ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Doanh nghiệp Featured

Nhộn nhịp xây nhà máy điện mặt trời trên mặt nước

Chia sẻ

> Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 8/10 trang trại điện mặt trời lớn nhất thế giới
> Nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á đóng điện ngày 15/11
> Các nhà đầu tư điện mặt trời chạy đua hòa lưới điện trước 31/12

Sau thành công của Nhà máy điện mặt trời Đa Mi xây trên lòng hồ thủy điện, loại hình nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước đang được triển khai ở nhiều địa phương.

Nhà máy điện mặt trời trên mặt nước lớn nhất Đông Nam Á

Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi, công suất 47,5 MWp, xây dựng trên hồ thủy điện Đa Mi, tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh và xã Đa Mi, La Dạ, thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.

Các mảng PV quang điện lắp trên mặt hồ thủy điện Đa Mi.

Toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích 56,65 ha, trong đó 50 ha mặt nước dùng để lắp các mảng PV quang điện và 6,65 ha trên đất liền để xây dựng trạm 110 kV, 2 trạm Inverter và đường dây truyền tải 110 kV dài 3,5km.

Ngày 1/6/2019, Nhà máy điện mặt trời Đa Mi chính thức vận hành thương mại, góp phần cung cấp nguồn năng lượng sạch lên lưới điện quốc gia và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng của tỉnh Bình Thuận.

Sau một năm vận hành, các thông số kỹ thuật đều đạt và vượt giá trị thiết kế. Theo thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, Nhà máy điện mặt trời Đa Mi cung cấp sản lượng 69,9 triệu kWh trong năm đầu tiên, với tỷ số hiệu suất phát điện PR là 81,43%. Trên thực tế, sản lượng điện sản xuất trong năm đầu tiên là 74,18 triệu kWh, tăng 6,12% so với sản lượng thiết kế và chỉ số PR đạt 85,80%.

Nhà máy điện mặt trời Đa Mi đã chứng minh tính đúng đắn trong việc lựa chọn vị trí đầu tư mang lại hiệu quả cao. Việc đầu tư Nhà máy điện mặt Đa Mi mở ra xu hướng đầu tư mới là phát triển nguồn điện trên mặt hồ thủy điện, thủy lợi để góp phần cung cấp nguồn điện sạch lên hệ thống điện quốc gia.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á, đây là dự án nhà máy điện mặt trời nổi có quy mô công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên tại Việt Nam.

Gần chục dự án điện mặt trời mặt nước nghìn tỷ nối theo

Ngoài dự án điện mặt trời quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam đặt trên hồ thủy điện Đa Mi, có nhiều nhà đầu tư triển khai và sắp hoàn thành một số dự án điện mặt trời nổi khác. Các tập đoàn năng lượng đã hoàn tất quá trình thẩm định để triển khai 2 nhà máy điện mặt trời trên hồ Gia Hoét 1 và hồ Tầm Bó ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Dự án điện mặt trời sử dụng vùng đất bán ngập của hồ chứa Dầu Tiếng.

Giữa tháng 10 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh golf Long Thành đã được chính quyền tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đề xuất bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời tấm nổi KN Sêrêpốk 3 vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020. Dự án này dự kiến triển khai trên hồ thủy điện Sêrêpốk 3, ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, công suất 380 MWp, tổng mức đầu tư khoảng hơn 6.226 tỷ đồng. Khi hoàn thành sau năm 2021, sản lượng điện dự kiến của nhà máy đạt khoảng 621 kWh/năm.

Cũng trong tháng 10, tại tỉnh Bình Định, Công ty cổ phần Licogi 16 đã được phê duyệt chủ trương xây dựng dự án nhà máy điện mặt trời lắp đặt trên 60ha mặt nước đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.440 tỷ đồng, dự kiến sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia 78 triệu kWh/năm và ngay khi hoàn thành sẽ giúp Licogi 16 có thêm doanh thu khoảng 52 tỷ đồng mỗi năm từ việc bán điện.

Trong khi đó, tỉnh Nghệ An đề xuất bổ sung hai dự án điện mặt trời xây dựng trên mặt nước hồ Vực Mấu và hồ Khe Gỗ, vào Quy hoạch phát triển điện quốc gia VII. Tổng mức đầu tư của hai dự án này khoảng 6.500 tỷ đồng, sử dụng gần 500 ha mặt nước và đất bán ngập.

Trước đó, dự án điện mặt trời sử dụng vùng đất bán ngập của hồ chứa Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh, công suất 420 MWp đã được khánh thành.

______________________

Ưu điểm của điện mặt trời nổi là ít tiêu tốn tài nguyên đất, ít bị che khuất ánh sáng mặt trời bởi các bóng râm của cây cối, tòa nhà,… Các mảng tấm pin mặt trời nổi còn làm giảm sự bốc hơi hao hụt lượng nước trong hồ. Mặt nước bên dưới có tác dụng làm mát các thiết bị hệ thống điện mặt trời nổi, qua đó cải thiện hiệu suất tạo điện của hệ thống. Tuy nhiên, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời nổi tốn kém hơn các hệ thống điện mặt trời trên đất liền, do cần nhiều thiết bị chuyên dụng.

Thắng Nguyễn

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments