ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Doanh nhân

Doanh nhân Nguyễn Hải Ninh: Khởi nghiệp lại để tìm thấy chính mình

Chia sẻ

Được biết đến là “cha đẻ” của The Coffee House, Nguyễn Hải Ninh đã chính thức nói lời chia tay với chuỗi cà phê lớn thứ hai Việt Nam từ tháng 02/2021. Sau đó ít lâu, anh đã đầu quân cho startup bất động sản Citics và gọi vốn thành công 1 triệu USD.

Tạm biệt startup cà phê do chính mình sáng lập

Nguyễn Hải Ninh sinh năm 1987. Hải Ninh tốt nghiệp Khoa Hóa, Trường đại học Bách khoa TP.HCM, từng làm tại PepsiCo Việt Nam ở vị trí quản trị viên tập sự trước khi khởi nghiệp. Tuy nhiên, công việc ở PepsiCo Việt Nam không giữ Hải Ninh lâu khi anh luôn muốn tạo ra một cái gì đó khác biệt.

Doanh nhân Nguyễn Hải Ninh
Doanh nhân Nguyễn Hải Ninh. Nguồn ảnh: Internet

Giống phần lớn những người trẻ lần đầu khởi nghiệp, anh và các cộng sự đã phải đóng cửa quán Urban Station đầu tiên vì chọn sai mặt bằng, chọn sai phân khúc khách hàng, thị hiếu thị trường…, dẫn đến thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, khi thương hiệu này lấy được phong độ với tốc độ phát triển rất ấn tượng, Hải Ninh lại quyết định rút lui.

Giải thích lý do rời Urban Station, Hải Ninh cho biết, đến lúc đó, anh mới nhận ra mình khởi nghiệp không phải vì yêu cà phê hay yêu ngành hàng tiêu dùng nhanh. “Tôi yêu làm việc với con người, với tập thể, để cùng họ điều hành và phát triển một cái gì đó mang lại giá trị hạnh phúc cho khách hàng”, Hải Ninh nói.

Trong khi đó, Urban Station lại đi theo mô hình nhượng quyền thương hiệu khiến mục tiêu của Hải Ninh nhiều khả năng không thành vì phải cân bằng quyền lợi với các nhà đầu tư. Chính vì thế, anh quyết định rời khỏi Urban Station và mở The Coffee House.

Hải Ninh thừa nhận, anh chịu rất nhiều áp lực với lần khởi nghiệp thứ hai, khi phải thoát khỏi cái bóng của chính mình ở Urban Station. Bên cạnh đó, The Coffee House là cuộc chơi với quy mô lớn hơn lại không đi theo mô hình nhượng quyền thương hiệu, Hải Ninh phải đảm trách tất cả các khâu từ vận hành, tiếp thị cho đến quản trị. Đó là chưa kể sự cạnh tranh đến từ các ông lớn như Starbucks, Highlands… Cách giải quyết nhanh nhất, theo Hải Ninh là vừa làm vừa học hỏi.

Sự góp mặt của Quỹ Seedcom và một quỹ khác (không muốn nêu tên) là yếu tố khá quan trọng cho sự phát triển của The Coffee House hiện nay. Theo đó, với đa phần các thành viên chủ chốt là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, Seedcom sẽ hỗ trợ The Coffee House bằng kinh nghiệm mở rộng và quản lý chuỗi cửa hàng, quỹ còn lại sẽ lo các vấn đề về tiếp thị và quảng cáo.

Theo Hải Ninh, dù đã có kinh nghiệm với Urban Station, nhưng anh vẫn cần các kinh nghiệm điều hành, quản lý và cả nguồn tài chính từ hai quỹ đầu tư chiến lược nói trên. “Trước đây, khi trình bày một dự án, tôi hay nói về bức tranh chung của nền kinh tế. Nhưng các nhà đầu tư gạt đi, họ bảo không quan tâm tới tình hình chung của nền kinh tế, mà quan tâm đến cách tôi làm như thế nào, quyết tâm ra sao. Nhờ họ, tư duy kinh doanh của tôi được mở mang thêm rất nhiều”, Hải Ninh nói.

Sau nhiều lần tăng quy mô và gọi thêm vốn, The Coffee House trở thành chuỗi cà phê có quy mô cửa hàng lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau Highlands Coffee). Vào năm 2018, The Coffee House từng được Nikkei đánh giá là chuỗi phát triển nhanh nhất so với các công ty khởi nghiệp về cà phê ở Việt Nam.

Đến cuối năm 2020, chuỗi này sở hữu khoảng 175 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố cả nước. Riêng năm 2020, chuỗi mở mới các cửa hàng tại 2 địa phương mới là Phú Quốc và Tây Ninh.

Nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh từng bày tỏ tham vọng mở 700 cửa hàng cà phê trên khắp Việt Nam trong vòng 5 năm (2019-2024), với trung bình mỗi tháng có 10 điểm kinh doanh mới ra đời.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2019, chuỗi cà phê này đã thông qua kế hoạch thay đổi nhân sự cấp cao, trong đó ông Nguyễn Hải Ninh rời ghế CEO để nhường lại vị trí cho ông Mai Hoàng Phương, nhà đồng sáng lập của Công ty Seedcom.

Dù vậy, ông Ninh khi đó vẫn ở lại The Coffee House với vai trò Phó chủ tịch HĐQT, tập trung vào phát triển chiến lược và phát triển mô hình kinh doanh cho chuỗi cửa hàng. Cuối cùng, ông chính thức nói lời chia tay với chuỗi cà phê lớn thứ hai Việt Nam từ tháng 02/2021.

Doanh nhân Nguyễn Hải Ninh. Nguồn ảnh: Internet
Doanh nhân Nguyễn Hải Ninh. Nguồn ảnh: Internet.


Tiếp tục lao vào khởi nghiệp

Sau đó, Hải Ninh tham gia vào một số vị trí tại các doanh nghiệp như Pasteur Street Brewing hay thành viên ban giám đốc Công ty Cổ phần Citics được thành lập từ 2018 với ngành kinh doanh chính là tư vấn đầu tư.

Hải Ninh là người không thường xuyên chia sẻ về các việc riêng của mình trên mạng xã hội như Facebook, trừ những câu chuyện liên quan đến The Coffee House – thương hiệu do Ninh là nhà sáng lập và đặt nhiều tâm huyết phát triển.

Song, trong nửa năm nay, thông qua Facebook, những dòng trạng thái úp mở chia sẻ về mô hình M Viilage được Ninh chủ động cập nhật như một cách thông tin đến mọi người biết về hành trình mới mà mình đang theo đuổi.

Là đồng sáng lập/CEO M Village cũng được Hải Ninh cập nhật là một trong 3 “sự kiện trong đời” (theo trang cá nhân).

Hai dấu mốc đầu đều liên quan đến chuỗi Urban Station do Ninh là đồng sáng lập và khi rời công việc tại đây. Dấu mốc thứ 3 cũng là gần nhất được Ninh cập nhật trong vai trò đồng sáng lập/CEO M Village để tiếp tục hành trình “trao gửi hạnh phúc”.

Vào 2 tháng trước, các phương tiện truyền thông không ngừng đề cập về Citics- startup có sự tham gia của các doanh nhân trẻ tuổi trong đó có Hải Ninh (có tên trong danh sách những gương mặt dưới 30 tuổi tiêu biểu do Forbes bình chọn) được đầu tư 1 triệu USD.

Tuy nhiên, có lẽ lúc này, Hải Ninh chỉ muốn được nhắc đến trong vai trò đồng sáng lập M Village – một mô hình kinh doanh mới mà Ninh đang dành phần lớn thời gian của mình để tham gia vào phát triển.

Công ty Cổ phần MVILLAGE được thành lập từ tháng 10/2020 và Nguyễn Hải Ninh là đại diện pháp luật. Ngành kinh doanh chính của MVILLAGE là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; cụ thể là kinh doanh bất động sản, cho thuê nhà.

Theo đó, M VILLAGE phát triển chuỗi không gian sống chia sẻ M Village (M Village Co-living space). Không gian sống chia sẻ co-living là mô hình sống còn khá mới trên thế giới và hoàn toàn mới tại Việt Nam.

Mô hình này xuất hiện từ nhu cầu được sống và làm việc trong một cộng đồng cùng chung chí hướng và phong cách sống; dần trở nên phù hợp với xu thế của nhóm người trẻ, đặc biệt ở những đô thị năng động như Thượng Hải, Tokyo hay Hồng Kông.

Chính xu thế ấy cộng hưởng cùng ước mơ luôn ấp ủ của đội ngũ sáng lập là được làm việc với con người, được xây dựng một cộng đồng cấp tiến dành cho người trẻ Việt Nam- nhân tố sẽ thay đổi đất nước và là lực lượng lao động chính của xã hội, M Village đã ra đời.

M Village vừa đưa mô hình này vào hoạt động từ ngày 15/5 với chi nhánh đầu tiên ở đường Võ Thị Sáu, quận 3 và dự kiến ngày 20/5 tới sẽ có buổi tham quan đầu tiên cũng như các thông tin liên quan về mô hình có thể được chia sẻ cụ thể hơn.

Hỏi ông có quá liều lĩnh không, khi thị trường bất động sản chịu không ít ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Nguyễn Hải Ninh lạc quan bày tỏ: “Ý tưởng này khởi đầu trước khi đại dịch bùng phát, tuy nhiên tôi có niềm tin rằng, dịch có thể kéo dài 1-2 năm, còn đây là dự án dài hơi với tầm nhìn 10-20 năm hoặc lâu hơn thế nữa. Thực tế, khi rời khỏi The Coffee House, tôi hoàn toàn có thể “nghỉ hưu sớm”, nhưng cái máu chinh phục trong người vẫn còn, quan trọng hơn, tôi muốn làm một cái gì đó để chia sẻ giá trị đến với cộng đồng. Biết là liều đấy, ngông đấy, nhưng trong sự tính toán!”

Đối tượng hướng đến của M Village là người trẻ, những người có nhu cầu và tiêu chuẩn sống ngày càng khác biệt so với thế hệ cũ. Họ lớn lên với công nghệ, phương tiện truyền thông và nền kinh tế hội nhập nên khả năng kết nối, thích nghi, mong muốn chia sẻ với những người cùng lý tưởng là vô cùng lớn.

“Với mong muốn định nghĩa lại “cách sống hạnh phúc” cùng họ, chúng tôi xây dựng một không gian sống không chỉ gói gọn ở bốn bức tường, không phải “sống chồng lên nhau”, mà đó phải là một thế giới ngập tràn cảm hứng với những ý tưởng, những sự kết nối ý nghĩa, những nền văn hoá đa dạng để tôi và bạn sẽ cùng nhau hạnh phúc khi cùng nhau sống, cùng nhau xây dựng và cùng nhau trao gửi những giá trị sống tốt đẹp tô điểm cho cuộc sống của nhau”, Nguyễn Hải Ninh nói thêm.

Với tôn chỉ đó, “Bền vững” là giá trị cốt lõi mà Nguyễn Hải Ninh và những cộng sự lựa chọn khi bắt đầu dự án. Từ mô hình và ý tưởng ban đầu, lựa chọn mặt bằng, đến khi thực hiện phần cứng như kiến trúc (kết nối thiên nhiên, kết cấu mở) đến phần mềm như nội thất và các sản phẩm chăm sóc cuộc sống hằng ngày cho cư dân. Từ vận hành – đào tạo đội ngũ phát triển sự nghiệp, đến các hoạt động nội bộ hướng đến các giá trị tinh thần. Bền vững cũng thể hiện ở sự kết nối và hợp tác với các thương hiệu nội địa để đem đến sự phát triển bền vững cho cộng đồng cũng như sản phẩm chất lượng đến người dùng.

Theo Doanh nghiệp hội nhập

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments