Căn nhà ở Đà Nẵng ‘chống’ biến đổi khí hậu bằng cách thức độc đáo
Chia sẻ
Căn nhà ở Đà Nẵng được thiết kế với tiêu chí giảm thiểu tác động đến môi trường, tận dụng các điều kiện tự nhiên. Đồng thời chính điều đó mang đến kiến trúc lạ mắt, ấn tượng.
Nhóm kiến trúc sư 85 Design thiết kế căn nhà độc đáo này cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động đến đời sống con người là vấn đề đang rất được quan tâm, họ hiểu rằng mình cần phải thực hiện những sản phẩm góp phần giảm thiểu sự ảnh hưởng này.
Biến đổi khí hậu gây ra những hệ quả vô cùng nghiêm trọng, nhiệt độ, mực nước biển tăng cao qua từng năm. Trong năm nay, Việt Nam hứng chịu 13 cơn bão, Philippines gánh đến 22 cơn bão, trong đó có cả cuồng phong. Bên cạnh đó là những thảm họa có sức tàn phá lớn như lũ lụt, sạt lở đất,… Tuy vậy, nhiều người dân lại không để tâm mấy đến mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
“Những kiến trúc sư chúng tôi muốn góp phần thay đổi nhận thức của mọi người, đồng thời đưa ra những giải pháp thiết kế nhà ở hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Chúng tôi cũng muốn truyền cảm hứng đến các đồng nghiệp để cùng nhau tạo ra môi trường sống tốt hơn. Đây là một trong những dự án thể hiện kỳ vọng này của chúng tôi”, nhóm kiến trúc sư chia sẻ.
Căn nhà có tổng diện tích 250m2 ở Đà Nẵng này được thiết kế dành cho cặp vợ chồng trẻ và hai con nhỏ. Mục tiêu của nhóm kiến trúc sư là tạo nên một không gian thân thiện nhất với môi trường. Ngôi nhà được thiết kế để tận dụng các nguồn năng lượng tự nhiên, giảm việc dùng nhiều nước.
Tầng trệt có phòng khách, bếp và phòng ngủ cho khách, cùng kho và phòng giặt. Phòng bếp liên thông với phòng khách nhằm tạo ra không gian rộng và linh hoạt, đồng thời giảm diện tích xây dựng, dành nhiều diện tích cho sân vườn. Tất cả các phòng đều hướng ra vườn thông qua cửa sổ trượt lớn trong suốt, mang đến sự thông thoáng cho ngôi nhà.
Tầng 1 có phòng thờ, phòng làm việc và hai phòng ngủ hướng ra vườn. Các phòng này cũng có cửa sổ trượt để đón luồng không khí, đặc biệt là từ biển gần đó. Khác biệt là tầng một được trang bị cửa sổ chớp khi cần có thể giúp giảm bớt ánh nắng.
Tầng thượng có sân chơi nhỏ và vườn thảo mộc sản xuất đủ rau cho nhu cầu hàng ngày. Vườn cây không dùng hóa chất, an toàn cho người và vật nuôi. Vườn có hệ thống tưới nước tuần hoàn tự động kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, lưu trữ và phân phối nước mưa.
“Sau bốn năm thực hiện nhiều dự án, chúng tôi thấy rằng, trên cùng một nền bê tông, khu vực trồng cây bền hơn, trong khi nơi không trồng cây có vết nứt dẫn đến rò rỉ nước. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích mọi người nên trồng cây trên sân thượng nhà mình. Nó không chỉ giúp ích cho môi trường sống mà còn bảo vệ công trình của bạn”, nhóm kiến trúc sư nhận định.
Theo tính toán, bằng cách tận dụng ánh sáng tự nhiên, trồng cây để giảm bức xạ nhiệt và sử dụng hệ thống tưới nước tuần hoàn tự động, căn nhà này giảm đến 30% năng lượng sử dụng cho việc chiếu sáng và điều hòa không khí. Các giải pháp này không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn bảo vệ công trình khỏi các tác nhân có hại của môi trường.
Các kiến trúc sư hy vọng công trình này có thể truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp, để cùng phát triển thành hiện thực nhiều dự án tương tự, góp phần làm thay đổi nhận thức của thế hệ tương lai đối với môi trường sống.
Lam Huê
theo ArchDaily