Cuộc đua M&A của các đại gia bất động sản
Chia sẻ
2021 là một năm sôi động của thị trường M&A tại Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản với hàng loạt thương vụ giá trị từ Vingroup, NovaGroup, Gamuda …
Theo thống kê của KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2021, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, quy mô giá trị thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) Việt Nam vẫn đạt 8,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ 2020.
Trong đó, 58% tổng giá trị các giao dịch này đến từ ngành tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính.
Đánh giá tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 diễn ra ngày 9/12 tại TP.HCM, ông Warrick Cleine – chủ tịch kiêm tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, nhiều tập đoàn lớn đã đưa M&A vào chiến lược chính trong kế hoạch phát triển và mở rộng của mình, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản.
M&A để phát triển đa ngành
Trong 3 năm trở lại đây, Tập đoàn NovaGroup nổi lên với hàng loạt thương vụ M&A ở nhiều lĩnh vực khác nhau như bán lẻ, ăn uống, dịch vụ… Tuy nhiên, khẳng định tại sự kiện ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn NovaGroup, sự hiện diện của doanh nghiệp này đã diễn ra từ rất lâu khi kinh doanh bất động sản.
“Chỉ 10-20% quỹ đất NovaLand đang có chủ yếu do tự phát triển, đền bù đất, còn lại là mua trên thị trường thứ cấp. Trong khoảng 2017-2018, khi quỹ đất tại TP.HCM khan hiếm hơn, chúng tôi quyết định ra khu vực lân cận như Đồng Nai, Hồ Tràm, Phan Thiết… Với phương châm kiến tạo cộng đồng, chúng tôi bắt buộc phải xây dựng các dịch vụ như ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục”, ông Nguyễn Thái Phiên chia sẻ.
Theo ông, ban đầu NovaGroup tự phát triển các lĩnh vực này, sau đó mở rộng thêm thông qua hoạt động M&A để tạo ra hệ sinh thái của Nova Service Group.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn NovaGroup cũng cho biết Nova Consumer ban đầu khi thành lập là Anova – đơn vị sản xuất chuỗi sản phẩm về chăn nuôi, thú y. Mặc dù doanh thu trước đó rất đều, nhu cầu nội thân của các cổ đông lớn là bước ra khỏi vùng an toàn, đối mặt thách thức mới. Chính vì vậy, từ năm 2019, Anova bắt đầu đổi tên là Nova Consumer Group và thực hiện một số thương vụ M&A như Cầu Đất Farm, PhinDeli…
Chia sẻ về những rủi ro khi đặt ra kế hoạch tăng trưởng trong thời gian ngắn, ông Nguyễn Thái Phiên khẳng định đây cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp.
“Các founder của Việt Nam khát vọng rất lớn lao, đặc biệt là thế hệ 5x-6x. Trong 10 việc họ làm, họ chỉ cần 1-2 việc thành công là rất tốt rồi. Các doanh nghiệp lớn đều thất bại rất nhiều thì mới có thành công như vậy. Tại Nova, chúng tôi luôn chuẩn bị những rủi ro đó nhưng đội ngũ luôn nỗ lực 100%”, ông Phiên nói thêm.
Chiến lược tăng quỹ đất
Bên cạnh mục tiêu phát triển đa ngành, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn xem M&A là một trong những kênh nhằm gia tăng thị phần trong ngành bất động sản thông qua sở hữu quỹ đất lớn hoặc các dự án đầu tư có quy mô.
Trong năm 2021, Frasers Property Việt Nam đã mua thành công dự án Khu công nghiệp BDIP tại Bình Dương. Theo ông Trương An Dương – giám đốc khối Bất động sản nhà ở, Công ty Fraser Property Vietnam – bất động sản công nghiệp là mảnh ghép còn thiếu của doanh nghiệp này trong chiến lược phát triển lâu dài tại Việt Nam.
“Frasers vào Việt Nam từ năm 1995. Trong suốt thời gian đó, chúng tôi không thực sự năng động tại Việt Nam. Đến năm 2021, chúng tôi mới chỉ phát triển được bất động sản nhà ở tại Thảo Điền, 2 tòa nhà văn phòng, 1 khu thương mại nhỏ. Để hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng là khu công nghiệp, Fraser đã phát triển khu công nghiệp ở Bình Dương”, ông Dương chia sẻ.
Cùng với đó, ông cũng nhận định để hoàn tất một thương vụ M&A bất động sản tại Việt Nam vào thời điểm này là rất khó khăn do giá đất để phát triển khu công nghiệp tăng mạnh trên khắp cả nước. Năng lực về tài chính của doanh nghiệp đóng vai trò chính trong việc quyết định sự thành công của thương vụ.
Chia sẻ thêm về góc nhìn từ một chủ đầu tư nước ngoài, ông Angus Liew -tổng giám đốc Công ty Gamuda Land TP.HCM – cho biết tầm nhìn của doanh nghiệp là phát triển các khu đô thị quy mô lớn.
“Chúng tôi muốn duy trì chiến lược này nhưng tìm một quỹ đất rộng để phát triển dự án khu đô thị là không hề dễ dàng. Gần đây, chúng tôi đã bắt đầu quan sát các quỹ đất từ 1-100 ha và đẩy mạnh hơn về nghiên cứu thị trường. Cùng với đó, thay vì chỉ tập trung vào Hà Nội và TP.HCM, chúng tôi cũng mở rộng tầm nhìn đến các tỉnh lân cận”, ông Angus Liew nói.
Theo đại diện Gamuda Land, với các chủ đầu tư nước ngoài, thách thức lớn nhất là tìm được một quỹ đất sạch. Ông hy vọng các khó khăn này sẽ được giải quyết phần nào thông qua các thương vụ M&A.
“Để sẵn sàng cho thị trường đầy sôi động trong thời gian tới, chúng tôi đã tạo ra nền tảng vững chắc về hoạt động M&A để các doanh nghiệp hợp tác. Đồng thời, chúng tôi luôn tìm kiếm các cơ hội để mua lại quỹ đất hoặc dự án trên thị trường. Lợi thế lúc này của Gamuda là nền tảng vững chắc sau 15 năm hiện diện ở Việt Nam và khi các nhà đầu tư nước ngoài khác khác không thể vào thị trường do dịch bệnh”, ông Angus Liew nhấn mạnh.
Theo Zing
___________
Bài liên quan
TP.HCM dự kiến thu hồi đất của hàng chục dự án