5 khó khăn và 5 xung lực của thị trường bất động sản
Chia sẻ
> Thị trường chung giữ giá, bất động sản công nghiệp tăng 10%
Thị trường bất động sản có 5 khó khăn, trong đó có những hạn chế cố hữu, nhưng cũng có 5 xung lực để tạo đà phát triển trong năm nay.
5 khó khăn
Như nhiều ngành khác, hạn chế, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản năm 2021 được các chuyên gia và các công ty bất động sản chỉ ra, chính là diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp trong ngành bất động sản vẫn còn gặp cảnh quy trình cấp phép, thẩm định phê duyệt đầu tư xây dựng các dự án còn lâu, phức tạp và nhiều công đoạn.
Thông tư hướng dẫn các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực bất động sản chưa được sửa đổi, nên doanh nghiệp gặp hạn chế về tín dụng, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ.
Trong khi đó, chính sách thuế giao dịch liên kết vẫn còn nhiều phức tạp, tạo cảm giác chưa yên tâm cho các nhà đầu tư bất động sản.
Chính sách này dùng để chống chuyển giá chứ không ban hành để chống giao dịch trong thị trường bất động sản. Cuối cùng, thị trường bất động sản lại phải hứng chịu những tác động không mong muốn đó.
Khó khăn cuối cùng là vướng mắc về chính sách condotel. Cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào về chính sáchcondotel, officetel, shophouse… dẫn đến vẫn còn có sự khác nhau giữa địa phương này và địa phương khác trong việc quản lý phân khúc bất động sản này.
5 xung lực
Các chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản trong khảo sát của VNR mới đây chỉ ra 5 yếu tố tạo xung lực phát triển mạnh nhất cho thị trường bất động sản trong năm nay.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng nút thắt trong chính sách bất động sản sẽ được gỡ bỏ. Cụ thể là sự ra đời, bổ sung của Nghị định số 25, Thông tư 21 của Bộ Xây dựng, Nghị quyết 164 giúp tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản.
Bên cạnh đó là Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 8/2/2021 với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung.
Ngoài ra, giải ngân đầu tư công là chính sách mạnh mẽ nhất trong năm nay, giúp giải quyết nhiều việc đang bị trì hoãn.
Sức chịu đựng và khả năng phục hồi kinh tế là xung lực quan trọng, nền tảng cho sự phát triển của các lĩnh vực trọng yếu, trong đó có bất động sản. Trong khu châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có tăng trưởng dương, cùng với Trung Quốc và NewZealand.
Kinh tế tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh tác động mạnh trên toàn thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2021, với mức độ tăng GDP kỳ vọng đạt khoảng 6%. Đây được xem là thách thức với nền kinh tế Việt Nam nhưng có tính khả thi, theo đó thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi khi có những thuận lợi và thời cơ chín muồi.
Dòng vốn ODA chảy vào Việt Nam, trong đó vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới bởi lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư bất động sản mới lập đã sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam.
Cùng với đó là xuất khẩu tăng do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã ký kết. Hoạt động du lịch sẽ ấm dần và nhiều nhà đầu tư nước ngoài dần được phép vào Việt Nam. Các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô, chính sách tài chính được điều chỉnh linh hoạt… sẽ góp phần thúc đẩy và tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản tăng nhiệt.
Chính sách lãi suất giảm sẽ thúc đẩy hoạt động trong thị trường bất động sản. Lãi suất hạ thấp thời gian qua hỗ trợ rất nhiều cho cả hai phía gồm người mua bất động sản và những nhà kinh doanh, xây dựng bất động sản. Họ được vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp, giảm được chi phí vốn và hỗ trợ được tốt trong vấn đề xây dựng công trình bất động sản.
Nếu các thủ tục rào cản của bất động sản được tháo gỡ, thị trường trở lại mức bình thường và có những điều chỉnh để tạo ra sự phát triển cân bằng hơn cho toàn bộ nền kinh tế. Khi đó, so với kênh đầu tư chứng khoán, thì đầu tư bất động sản ổn định hơn, dù phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn bị dịch bệnh tác động rất mạnh.
Cuối cùng, khả năng kiểm soát dịch bệnh là yếu tố bao trùm để cả nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng bật dậy. Khi Covid-19 xuất hiện, ngoại trừ những địa phương có diễn biến đặc biệt như TP.HCM dù giá nhà và giá đất tăng nhưng sức mua vẫn tốt, thì ở một số địa phương, bao gồm cả Hà Nội, không phải giá nào cũng bán được.
Thế giới đã có vắc xin, nhưng ngay cả Mỹ là nền kinh tế có vắc xin lớn nhất thế giới, vẫn cho rằng dịch bệnh chỉ có thể kiểm soát vào cuối năm 2021 và nền kinh tế của Mỹ có thể trở lại bình thường vào năm 2022. Tại các quốc gia khác, vùng châu Âu cũng như châu Á, tình hình dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng.
________________
Khảo sát của VNR chỉ ra 6 yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 trong năm qua:
– Kịp thời đưa ra các kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh (100%).
– Xây dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường (72,73%).
– Tiềm lực tài chính lành mạnh (45,45%).
– Rà soát, cắt giảm và sử dụng chi phí hiệu quả (36,36%).
– Phát triển thị trường mới (36,36%).
– Tăng cường chuyển đổi số trong quản lý và bán hàng (27,27%).