Kiến nghị phí bảo trì chung cư do ban quản trị quyết định
Chia sẻ
Chung cư vẫn là loại hình bất động sản được nhiều người quan tâm nhất, mua để an cư lẫn để đầu tư.
Kiến nghị bỏ phí bảo trì 2%
Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị về lâu dài, bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay.
Theo sở này, ở một số chung cư, chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quản trị, không bàn giao kinh phí bảo trì chung cư, gây khó khăn cho việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng công trình, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại. Một số chủ đầu tư chưa nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã bàn giao căn hộ, cho cư dân vào ở.
Bên cạnh đó, kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành đối với chung cư thuộc sở hữu nhà nước còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa có hướng dẫn, quy định pháp luật cụ thể, cần được nghiên cứu, kiến nghị giải pháp xử lý. Việc tranh chấp quyền sở hữu đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư còn diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, các chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005 còn thiếu nhà để xe, nhà sinh hoạt cộng đồng, các hệ thống phòng cháy chữa cháy…, kết cấu công trình dần xuống cấp sau hơn 20 năm sử dụng nhưng không có kinh phí bảo trì. Lý do là hầu hết các chung cư này không có quỹ bảo trì.
Ngoài ra, các quy định pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, về quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa quy định cụ thể về biện pháp chế tài, xử lý đối với nhiều hành vi vi phạm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành.
Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu căn hộ trong quá trình quản lý, sử dụng. Số thu sẽ theo tỷ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định.
Đối với những tranh chấp trước mắt, cơ quan này cho rằng cần điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị theo hướng các bên khởi kiện tại tòa.
Giá chung cư ở TP.HCM năm 2021 sẽ tăng tiếp 9%
Nhận định này được ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc chi nhánh TP.HCM và Bình Dương của chuyên trang batdongsan.com.vn, đưa ra tại Hội nghị bất động sản Việt Nam, ngày 11/12.
Theo số liệu của batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đến chung cư cao cấp tại TP.HCM tăng 7% trong năm nay, còn phân khúc trung cấp và bình dân giảm lần lượt 4% và 7%. Tuy nhiên, thị trường vẫn dành tỷ trọng quan tâm lớn nhất đến chung cư trung cấp.
Chung cư vẫn là loại hình bất động sản nhận được sự quan tâm cao nhất và duy trì lượng tin đăng ổn định ở nguồn cung sơ cấp và thứ cấp. Từ năm 2009 đến 2019, tỷ lệ hộ gia đình ở chung cư tại TP.HCM tăng 67%, Hà Nội 53%.
CBRE Việt Nam cho rằng khu Đông TP.HCM vẫn là khu vực phát triển chính của thị trường trong 5 – 10 năm tới, thu hút cả nhà đầu tư và người mua để ở. Nguồn cung lũy kế của khu vực này đến năm 2025 được dự báo đạt 198.000 căn, gấp 3,6 lần so với năm 2005.
Đơn vị này dự đoán năm 2021, TP.HCM có 17.500 căn hộ chào bán mới, các phân khúc nhà ở, nhất là chung cư có sự phục hồi tốt. Tốc độ tăng giá bán không đồng đều ở các phân khúc, trong đó phân khúc bình dân (dưới 1.000 USD/m2) không còn xuất hiện trên thị trường.
Người mua nhà để ở bắt đầu quan tâm đến phương thức thanh toán càng dài càng tốt (20 năm trở lên). Vì giá mặt bằng chung đã tăng nên yêu cầu của khách hàng với chung cư càng khắt khe hơn, chủ đầu tư cũng quan tâm hơn vào cơ cấu sản phẩm, hỗ trợ tài chính…
Giá căn hộ chung cư tăng cao được cho là do hiệu ứng tổng hợp từ nhiều yếu tố như quy hoạch khu Đông, hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, nhu cầu nhà ở ngày một tăng… Bên cạnh đó, còn do chi phí đầu vào của các dự án (giá đất, giá đền bù, chi phí pháp lý, hành chính thủ tục, chi phí vốn/tài chính) ngày càng cao, và được chủ đầu tư đưa hết vào giá bán.