ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Doanh nghiệp Featured

Nhiều thách thức mới đối với doanh nghiệp bất động sản

Chia sẻ
Dòng vốn bị hạn chế và nguồn cung khan hiếm cùng với những quy định mới về thuế, đang là những sức ép lên các doanh nghiệp bất động sản thời điểm hiện nay.

Nhieu thach thuc moi doi voi doanh nghiep bat dong san hinh anh 1

Ảnh Minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Những quy định mới liên quan đến thuế bất động sản, cùng nguồn cung khan hiếm, dòng vốn bị hạn chế đang là các yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường bất động sản và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Nhiều thách thức

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 5 tháng năm 2022, số tiền thuế thu nhập cá nhân thu được từ giao dịch chuyển nhượng bất động sản đạt 16.000 tỷ đồng tăng tới 68% so với cùng kỳ, trong khi cả năm 2021 là 21.000 tỷ đồng và năm 2020 là 16.000 tỷ đồng.

Trước những quy định sửa đổi gần đây để thị trường minh bạch hơn, nhiều giao dịch bất động sản phải kê khai mức giá chịu thuế hợp lý hơn dưới sự hướng dẫn của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, điều này có thể có tác động lớn đến thị trường bất động sản, vì các hoạt động đầu cơ sẽ được giám sát chặt chẽ hơn, khiến số lượng giao dịch tiềm năng giảm bớt.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho rằng cùng với nguồn cung khan hiếm, dòng vốn bị hạn chế cũng là “nút thắt” của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các động thái như kiểm soát tín dụng bất động sản, hạn chế tách thửa tại một số địa phương hay tăng cường chống thất thu thuế là cần thiết để điều tiết thị trường bất động sản.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), trong bối cảnh việc sửa đổi Luật Đất đai vẫn còn đang trong quá trình cân nhắc và có thêm nhiều quy định đặt ra cho việc phát hành trái phiếu của chủ đầu tư,nguồn cung mới cho các dự án bất động sản và chung cư, nhà thấp tầng sẽ tiếp tục bị hạn chế, rất ít sản phẩm mới được tung ra thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng nguồn vốn tín dụng đối với nền kinh tế và thị trường bất động sản là “mạch máu lưu thông, là bình oxy, dưỡng khí.” Nếu không tiếp cận được nguồn vốn doanh nghiệp có nguy cơ “ngộp thở.”

Hiện, thị trường bất động sản đang thiếu thanh khoản do nhiều dự án không thể triển khai, dẫn đến thiếu sản phẩm, trong khi nhu cầu của nhà đầu tư và người mua nhà rất lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Thực tế, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong quý 1/2022, số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới giảm 59% so với cùng kỳ.

Do thiếu hụt nguồn cung mới, giá bán sơ cấp tại các khu vực đô thị trọng điểm như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm sút với số lượng giao dịch trong quý 2/2022 ghi nhận ở mức 20.325 giao dịch, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

SSI cho rằng, để thị trường phát triển bền vững thì bong bóng bất động sản ở một số tỉnh cần được hạ nhiệt. Trong giai đoạn 2021-2022, do nhu cầu đầu tư vào sản phẩm bất động sản tăng cao, giá bất động sản tại nhiều khu vực trên khắp cả nước tăng lên đáng kể.

Ví dụ giá đất ở Lâm Đồng và Bình Phước đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong khoảng thời gian từ 1-1,5 năm, kể cả ở những nơi chưa có cơ sở hạ tầng phát triển.

Do đó, chính quyền địa phương ở một số địa phương đã ngừng cấp phép cho đất nông nghiệp, đất ở chia thành nhiều thửa đất nhỏ, điều này giúp hạ nhiệt thị trường và ngăn chặn tình trạng bong bóng nhà đất. Đồng thời, giá bán tại nhiều dự án đô thị vùng ven đã tăng chóng mặt do các tin tức liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng.

Vào đầu năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố khoản 304.100 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhằm thực hiện các dự án chuyển tiếp, xử lý dứt điểm nợ tồn đọng thuộc nghĩa vụ ngân sách Nhà nước và khởi công các dự án mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021-2025. Khu vực miền Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ kế hoạch trung hạn, với nhiều đường cao tốc, các dự án sân bay quốc tế…

Do đó, giá của nhiều dự án đại đô thị vùng ven đã tăng từ 15-20% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hấp thụ của một số dự án như Aqua City, Waterpoint và Gem Skyworld khá khả quan, dao động từ 70-80% trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, theo quan sát của SSI, có tới 70-80% người mua nhà chủ yếu là nhà đầu tư và hầu hết họ chọn cách sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua các khoản vay ngân hàng, vì lịch trình trả nợ được đưa ra thực sự hấp dẫn.

Một số ưu đãi có thể kể đến như hỗ trợ lãi suất, trả chậm trong 1-2 năm đầu, bảo đảm thu nhập đối với một số sản phẩm, cho vay lên đến 80-90% giá trị khoản vay, thời hạn vay mua nhà ở lên đến 35 năm…

Nhieu thach thuc moi doi voi doanh nghiep bat dong san hinh anh 2

Ảnh Minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

SSI cho biết vẫn theo dõi chặt tiến độ bán hàng ở các giai đoạn tiếp theo của các dự án. Qua đó, công ty chứng khoán này nhận thấy giá bán nhà tiếp tục được neo ở mức cao trong khi thanh khoản trên thị trường thứ cấp giảm xuống trong thời gian gần đây.

Lợi nhuận cũng giảm theo

Công ty Cổ phần VNDIRECT cho biết quý 1/202, các doanh nghiệp bất động sản kéo dài xu hướng giảm với mức giảm lợi nhuận ròng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021 và do lượng bán của phân khúc căn hộ và cho thuê giảm.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho biết trong phạm vi nghiên cứu của đơn vị, hầu hết các chủ đầu tư bất động sản vẫn đặt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số trong năm 2022, ngoại trừ Công ty Cổ phần Vinhomes (Vinhomes) đặt kế hoạch lợi nhuận giảm trong năm 2022, do công ty này có mức nền cao trong năm 2021.

Kế hoạch tăng trưởng hai con số của các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu đến từ việc bàn giao các sản phẩm bất động sản mà các chủ đầu tư đã bán trong giai đoạn 2019-2021.

Tuy nhiên theo SSI, trong giai đoạn 2023-2024, lợi nhuận ròng của các chủ đầu tư bất động sản có thể bị ảnh hưởng do các dự án xây dựng trong giai đoạn 2021-2022 có chi phí quỹ đất, chi phí tài chính và chi phí xây dựng cao hơn. Cụ thể là chi phí nguyên liệu đầu vào như xi măng, thép tăng từ 7-15% so với cuối năm 2021.

Về tỷ lệ đòn bẩy, các công ty niêm yết cố gắng giữ hệ số nợ ở mức hợp lý hoặc có kế hoạch giảm dần tỷ lệ này. Đây là yếu tố then chốt giúp duy trì sự ổn định của công ty bất động sản niêm yết trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với các công ty chưa niêm yết, trong số đó có nhiều công ty có sức khỏe tài chính yếu và phải huy động vốn từ phát hành riêng lẻ trái phiếu.

Trên thị trường chứng khoán, so với đầu năm 2022, chỉ số giá cổ phiếu ngành bất động sản đã giảm 25%, tương đương với mức giảm của chỉ số VN-Index tính đến giữa tháng Sáu vừa qua. Theo đó, SSI cho rằng giá cổ phiếu bất động sản đã được chiết khấu xuống mức hấp dẫn để nắm giữ dài hạn.

Tuy nhiên, với nhiều thách thức của thị trường trong thời gian tới, SSI vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với cổ phiếu ngành bất động sản, ít nhất là trong năm 2022 và khuyên nhà đầu tư cần chờ thời điểm thích hợp để giải ngân.

Theo Vietnam+

0 0 votes
Article Rating
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments