Hàng nghìn doanh nghiệp tê liệt, ngành xây dựng – bất động sản vẫn góp hơn 10,5% GDP
Chia sẻ
> Chuyện lạ của thị trường bất động sản năm 2020
Nhờ các yếu tố như Chính phủ tăng cường đầu tư công, vốn FDI đổ vào mạnh, sự trỗi dậy của bất động sản công nghiệp, hai lĩnh vực “anh em” xây dựng và bất động sản năm 2020 đã vượt qua sóng gió đại dịch Covid-19, đóng góp tổng cộng hơn 10,5% vào GDP cả nước.
Ngành xây dựng góp 6,19% GDP
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2020 ngành xây dựng tăng trưởng 6,76%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2016 – 2020, nhưng cao hơn những năm khó khăn 2011 – 2013. Trước đó, tổ chức Fitch Solutions dự báo, tăng trưởng ngành xây dựng Việt Nam trong năm 2020 đạt 5,7%.
Lĩnh vực xây dựng tăng trưởng thấp do ảnh hưởng dịch Covid-19 làm gián đoạn kinh tế, suy giảm nhu cầu đầu tư. Việc xây dựng nhà không để ở và nhà ở đều bị tác động tiêu cực, làm sụt giảm nhu cầu.
Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng sáng sủa hơn nhờ Chính phủ kích cầu kinh tế thông qua tăng cường đầu tư công. Đến hết tháng 11/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Nhờ vốn đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân, số doanh nghiệp thành lập mới trong ngành xây dựng gia tăng qua các tháng. Năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới của ngành xây dựng đạt 17.080, tăng 0,4%.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong ngắn hạn cũng gần ngang bằng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Cụ thể, có 6.412 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 6.545 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Điểm sáng là tỷ lệ đóng góp của ngành xây dựng vào GDP cả nước năm 2020 ở mức cao 6,19%, chỉ thấp hơn năm 2011 (6,41%). Dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ tính theo quý và cả năm 2020 nhưng tỷ lệ đóng góp của ngành xây dựng trong năm vào GDP tăng từ 5,94% lên 6,19%, góp 0,5 điểm phần trăm vào giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong bối cảnh mảng xây dựng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bế tắc, khu vực bất động sản công nghiệp tăng trưởng tốt cùng việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã giúp ngành xây dựng phục hồi.
Bất động sản góp 4,42% GDP
Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng dịch Covid-19, số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2020, ngành bất động sản vẫn tăng trưởng dương, nhờ sự bứt phá trong quý cuối cùng của năm.
Theo đó, năm 2020, ngành bất động sản tăng trưởng 0,31% so với năm 2019, đóng góp 4,42% GDP cả nước. Trong quý 4, lĩnh vực bất động sản tăng trưởng 1,33%, so với quý 3 đạt – 0,35%.
Điều này có được nhờ thị trường nhà ở, đặc biệt là bất động sản công nghiệp bất ngờ sôi động vào cuối năm. Chính phủ kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhu cầu nhà ở và khu công nghiệp tăng cao, giá nhà, giá thuê khu công nghiệp được nâng lên, góp phần giúp lĩnh vực bất động sản tạm thời vượt qua bất ổn vì đại dịch.
Ngành bất động sản thanh lọc mạnh với số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 kinh doanh bất động sản là 6.694 doanh nghiệp, giảm 15,5%. Bên cạnh đó, có 978 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê còn cho thấy, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngành bất động sản năm 2020 lên đến 3 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn FDI. Vốn FDI ngành bất động sản năm 2020 chỉ xếp sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và cao hơn hai lần vốn thực hiện của ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt.
Trong tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2020, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh của ngành bất động sản đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 10,6%. Ở khối góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản đạt gần 2 tỷ USD, chiếm 26% giá trị góp vốn. Tổng cộng, năm 2020, ngành bất động sản thu hút 4,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 11% so với năm 2019.
Trước đó, đến hết tháng 11, tổng vốn FDI đăng ký vào bất động sản đạt 3,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký tăng thêm vào các dự án hiện hữu lên đến 1,24 tỷ USD, cao kỷ lục từ trước đến nay.
Vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản được dự báo tiếp tục tăng mạnh thời gian tới với nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư bất động sản mới lập sẵn sàng đổ vào Việt Nam.