Doanh nghiệp bất động sản vẫn là ‘vua’ phát hành trái phiếu
Chia sẻ
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều đợt phát hành trái phiếu thành công của các công ty bất động sản trong những tháng đầu năm nay.
Hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục nở rộ.
Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, tháng 1/2021 có tổng cộng 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tổng giá trị 8.026 tỷ đồng. Trong đó giá trị phát hành riêng lẻ là 6.416 tỷ đồng và phát hành ra công chúng là 1.610 tỷ đồng.
Trong tháng 2/2021, có 3 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với tổng giá trị là 1.040 tỷ đồng và 1 đợt phát hành TPDN ra công chúng với giá trị 1.515 tỷ đồng.
Trong tháng 3/2021, có 17 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với tổng giá trị là 5.175 tỷ và 2 đợt phát hành TPDN ra công chúng với giá trị 2.860 tỷ đồng.
Mới nhất, trong tháng 4/2021, có tới 36 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 29.579.6 tỷ đồng và 1 đợt phát hành TPDN ra thị trường quốc tế của CTCP Tập đoàn Vingroup với giá trị phát hành 500 triệu USD.
Các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đứng đầu với khoảng 60% giá trị phát hành.
Trước đó, tính cả năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản cũng là nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất, với tổng cộng 182.600 tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng phát hành toàn thị trường, tăng so với tỷ trọng 39,6% năm 2019 và là nhóm phát hành nhiều nhất trong 2 năm gần đây.
Về kỳ hạn, từ cuối năm 2020 đến nay, các trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản có xu hướng kéo dài kỳ hạn hơn, trung bình khoảng 3,8 năm, dài hơn 1 năm so với năm 2019.
Lãi suất trái phiếu bình quân cũng đã tăng từ 9,7-11%/năm. Đơn cử như trong đợt phát hành trái phiếu gần đây, Sunshine Group gọi vốn với lãi suất 11%/năm, Novaland với lãi suất 10,5%, hay Phát Đạt 14%/năm…
Trong năm 2020 và quý 1/2021, ngân hàng cũng là một trong các nhà đầu tư trái phiếu lớn trên thị trường.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, về phát triển thị trường trái phiếu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 với quan điểm xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, đồng bộ với các cấu phần khác của thị trường tài chính, trong đó có thị trường cổ phiếu và thị trường tiền tệ – tín dụng ngân hàng. Trái phiếu là kênh huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp, góp phần làm giảm lệ thuộc vào dòng vốn tín dụng.
Tuy nhiên lĩnh vực bất động sản tiềm ẩn rủi ro. Do đó, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, điều hành một cách chủ động, linh hoạt để tín dụng bất động sản tăng trưởng lành mạnh, bền vững.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã có nhiều văn bản cảnh báo các ngân hàng thương mại rà soát, tăng cường kiểm tra đối với hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến kinh doanh bất động sản. Trong quá trình thực hiện, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Theo Giao thông