Vovinam lại giúp tôi biết sống khiêm cung, không ngừng hoàn thiện mình và sống vì cộng đồng. Tôi trở thành tôi bây giờ chắc chắn là vì có võ đạo đó trong người.
* Với việc đầu tư trí lực và cả tiền bạc vào Vovinam, ông mong muốn điều gì ở môn võ Việt này?
– Từ trải nghiệm của chính mình, tôi mong sẽ có nhiều người biết về Vovinam hơn và hưởng lợi từ môn võ này. Nhìn rộng ra, Vovinam là một sản phẩm văn hóa đặc thù của người Việt, có thể góp phần xây dựng sức mạnh mềm của đất nước. Vovinam đã và đang đi từng bước để từ Việt võ đạo trở thành “nhân võ đạo” và đương nhiên bao gồm mục tiêu trở thành môn thi đấu Olympic. Đã có rất nhiều công sức của các thế hệ đi trước mới có Vovinam hiện diện khắp năm châu và được nhiều triệu người biết đến như ngày nay. Nhưng đường đến đích của Vovinam còn rất xa và còn cần đóng góp của nhiều thế hệ. Tôi xem đây là một sứ mệnh của đời mình.
* Ông có nhận xét gì về vai trò của Doanh Nhân Sài Gòn – cơ quan báo chí luôn đồng hành cùng doanh nhân – với sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay?
– Tôi luôn biết ơn giới truyền thông, trong đó bao gồm Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, bởi đã giúp cộng đồng hiểu về doanh nhân chúng tôi rõ hơn và giúp chúng tôi truyền tải được tâm tư, suy nghĩ đến cộng đồng. Dù làm ở lĩnh vực nào thì chúng ta đều có chung một đất nước cần được bảo vệ, cần phải phát triển và so mình được với các cường quốc. Càng phối hợp chặt chẽ, càng chia sẻ được vấn đề của nhau thì chúng ta càng có thêm sức mạnh.
* Theo ông, việc số hóa báo chí với những công nghệ hiện đại đang được triển khai sẽ đem đến điều gì cho việc phản ánh thông tin của doanh nhân – doanh nghiệp trong thời đại 4.0?
– Thông tin là tài sản vô cùng quý giá. Làm sao để có thông tin và dữ liệu chính xác, toàn diện đến được với doanh nhân và cộng đồng nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả nhất thì vai trò của báo chí càng được nâng cao.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!
Theo Doanh nhân Sài Gòn