Đổ xô đầu tư điện gió ở Gia Lai
Chia sẻ
Nhiều nhà đầu tư đang đổ vốn vào điện gió ở Gia Lai với công suất lên đến hàng ngàn MW.
Cuối tháng 9 vừa qua, hai dự án điện gió của Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông và Công ty cổ phần năng lượng gió Chư Prông đã làm lễ khởi công với công suất mỗi nhà máy là 50 MW. Hai dự án này được xây dựng tại H.Chư Prông (Gia Lai), tổng mức đầu tư khoảng 3.600 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành và phát điện vào quý 4 năm 2021.
Theo tính toán, hai dự án này có tổng sản lượng điện hơn 319 triệu kw/năm, đạt doanh thu hơn 627 tỉ đồng/năm. Đây là những dự án nhà máy điện gió đầu tiên được đầu tư, xây dựng trong số những dự án điện gió mà Gia Lai đang kêu gọi đầu tư.
Ông Bùi Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật ứng dụng VN, cho biết: “Qua khảo sát với những số liệu có được, chúng tôi nhận thấy Gia Lai là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng gió. Chẳng hạn như hai dự án trên, chúng tôi có được số liệu tốc độ gió lên đến 7,2 m/s ở độ cao 120 m. Đây là tốc độ gió rất thuận lợi để xây dựng nhà máy điện gió. Nhiều khu vực khác của tỉnh này mà chúng tôi khảo sát cũng có tốc độ gió cao, đủ điều kiện xây dựng các nhà máy điện gió”.
Với tốc độ gió ở nhiều khu vực đạt từ 6 – 8 m/s, Gia Lai đang sở hữu nguồn năng lượng gió dồi dào để thu hút những nhà đầu tư, đóng góp nguồn điện đáng kể cho quốc gia cũng như tăng thu ngân sách. Theo tính toán, cứ 1 MW được đầu tư, địa phương sẽ thu được 200 triệu đồng mỗi năm.
Tiềm năng lớn về điện gió của Gia Lai không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước mà cũng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Theo thông tin mới nhất từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai, ngày 18.9.2020, EPVN W2 (HK) Company Limited – công ty con của Tập đoàn Eastern Power Group – một tập đoàn kinh tế lớn của Thái Lan có kinh nghiệm và chuyên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trở thành cổ đông mới sở hữu 9% cổ phần của Công ty cổ phần Năng lượng Gió Chư Prông Gia Lai và 10% cổ phần của Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai.
Trả lời Thanh Niên về việc hai dự án trên chuyển nhượng cổ phần cho tập đoàn nước ngoài (Thái Lan), ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), khẳng định: ”Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là điều bình thường trong cơ chế thị trường và được Luật Đầu tư cho phép. Bất cứ nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài nào đủ năng lực, đáp ứng được các điều kiện chuyển nhượng dự án thuộc ngành nghề có điều kiện và được pháp luật cho phép thì có thể chuyển nhượng”.
Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Gia Lai, nhấn mạnh: “Tỉnh Gia Lai đã đồng ý về mặt chủ trương để các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát 112 dự án điện gió. Chúng tôi xem đây là lĩnh vực hấp dẫn để thu hút đầu tư, đồng thời tạo ra nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy an sinh xã hội nơi vùng triển khai dự án. Hiện có 67 dự án điện gió đã được UBND tỉnh Gia Lai trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất dự kiến hơn 4.000 MW. Có 14 dự án đã được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 1.200MW; 21 dự án khác đã được tỉnh Gia Lai cho phép khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ để bổ sung vào quy hoạch”.
Nguồn: Thanh niên