Thị trường vật liệu xây dựng trở lại ‘đường đua’
Chia sẻ
COVID-19 dần lắng xuống cũng đồng thời bước vào “mùa xây dựng” khiến thị trường vật liệu xây dựng nhộn nhịp trở lại và ghi nhận những tín hiệu đáng mừng.
Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, lượng xi măng và clinker xuất khẩu trong tháng 8/2020 đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá hơn 148,3 triệu USD, tăng 31,4% về lượng và tăng 24,3% về trị giá so với tháng trước.
Cũng theo báo cáo, lũy kế 8 tháng đầu năm, lượng xi măng xuất khẩu đạt hơn 23,9 triệu tấn, trị giá gần 882 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trọng lượng tiêu thụ xi măng của Việt Nam với 12,6 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm, kế đó là Philippines với gần 4,5 triệu tấn, tiếp theo là Bangladesh với hơn 1,7 triệu tấn.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, thị trường xi măng đã có sự chuyển biến tích cực sau khi hoạt động xây dựng được phép hoạt động trở lại, nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa đã dần phục hồi. Trong 3 tháng cuối năm, thị trường tiêu thụ xi măng dự kiến sẽ phục hồi 3% so với cùng kỳ và có thể lên tới 5% trong năm 2021.
Về vật liệu thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng thép các loại bán ra chỉ đạt 10,4 triệu tấn, giảm 10,7% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng xuất khẩu thép các loại đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 24,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo VSA, hồi tháng 6 vừa qua giá thép ghi nhận mức tăng khoảng 200.000 đồng/tấn. Đến nay giá thép tiếp tục tăng 150.000 đồng/tấn và đưa hầu hết các sản phẩm thép vượt 15 triệu đồng/tấn. Theo VSA nguyên nhân bởi giá nguyên liệu thép thế giới tăng liên tục.
Chia sẻ với phóng viên, một số chủ các cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận Đống Đa cho biết kể từ tháng 6, các dự án nhà dân bắt đầu được phê duyệt xây dựng trở lại, lượng tiêu thụ vật liệu đã được cải thiện đáng kể mặc dù giá giảm từ 50 – 100.000 đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, vật liệu xây dựng đang ở mức giá thấp hơn các năm rất nhiều, tuy nhiên đây cũng có thể là một phương án thúc đẩy tiêu thụ trong nước. Thời điểm cuối năm luôn là lúc người dân tập trung xây dựng nhà ở nhiều nhất. Đồng thời, Chính phủ cũng đang đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng được chi ra trong năm 2020.
Trong đó, có 200.000 tỷ đồng sẽ chi cho các dự án hạ tầng lớn như: Cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất… Đây cũng là cơ hội cho ngành sắt thép và xi măng trong nước hồi phục và tăng tốc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn 4516/BXD-VLXD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Trước đó, vào ngày 18/8/2020 Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Theo TS Nguyễn Quang Hiệp – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, các nhà máy mới được đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, nhiều dây chuyền được trang bị mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao sẽ tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nâng cao vị thế của vật liệu xây dựng Việt Nam trên trường quốc tế. |
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp