Vì sao TP.HCM chuyển chức năng, giảm hàng chục cụm công nghiệp?
Chia sẻ
> Đồng Nai được Chính phủ duyệt thêm 3 khu công nghiệp gần 6,5 nghìn ha
Trong khi nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh lân cận đang tăng cường xây dựng khu công nghiệp, thì TP.HCM lại có chủ trương giảm số lượng hoặc chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp.
17 khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy hơn 70%
Theo Quyết định 188/2004/QĐ-TTg của Chính phủ, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp của TP.HCM là 14.900ha, gồm 7.000ha đất dành cho các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, 1.900ha đất dành cho phát triển các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 4.000ha đất dành cho kho bãi, 2.000ha đất của các công trình kỹ thuật điện, nước.
Trong đó có 24 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.000 ha (gồm 21 khu công nghiệp, 2 khu chế xuất, 1 khu công nghệ cao). Tổng hợp diện tích các khu công nghiệp đã lập đồ án quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết 1/2.000 là khoảng 5.797,62 ha, 30 cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp địa phương với tổng diện tích khoảng 1.900ha.
Hiện nay, TP.HCM có 19 khu công nghiệp có quyết định thành lập, trong đó 17 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (gồm 3 khu chế xuất, 13 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ cao với tỷ lệ lấp đầy khoảng 66,8%, có 8 khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy trên 90%).
Tổng diện tích các khu công nghiệp này là 3.104,05 ha (thực tế 3.811,71ha), chiếm 66% quy mô diện tích quy hoạch dự kiến dành cho các khu công nghiệp, trong đó diện tích đã cho thuê đạt 1.855,83 ha/2.509,10 ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 73,96%.
Nhiều khu công nghiệp xuống cấp, nhiều ngành có công nghệ lạc hậu
Tuy nhiên quỹ đất của TP.HCM ngày càng hạn chế, không có sự lựa chọn địa điểm để đầu tư khu công nghiệp, việc doanh nghiệp tiếp cận đất đai, thụ tục rất khó khăn. Sử dụng đất cho hạ tầng công nghiệp chưa hiệu quả, mới 49,53% đất cho các khu công nghiệp và 4,13% dành cho cụm công nghiệp, 46,34% chưa thực hiện quy hoạch.
Trong khi đó, lực lượng lao động gia tăng, nhưng khi xây dựng các khu công nghiệp chưa tính đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân, chưa có chương trình, hành động cụ thể. Các khu vực này thiếu các tiện ích, công trình công cộng, phúc lợi xã hội, vui chơi giải trí, dẫn đến tình trạng người lao động một nơi – ở một nơi, sinh hoạt một nơi.
Toàn bộ 17 khu chế xuất – khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng lâu, hạ tầng thu gom nước thải, nước mưa tại một số khu công nghiệp hoạt động trên 20 năm bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, một số ngành nghề có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội liên quan đến công nghiệp nói chung và hạ tầng hỗ trợ liên kết cho việc phát triển ngành công nghiệp TP.HCM chưa được đầu tư đồng bộ, một số khu vực có quy hoạch khu công nghiệp nhưng hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo kết nối tương xứng, làm hạn chế sự thu hút đầu tư, dẫn đến một số khu công nghiệp được quy hoạch nhiều năm nhưng không triển khai.
Vận chuyển hàng hóa bằng giao thông đường bộ là chủ yếu, chưa khai thác giao thông đường thủy, đường sắt, đường hàng không. Một số vị trí quy hoạch khu công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng giao thông như khu công nghiệp Xuân Thới Thượng, khu công nghiệp Bàu Đưng… dẫn đến khó khăn khi mời gọi đầu tư.
Nhu cầu phát triển logistic tại các khu công nghiệp / khu chế xuất tăng cao, tuy nhiên thị trường dịch vụ logistic này do các doanh nghiệp nước ngoài sở hữu đến tỷ lệ 90%, doanh nghiệp trong nước chưa được tạo điều kiện để chuyển đổi (nhu cầu từ sản xuất sang dịch vụ kho vận logistic).
Chi phí đầu tư đầu vào cao (do giá thuê đất cao và ngoài ra áp dụng quy định phải đóng tiền thuê đất hàng năm – ảnh hưởng đến nhu cầu thế chấp tài sản để vay vốn sản xuất, hệ thống giao thông kết nối kém…) dẫn đến hạn chế thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, đặc biệt là khu vực phía Tây, Tây Bắc thành phố kém phát triển.
Chuyển đổi chức năng và giảm số lượng khu công nghiệp
Bối cảnh phát triển kinh tế thành phố trong tình hình mới (kinh tế tri thức, chuyển dịch cơ cấu kinh tế…) đặt ra yêu cầu điều chỉnh định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM.
Thực tế công nghiệp TP.HCM nhìn chung vẫn ở tình trạng thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, giá trị thu được chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư.
TP.HCM đã có kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp / khu chế xuất tập trung, sản xuất các nguyên vật liệu hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp như sản xuất đinh, ốc vít… tránh phụ thuộc vào nguồn hàng từ một số nước.
Đối với cụm công nghiệp, định hướng điều chỉnh quy hoạch ngành là giảm quy mô, chuyển đổi chức năng: giảm từ 30 cụm công nghiệp (1.900 ha) xuống còn 6 cụm công nghiệp (331,41ha), 2 cụm công nghiệp chuyển thành khu công nghiệp (An Hạ 123,5ha và Cơ khí Ô tô 100ha) và 22 cụm công nghiệp đưa ra khỏi quy hoạch, chuyển chức năng sử dụng đất khác.
TP.HCM đang tìm kiếm quỹ đất để thay thế các địa điểm quy hoạch khu/cụm công nghiệp không khả thi; thí điểm xây dựng nhà xưởng cao tầng tại các một số khu công nghiệp. Thành phố cũng đang thực hiện chương trình di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở có nguy cơ cháy nổ và cơ sở không phù hợp quy hoạch.