Chi tiết thị trường căn hộ, biệt thự, nhà phố, văn phòng năm 2021
Chia sẻ
> 5 xu hướng mới lạ của thị trường bất động sản 2021
Công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam vừa công bố dự báo chi tiết thị trường bất động sản năm nay và những năm kế tiếp, ở các phân khúc: căn hộ, căn hộ dịch vụ, biệt thự / nhà phố, bán lẻ, văn phòng và khách sạn.
Căn hộ
Tính đến 2024, nguồn cung tương lai dự kiến có hơn 115.000 căn hộ, trong đó nguồn cung năm 2021 chiếm 15%. Lượng hàng tồn thấp và quy trình pháp lý trì trệ khiến nguồn cung sơ cấp thiếu hụt kéo dài trong những năm gần đây.
Những sửa đổi của Luật Xây dựng và Luật Đầu tư có hiệu lực từ năm nay sẽ góp phần thúc đẩy nguồn cung tương lai. Cụ thể, Luật Xây dựng sửa đổi đã rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng của các chủ đầu, giảm đi 10 ngày.
Ngoài ra, cập nhật mới trong Luật Đầu tư 2020 sẽ góp phần tăng khả năng thu hút các chủ đầu tư nước ngoài thông qua việc loại bỏ các yêu cầu về vốn pháp định, trong khi các quy trình M&A được đơn giản hơn nhiều.
Căn hộ dịch vụ
Cho đến khi các chuyến bay thương mại được tiếp tục, dự báo cho thị trường không chắc chắn, tuy nhiên dự báo dài hạn vẫn tích cực.
Vắc-xin Covid đang trong quá trình thử nghiệm ở Việt Nam khiến triển vọng về việc hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng. Theo Global Hospitality, dự báo tới năm 2023, doanh thu ngành dịch vụ lưu trú đạt được sẽ cao hơn 4% so với năm 2019.
Biệt thự / nhà phố
Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia châu Á có sự tăng trưởng về tầng lớp giàu có (với lượng tài sản lớn hơn 1 triệu USD). Trong 5 năm tới, tầng lớp này ở Việt Nam dự kiến có mức tăng trưởng trung bình 65% mỗi năm.
Trong năm 2021, lãi suất vay mua nhà được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm và bất động sản vẫn là kênh đầu tư ưa thích. Do đó nhu cầu cho phân khúc bất động sản liền thổ kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng.
Bán lẻ
Năm 2021, 12 dự án mới với hơn 170.000m2 sẽ gia nhập thị trường. Khoảng 80% tổng nguồn cung này dự kiến ở khu vực ngoài trung tâm. Tuy nhiên, một số dự án mới có thể trì hoãn khai trương dù đã hoàn thành xây dựng.
Doanh thu bán lẻ dự báo vẫn lạc quan. Theo Trading Economics, doanh số bán lẻ của Việt Nam dự báo tăng 11% trong năm 2021, vượt xa các nước Đông Nam Á khác.
Năm 2021, chi tiêu hộ gia đình Việt Nam dự kiến tăng 9,6% theo năm, tăng so với mức dự báo 0,5% năm 2020, theo Fitch Solutions. Các danh mục chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại trong 2021.
Văn phòng
Đến 2023, thị trường văn phòng dự kiến sẽ ghi nhận thêm 325.000 m2 diện tích sàn, trong đó, nguồn cung năm 2021 chiếm hơn 60%.
Tỷ lệ trống ước tính sẽ tiếp tục tăng trong 2021 khi một lượng lớn nguồn cung mới gia nhập trong bối cảnh nhu cầu hạn chế. Tuy nhiên, theo dự báo của FocusEconomics, tăng trưởng GDP Việt Nam trung bình năm sẽ đạt 6,9%/ năm trong ba năm tới, niềm tin và vị thế chủ đầu tư sẽ tiếp tục được củng cố.
Khách sạn
Việc phát triển vắc-xin Covid-19 sẽ giúp cải thiện tình hình ngành khách sạn trong hai năm tới và dự kiến khôi phục hoàn toàn trước năm 2024.
Theo Tourism Economics, khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) dự kiến sẽ phục hồi nhanh hơn và trước 2024. Theo đó, 97% quốc gia sẽ có số lượng khách quốc tế vượt mức trước khi đại dịch bùng phát.
Cùng thời gian đó, Việt Nam dự kiến đón 18 triệu khách quốc tế, cao hơn 1% so với năm 2019.