ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Bất động sản Featured

Mặt bằng cho thuê ở Sài Gòn vẫn ‘u ám’ trong thời gian tới

Chia sẻ

Savills Việt Nam vừa đưa ra dự báo về thị trường bất động sản trong 3 tháng cuối năm 2020 và quý I/2021. Theo đó, thị trường dự kiến có thêm hơn 50.000 m2 từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm hơn 80% thị phần. 

Thời gian qua, mặt bằng nhà phố đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong khi đó phân khúc trung tâm thương mại bị ảnh hưởng không đáng kể.

Gigamall Thủ Đức.

Tổng nguồn cung bán lẻ hiện đại của TP.HCM đạt gần 1,5 triệu m2, tăng 1% theo quý và 5% theo năm. Trong đó, nguồn cung từ các trung tâm mua sắm chiếm tỷ trọng cao nhất với 62% và tăng trưởng liên tục trung bình 17% mỗi năm.

Loại hình bán lẻ này có xu hướng chuyển dịch ra các khu vực ngoài trung tâm với tốc độ tăng trưởng nguồn cung của khu vực ngoài trung tâm là hơn 20% mỗi năm, trong khi tại trung tâm gần như ổn định trong 5 năm gần đây.

Vạn Hạnh Mall, quận 10.

Trong quý III, phân khúc trung tâm thương mại giảm 1 điểm công suất lấp đầy so với trước khi dịch Covid đợt 1 diễn ra. Tuy nhiên, tỷ lệ vẫn duy trì ở mức 95%, trong khi giá chào thuê trung bình gần như không đổi.

Bà Võ Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam nhận định: “Việc kiểm soát tốt làn sóng Covid-19 đợt 2 và công suất cao giúp các chủ nhà củng cố niềm tin vào thị trường. Ngoài ra, các trung tâm thương mại cung cấp dịch vụ tích hợp từ mua sắm, giải trí và ẩm thực có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua sắm, từ đó tăng lưu lượng người mua, tham quan và tiếp đến tạo doanh thu cũng như quảng bá thương hiệu cho khách thuê tại đây”.

Mặt bằng ở một trung tâm thương mại kín khách thuê.

Các trung tâm thương mại và nhà phố đều hỗ trợ giá cho khách thuê trong bối cảnh dịch Covid. Các hình thức hỗ trợ có: giảm 10-30% giá thuê trong ngắn hạn cho khách thuê mới hoặc khách thuê bị Covid tác động lên kết quả kinh doanh; giảm từ 1-2USD phí dịch vụ.

Tuy nhiên, không nhiều trung tâm thương mại áp dụng việc giảm giá cho thuê, và chủ yếu tập trung tại các khu vực ngoài trung tâm.Các trung tâm thương mại ở khu trung tâm gần như không đưa ra chính sách hỗ trợ nào khi tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%, các vị trí trống được cho thuê nhanh chóng.

Nhà phố cho thuê gặp nhiều khó khăn thời gian qua.

Trong khi đó, mặt bằng nhà phố đối mặt với thách thức lớn trong 3 quý qua. Mặt bằng nhà phố đang chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều, tuy nhiên, tốc độ lấp đầy lại rất chậm. Nhà phố căn góc tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông cao được thuê nhanh chóng, trong khi đó nhà phố ở ngay cả các cung đường thương mại lớn như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế, Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão tại quận 1 khó cho thuê.

Bà Trang lý giải: “Khó khăn của phân khúc nhà phố có thể đến từ lý do chủ nhà vẫn rất lạc quan vào đà hồi phục của thị trường và không có ý định giảm giá cho thuê. Trong khi đó, khách thuê tiếp tục giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển sang thương mại điện tử. Tại các khu vực có lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào khách du lịch, khách thuê vẫn trả mặt bằng dù một số chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê trong ngắn hạn”.

Nhiều mặt bằng cho thuê bị trả lại.

Theo khảo sát của Savills, khách thuê mặt bằng ở ngành F&B và thời trang cũng trả mặt bằng hoặc bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Xu hướng giảm diện tích thuê hoặc trả những cửa hàng hoạt động không hiệu quả sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Savills Việt Nam dự báo, trong 3 tháng cuối năm, thị trường có thêm hơn 50.000 m2 từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm hơn 80% thị phần. Mặt bằng cho thuê vẫn chưa thể tăng công suất khi nhiều công ty nước ngoài đang tạm hoãn kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hạn chế mở rộng thị trường.

Hoa Nguyễn

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments