ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Bất động sản Featured

Cuộc chuyển mình của bất động sản Bình Dương sau sáp nhập

Chia sẻ
Bình Dương – một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt Nam – đang trải qua một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ khi sáp nhập với TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu để trở thành “siêu đô thị” vùng Đông Nam Bộ. Sự kiện này không chỉ mở ra kỳ vọng thay đổi diện mạo vùng lõi phía Nam, mà còn tạo cú hích mạnh mẽ cho thị trường bất động sản Bình Dương, kéo theo nhu cầu nhà ở gia tăng nhanh chóng.

Gạch nối chiến lược tái định hình “vùng lõi” phía Nam

Với tiềm lực sẵn có, việc sáp nhập Bình Dương với TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hình thành một “siêu đô thị” của vùng Đông Nam Bộ. Không chỉ tái cấu trúc mạnh mẽ về hạ tầng và không gian phát triển vùng, quá trình sáp nhập còn hình thành một “siêu vùng” kinh tế với hiệu ứng cộng hưởng theo cấp số nhân.

Tại đây, mỗi địa phương không chỉ phát huy lợi thế riêng mà còn đóng vai trò bổ trợ, nâng tầm giá trị lẫn nhau. Trong đó, Bình Dương – trung tâm công nghiệp lớn bậc nhất phía Nam được tiếp thêm động lực mạnh mẽ nhờ khả năng kết nối trực tiếp đến cảng nước sâu và du lịch biển Bà Rịa – Vũng Tàu, cùng hạ tầng dịch vụ, tài chính, thương mại của TP.HCM.

Cuộc chuyển mình của bất động sản Bình Dương sau sáp nhập

Với địa thế nằm ngay cửa ngõ phía Đông của TP.HCM, Bình Dương có vai trò như một “gạch nối” các trung tâm kinh tế lớn của khu vực

Bình Dương từ lâu đã nổi bật với mô hình phát triển mạnh mẽ, kết hợp giữa công nghiệp, đô thị và dịch vụ, tạo nên một trung tâm kinh tế năng động tại khu vực phía Nam. Những khu vực như Thuận An, Dĩ An, Mỹ Phước đã và đang trở thành điểm sáng của tỉnh, không chỉ thu hút đầu tư trong ngành công nghiệp mà còn là những khu đô thị, thương mại và dịch vụ.

Với địa thế nằm ngay cửa ngõ phía Đông của TP.HCM, cách trung tâm thành phố khoảng 30km, Bình Dương có vai trò như một “gạch nối” các trung tâm kinh tế lớn của khu vực, như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Dự án mở rộng Quốc lộ 13 lên 60m với tổng vốn 21.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành năm 2028 hứa hẹn sẽ nâng tầm kết nối hạ tầng tại Bình Dương. Ngoài các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 đang được triển khai, mới đây dự án metro số 1 (Suối Tiên – TP mới Bình Dương) dài hơn 29km cũng đang được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định.

Hệ thống giao thông liên kết vùng không chỉ nâng cao năng lực vận hành kinh tế mà còn kéo theo làn sóng đô thị hóa lan rộng, tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư và cư dân dịch chuyển ra khỏi khu trung tâm TP.HCM. Từ đó thu hút dòng vốn đầu tư và dân cư chất lượng cao, kéo theo dân số và nhu cầu nhà ở gia tăng nhanh, nhất là nhu cầu nhà ở cao cấp của lực lượng chuyên gia, tầng lớp trung lưu và dân cư có thu nhập cao. Nhu cầu này sẽ mở rộng nhanh chóng từ vùng lõi trung tâm TP.HCM ra các khu vực đô thị vệ tinh.

Theo bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM, việc quy hoạch trên một diện tích đất lớn hơn sau sáp nhập sẽ tạo dư địa để đưa ra các quyết định quy hoạch mới, định hình hạ tầng và các khu dân cư trong tương lai. Điều này giúp giải quyết bài toán giãn dân, khơi thông nguồn cung nhà ở mới.

Từ thủ phủ công nghiệp thành “siêu đô thị”

Từ một tỉnh thuần về nông nghiệp, nguồn thu còn hạn chế khi tách tỉnh vào năm 1997, Bình Dương đã vươn lên tốp những tỉnh dẫn đầu về nhiều chỉ số sau hơn 20 năm thu hút đầu tư. Tính đến cuối năm 2024, Bình Dương đã khẳng định vị thế là một trong những tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, xếp thứ 3 sau TP.HCM và Hà Nội. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ước đạt 520.205 tỷ đồng, tăng 7,48% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người đạt 181,2 triệu đồng, tương đương khoảng 7.700 USD.

Cuộc chuyển mình của bất động sản Bình Dương sau sáp nhập

Tính đến cuối năm 2024, Bình Dương đã khẳng định vị thế là một trong những tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước

Đi kèm với tốc độ phát triển kinh tế, Bình Dương cũng chào đón lượng lớn người lao động từ các tỉnh thành khác, cũng như các chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Nhu cầu nhà ở theo đó ngày càng tăng lên, kéo theo sự xuất hiện của nhiều chủ đầu tư bất động sản nhằm đón đầu cơ hội.

Nếu như giai đoạn 2010–2019, thủ phủ khu công nghiệp này là điểm đến của các chủ đầu tư vừa và nhỏ với các dự án có quy mô vài trăm căn thì từ năm 2019 đến nay, thị trường đón nhận thêm hàng loạt chủ đầu tư lớn với dự án quy mô lên đến hàng nghìn sản phẩm.

Theo dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) trong năm 2024, thị trường Bình Dương ghi nhận khoảng hơn 5.000 sản phẩm mở bán, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước.

Bước sang đầu năm 2025, thị trường Bình Dương ghi nhận tín hiệu phục hồi rõ nét, nhờ nguồn cung có xu hướng cải thiện từ hàng loạt dự án bất động sản mới được chấp thuận chủ trương đầu tư và được gỡ vướng sau nhiều năm. Đáng chú ý, đầu tháng 6, một số dự án chính thức mở bán đã tạo ấn tượng lớn với khoảng 70% bảng hàng được giao dịch sau một thời gian ngắn mở bán.

VARS nhận định, việc hàng loạt dự án được ra mắt trước các tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, hạ tầng và quy hoạch càng kích thích nhu cầu đầu tư sau giai đoạn “nén”, mở ra cơ hội để thị trường bước vào chu kỳ bùng nổ mới.

Nguồn: Cafeland

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments