Những mảnh ghép mới của tỉ phú Trần Bá Dương
Chia sẻ
Thaco cấu trúc lại theo mô hình holding, bên cạnh ô tô, cơ khí, nông nghiệp còn có thêm hệ sinh thái thương mại – dịch vụ.
Trong Đại hội Cổ đông mới đây, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cho biết, Thaco Group vẫn duy trì công ty đại chúng cho đến 1.1.2022.
Thời gian tới, Thaco Group sẽ cấu trúc lại mô hình quản lý theo mô hình Holding Company với 2 lĩnh vực chính là ô tô và cơ khí (Thaco Auto), nông nghiệp (Thagrico) và 3 lĩnh vực hỗ trợ là logistics (Thilogi), đầu tư – xây dựng (Thadico) và thương mại dịch vụ (Thiso).
Trước mắt, Tập đoàn sẽ tập trung chuyển đổi sang công ty cổ phần cho Thaco Auto và trong thời gian sớm nhất sẽ đăng ký chuyển công ty này thành công ty đại chúng rồi niêm yết. Sau đó, Thaco sẽ từng bước thực hiện với các tổng công ty còn lại như lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động và từng bước trở thành các công ty đại chúng trong tương lai.
Năm 2021, Thaco sẽ đầu tư 17.247 tỉ đồng vào 4 lĩnh vực, trong đó ô tô – cơ khí là 3.451 tỉ đồng, nông nghiệp là 8.920 tỉ đồng, bất động sản – hạ tầng 4.739 tỉ đồng và logistics 137 tỉ đồng. So với năm 2020, số vốn đầu tư năm nay đã tăng xấp xỉ 227,4%. Trong 4 lĩnh vực, Thaco đầu tư mạnh nhất cho mảng nông nghiệp (Thagrico).
Trong số 8.920 tỉ đồng, trồng cây ăn trái chiếm 2.164 tỉ đồng, chăn nuôi bò là 2.023 tỉ đồng, chăn nuôi heo 1.042 tỉ đồng và đầu tư thêm 3.691 tỉ đồng vào Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) .
Đáng chú ý, Thaco lấn sân sang lĩnh vực thương mại dịch vụ (bán lẻ) khi vừa hoàn tất hương vụ mua lại 100% vốn của Emart Việt Nam từ Emart Hàn Quốc.
Theo ông Nguyễn Hùng Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thaco Group, Thaco và doanh nghiệp Hàn Quốc Emart Inc đã ký kết 3 thỏa thuận chuyển nhượng, gồm: thỏa thuận chuyển nhượng vốn, Thaco mua lại 100% vốn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Emart Việt Nam (cửa hàng hiện hữu là siêu thị Emart Phan Văn Trị và các dự án siêu thị đang phát triển tại Việt Nam); thỏa thuận nhượng quyền thương mại, Emart Inc cấp quyền thương mại độc quyền đối với mô hình đại siêu thị thương hiệu Emart cho Thaco với thời gian là 9 năm; và thỏa thuận mua bán hàng hóa, Thaco sẽ phân phối các sản phẩm nhãn hiệu riêng Nobrand của Emart tại thị trường Việt Nam.
Có thể thấy, Thaco Group đang tiến thêm một bước trong việc hoàn thiện chuỗi sinh thái thương mại – dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng với Emart. Mảng thương mại – dịch vụ của Thaco Group bao gồm quản lý và vận hành các mô hình kinh doanh đa năng bao gồm trung tâm mua sắm, khách sạn và phát triển các ngành nghề kinh doanh như siêu thị, khu ẩm thực và rạp chiếu phim.
“Thương vụ này sẽ được hoàn tất thủ tục ngay trong tháng 6. Kế hoạch của Thaco là sẽ đưa vào hoạt động thêm 3 đại siêu thị trong năm 2022 và nâng tổng số đại siêu thị trên cả nước lên 11 vào năm 2025. Tham vọng doanh thu của Thaco với hệ thống siêu thị Emart trong năm nay là hơn 1.800 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2020”, ông Hùng Minh cho biết.
Do ảnh hưởng của đại dịch, thu nhập khả dụng của hộ gia đình Việt đã giảm còn 4.887 USD/hộ. Dù vậy, thu nhập này được dự báo sẽ phục hồi và đạt 6.848 USD vào năm 2024, tương đương với tốc độ tăng trưởng kép 8%/năm. “Xu hướng gia tăng hộ gia đình có thu nhập khả dụng trên 5.000 USD. Tầng lớp trung lưu sẽ là động lực tăng trưởng chi tiêu mặt hàng cao cấp trong tương lai”, Công ty Chứng khoán BSC nhận định.
Có thể thấy, mảng bán lẻ chính là thách thức lớn kế tiếp của tỉ phú Trần Bá Dương tiếp theo thách thức nông nghiệp bằng việc thâu tóm HAGL Agrico mới đây. Nhưng theo chia sẻ của ông Dương, mảng thương mại – dịch vụ là mảnh ghép tất yếu để khép kín chuỗi giá trị trong các lĩnh vực sản xuất lớn mà Thaco đang theo đuổi.
Hiện tại, ngoài 100 showroom có vị trí tốt tại các đô thị lớn chủ yếu để bán ô tô, quy mô mảng thương mại của Thaco vẫn còn khá khiêm tốn. Tập đoàn đang có vài dự án đáng kể như Trung tâm thương mại Socar Mall ở quận 2 (TP.HCM), các trung tâm thương mại tại Đà Nẵng, Long An, Rạch Giá. Còn giai đoạn 2 của Khu phức hợp HAGL ở Yangon, Myanmar vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Việc thâu tóm Emart có thể xem là phương thức nhanh chóng để Thaco Group đặt chân vào thị trường bán lẻ và hoàn thiện hơn nữa chuỗi sản xuất đến phân phối của mình.
“Chân kiềng cuối cùng sẽ nằm ở mảng kinh doanh thương mại và dịch vụ là giải trí, bán lẻ, ăn uống, kinh doanh du lịch để tận dụng lợi thế có sẵn từ các dự án khu đô thị, cụm công nghiệp – nông nghiệp mà Tập đoàn đang sở hữu”, ông Dương cho biết.
Nhưng bán lẻ luôn là thị trường khó nhằn cho bất kỳ nhà đầu tư nào. Năm 2019, chuỗi siêu thị Auchan của Pháp tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam vì không tìm được mô hình kinh tế đạt lợi nhuận sau 4 năm hoạt động. Năm 2019, Vingroup cũng bán lại chuỗi VinMart và VinMart+ cho Tập đoàn Masan để tập trung nguồn lực vào mảng ô tô. Chuỗi Parkson đóng cửa hàng loạt trung tâm thương mại ở TP.HCM và Hà Nội.
Sau đại địch, người tiêu dùng cũng thay đổi đáng kể hành vi mua sắm, trong đó kênh online được dự kiến tiếp tục mở rộng thị phần về giá trị cũng như là kênh dẫn dầu về tăng trưởng trong những năm tới.
Theo một chuyên gia trong ngành, sự rung chuyển trong lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang tiếp tục. Bán lẻ truyền thống hiện đại vẫn là một ngành kinh doanh khó khăn ở Việt Nam. Chỉ có một số ít thực phẩm hằng ngày và mua hàng gia dụng được mua bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi. Các cửa hàng bán đồ cũ cũng như các khu chợ vẫn chiếm ưu thế trong bối cảnh thương mại điện tử đang là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Với cơ hội lẫn thách thức đan xen, thị trường trông chờ Thaco Group sẽ vực dậy và mang tới cho Emart một luồng sinh khí mới như thế nào?