37,5% doanh nghiệp logistics kỳ vọng năm 2021 khả quan hơn
Chia sẻ
Doanh nghiệp logistics Việt Nam đang trên đà hồi phục sau đại dịch Covid-19 và có những triển vọng khả quan trong năm 2021.
Hơn 2/3 doanh nghiệp phục hồi 60%
Theo khảo sát của Vietnam Report, nhờ Chính phủ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng đã phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Năng lực hoạt động của 87% doanh nghiệp ở thời điểm này đạt mức trên 60% so với trước đại dịch.
Hiện một số doanh nghiệp lớn áp dụng giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí như: cảng điện tử (ePort), lệnh giao hàng điện tử (eDO), số hóa chứng từ vận tải (invoicing and payments), đầu tư vào ứng dụng giải pháp tổng thể trong dịch vụ logistics (saas), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing), nhà kho thông minh (smart warehousing)… Nhờ vậy, 58% nhà cung cấp dịch vụ logistics đã rút ngắn lộ trình công nghệ.
Mô hình làm việc từ xa (work from home) được 82% doanh nghiệp trong ngành áp dụng, theo khảo sát của Vietnam Report. Ngành logistics có lợi thế khi áp dụng mô hình này do tỷ lệ giao dịch trực tiếp ít hơn nhiều ngành khác.
Nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình just-in-time, giảm thiểu chi phí tồn kho bằng cách sản xuất hàng hóa sau khi có đơn đặt hàng. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, mô hình just-in-case lại phù hợp hơn, một số doanh nghiệp lớn đầu tư kho xưởng lớn, hình thành trung tâm phân phối quy mô. Tuy nhiên, mô hình just-in-case đòi hỏi nguồn lực tài chính mạnh, vì tăng chi phí lưu kho.
Hơn 2/3 doanh nghiệp triển khai công nghệ 4.0
Theo Vietnam Report, một số xu hướng sẽ diễn ra trong dài hạn khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, gồm: Áp dụng công nghệ trong kinh doanh nhiều hơn (số hóa, AI, tự động hóa); Tái cấu trúc/định vị hình ảnh tại các thị trường hiện tại; Tìm kiếm các cơ hội M&A và/hoặc theo đuổi chiến lược thoái vốn; Phân bổ lại nguồn đầu vào trong các chuỗi cung ứng; Làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn; Giao dịch thương mại điện tử phổ biến hơn.
Hiện trạng ứng dụng công nghệ trong quy trình kinh doanh của doanh nghiệp logistics Việt còn manh mún và phân tán. 56,3% số doanh nghiệp trong ngành cho biết mức độ ứng dụng tự động hóa trong hoạt động của đơn vị mình chỉ ở mức trung bình so với mặt bằng chung của toàn ngành.
Công nghệ mà doanh nghiệp ứng dụng mới dừng ở kết nối phương tiện vận tải thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS hay quản lý lưu kho qua các phần mềm đơn giản… Tuy vậy, tỷ lệ doanh nghiệp đang triển khai tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0 đã đạt trên 2/3, số còn lại dù chưa triển khai nhưng đang nỗ lực tìm kiếm công nghệ phù hợp.
Nhờ những nỗ lực của cả nước trong công tác ứng phó với dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian qua, gần 70% doanh nghiệp có niềm tin vào sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, hơn 56% doanh nghiệp trong ngành cho rằng năm 2021, tình hình kinh doanh có thể còn khó khăn hơn.
Điều này là vì doanh nghiệp logistics Việt nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có độ mở kinh tế khá lớn, trong khi tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát.
Kỳ vọng 2021
Việt Nam đã thông qua một số hiệp định thương mại quốc tế như CPTPP, EVFTA, RCEP là động lực cho sản xuất và xuất nhập khẩu, kéo theo sự phát triển của ngành logistics. Khi thâm nhập thị trường Việt Nam, các tập đoàn lớn cần các dịch vụ vận tải, giao nhận và thủ tục hải quan trong nước.
Tuy nhiên, doanh nghiệp logistics phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính các doanh nghiệp cũng cho rằng cần ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, xây dựng chính sách giá cả cạnh tranh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cao độ tin cậy, sự đúng hạn của các lô hàng khi tới điểm đích, độ đáp ứng, chính sách hỗ trợ khách hàng và xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thực tế, Tổng cục Hải quan đã triển khai chương trình nộp thuế điện tử, hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) được triển khai thành công tại 33/35 Cục Hải quan tỉnh thành phố, giảm tổng thời gian thực hiện thủ tục giám sát từ 1/3 đến 1/2 thời gian so với việc làm thủ tục trước đây, trung bình giảm khoảng 2 phút cho 1 tờ khai.
Năng lực các cụm cảng hàng không, cảng biển và cửa khẩu trong năm vừa qua cũng được cải thiện đáng kể. Hồi tháng 10, cảng quốc tế Cái Mép đón tàu container Margrethe Maersk – một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay với trọng tải 214.121 DWT, sức chở gần 20.600 TEU. Nhiều cảng nước sâu khác cũng liên tiếp đón tàu có trọng tải lớn, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải thế giới.