Hơn 3.300 doanh nghiệp xây dựng thừa nhận gặp khó đến cuối năm
Chia sẻ
Tình hình sản xuất kinh doanh của ngành xây dựng trong quý IV vẫn chưa khởi sắc. Có 50,1% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn, 29,5% nhận định giữ ổn định và 20,4% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Đây là con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố từ khảo sát với hơn 6.600 đơn vị đại diện cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp có hoạt động xây dựng của 63 tỉnh, thành phố, về các mặt: tổng quan hoạt động sản xuất kinh doanh ngành xây dựng; xu hướng sử dụng các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nhận định về chính sách hỗ trợ của hệ thống hành chính Nhà nước và tình hình tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều ông lớn giảm doanh thu, lỗ
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 49,6% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn trong quý IV, 21,2% sản xuất kinh doanh tốt hơn, 29,2% doanh nghiệp giữ ổn định. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp FDI là 55,8% khó khăn hơn, 12,8% tốt hơn, 31,4% giữ ổn định. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có đến 56% khó khăn hơn, 11,9% tốt hơn, 32,1% giữ ổn định.
Thực tế, kết thúc quý III, không ít doanh nghiệp xây dựng lớn, từng là điểm sáng trên thị trường, có kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Công ty CP Xây dựng Coteccons ghi nhận lãi ròng quý III thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Cụ thể, doanh thu thuần chỉ đạt 2.776 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 46%, đạt 88,7 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm nay, ghi nhận 10.300 tỷ đồng doanh thu (giảm 36% so với cùng kỳ) và 369,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 22,6%), hoàn thành 78% kế hoạch.
Lý do chính là vì dịch Covid-19, nhiều dự án giãn tiến độ xây dựng dẫn đến doanh thu giảm. Đồng thời, đơn vị này có khoản giảm trừ doanh thu 31 tỷ đồng của công trình đã quyết toán.
Một tên tuổi lớn trong ngành là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng có kết quả kinh doanh kém tích cực. Doanh thu quý vừa qua đạt 2.635 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Đà sụt giảm lãi ròng được thu hẹp so với các quý trước, đạt 53,3 tỷ đồng, nhưng chủ yếu nhờ khoản thu nhập bất thường 74,7 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, Hòa Bình đạt 8.046 tỷ đồng doanh thu và 63 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 41% và 74% so với cùng kỳ.
Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons có lợi nhuận ròng quý III với mức giảm lần lượt 24% và 47% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 1.987 tỷ đồng và 54,5 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 4,82%, giảm so với mức 6,2% cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, Ricons đạt doanh thu thuần 4.723 tỷ đồng, giảm 9%, lợi nhuận sau thuế gần 147 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 9 tháng, đơn vị này thực hiện được 63% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tình cảnh nặng nề hơn ở Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1), dù doanh thu thuần đạt 1.867 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, nhưng vẫn lỗ. Dù có 75,5 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết, nhưng chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng của CC1 tăng 24,6% lên 117,5 tỷ đồng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 7,3 tỷ đồng.
CC1 cho biết, đại dịch Covid-19 khiến nhiều công trình phải tạm dừng hoạt động, trong khi chi phí cố định vẫn phải chi trả.
Kiến nghị nhiều đề xuất để vượt khó
Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang dần được khôi phục, dựa trên các tiêu chí: chỉ số cân bằng về xu hướng sản xuất kinh doanh, chỉ số cân bằng về biến động tổng chi phí, chi phí nguyên, vật liệu, nhân công và chỉ số cân bằng về nhu cầu sử dụng lao động.
Cơ quan này dự báo quý IV, chỉ số cân bằng về tổng chi phí, chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chỉ số cân bằng về quy mô lao động cao hơn quý trước. Trong đó, chỉ số cân bằng về biến động tổng chi phí cho hoạt động xây dựng có xư hướng tăng với 22,6%, (43,8% doanh nghiệp dự báo tăng, 21,2% doanh nghiệp dự báo giảm).
Các doanh nghiệp xây dựng dân dụng đầu ngành có kết quả kinh doanh sụt giảm như Coteccons, Hòa Bình đang xâm nhập vào mảng xây dựng hạ tầng để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, họ cần nhiều thời gian và vốn để chứng minh năng lực thi công.
Nhìn từ phía các đơn vị trong ngành, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp xây dựng đã đề xuất một số kiến nghị:
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục, giấy tờ trong công tác nghiệm thu, bàn giao công trình, đẩy nhanh công tác thanh quyết toán vốn và giải ngân đầu tư công.
Cơ chế đấu thầu minh bạch, thông báo rộng rãi tới các doanh nghiệp.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua các chính sách tài chính, tín dụng và bảo hiểm: giảm lãi suất cho vay, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, giãn thời gian đáo hạn các khoản vay miễn tiền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp trong quý III.
Hệ thống hóa toàn diện, đầy đủ văn bản pháp luật, hướng dẫn chi tiết và giảm bớt các thủ tục hành chính để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tới gói hỗ trợ doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Thắng Nguyễn