ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Xây dựng

5.000km cao tốc và niềm tin ‘cất cánh’

Chia sẻ
Khi có 5.000km đường cao tốc, đất nước sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ và đồng đều hơn, bứt phá mạnh mẽ hơn so với hiện nay.

Khi có được hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại với 5.000km cao tốc, nhiều vùng kinh tế tiềm năng sẽ được đánh thức, mức độ hấp dẫn của nền kinh tế chắc chắn cũng sẽ được cải thiện rất đáng kể.

5.000km cao tốc và niềm tin “cất cánh” 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ kiểm tra hướng tuyến dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông qua địa phận Quảng Ngãi đầu tháng 2/2022

Nhà đầu tư nhìn hạ tầng giao thông để quyết định

Theo quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ đã được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, nước ta sẽ có khoảng 5.000km đường cao tốc được hoàn thành và đưa vào khai thác.

Đây cũng chính là mục tiêu đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063km được xác định là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới. Việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Theo ông Thịnh, nhìn vào sự thành công về phát triển kinh tế – xã hội của các nước trên thế giới, có thể thấy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông luôn đóng vai trò quan trọng.

Hay nói cách khác, ở các nước kinh tế phát triển thì giao thông luôn được ưu tiên đầu tư, là chỉ số quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Đức, Nhật, Hàn Quốc… đều có hệ thống đường cao tốc rất phát triển. Trong đó, Hoa Kỳ có khoảng 75.000km đường cao tốc liên bang, Đức hơn 13.000km, Nhật Bản gần 10.000km, Hàn Quốc hơn 6.160km đường bộ cao tốc.

Ông Thịnh dẫn chứng ngay ở nước ta, các tỉnh, thành phố nào có số km đường cao tốc nhiều thì đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước.

Cụ thể, giai đoạn 2011 – 2019, GRDP của Hải Phòng tăng 12,89%, Quảng Ninh 9,91%, Hải Dương 8,62%, Long An 10,23%… trong khi tốc độ tăng GDP cả nước đạt khoảng 6,3%.

“Với 5.000km đường cao tốc được hoàn thành sẽ giúp đất nước phát triển mạnh mẽ và đồng đều hơn, hạn chế tình trạng nơi thì phát triển nóng, chỗ thì nhà đầu tư không quan tâm vì hạ tầng giao thông không đồng bộ.

Nhà đầu tư nước ngoài trước khi quyết định đầu tư vào nước nào đó thì việc đầu tiên họ quan tâm là hạ tầng giao thông thế nào”, ông Thịnh nói.

Kích hoạt nguồn lực mới bằng cao tốc

Dẫn bài học từ Hàn Quốc, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho biết, vào thập niên 1960, Hàn Quốc khi đó không có tiền, không có công nghệ và chưa có phương pháp xây dựng cao tốc.

Thế nhưng, chỉ sau 48 năm kể từ khi xây dựng tuyến đường cao tốc Gyeongpu đầu tiên, tới năm 2016, Hàn Quốc đã xây dựng được 34 đường cao tốc, hình thành nên tuyến huyết mạch xuyên núi, tỏa đi khắp đất nước. Người dân di chuyển từ Bắc tới Nam lãnh thổ Hàn Quốc chỉ trong 1 ngày.

Theo ước tính, đường cao tốc Gyeongbu tạo ra lợi ích kinh tế hơn 13.000 tỷ won/năm. Trong 3 năm đầu, xa lộ Seoul – Busan giúp tạo ra 70% tổng sản ơh quốc gia.

Theo PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, với lợi thế cho phép chạy tốc độ cao liên tục, đường cao tốc không chỉ giúp phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, hao mòn máy móc mà còn mang giá trị lớn lao hơn.

Đó là làm thức dậy giá trị đất đai, tạo nguồn lực mới, kích hoạt hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp mới và hệ thống logistics.

Tuy nhiên, ông Chủng cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận, với hơn 1.000km đường cao tốc đã được đầu tư, hệ thống đường cao tốc ở Việt Nam chưa phát huy được hiệu quả do tính liên thông còn thấp.

Hệ thống đường cao tốc đang được ưu tiên đầu tư để
kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, đáp ứng nhu cầu
và tốc độ phát triển của nền kinh tế.
Có thể nói, định hướng tạo đột phá hạ tầng giao thông,
ưu tiên đầu tư 3.000km cao tốc vào năm 2025
và 5.000km cao tốc vào năm 2030 của Đảng, Chính phủ là rất đúng đắn.

PGS. TS. Trần Chủng

Minh chứng rõ nhất là tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang dù được đầu tư chất lượng mặt đường rất đẹp, vận tốc tới 120km/h, song lưu lượng di chuyển vẫn quá ít do việc kết nối chỉ đến Chi Lăng (kéo dài 46km). Đoạn từ Chi Lăng đến Hữu Nghị vẫn chưa được đầu tư.

Trong khi đó, đối với tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thời gian đầu, lượng xe rất ít nhưng khi tạo được sự liền mạch dải cao tốc Hải Phòng – Quảng Ninh – Móng Cái, lượng xe lưu thông trên tuyến tăng vọt nhờ thời gian di chuyển từ Hà Nội xuống Quảng Ninh được rút ngắn tới 1/3 (từ hơn 5 tiếng chỉ còn khoảng 2 tiếng). Nhu cầu giao thương, du lịch giữa Thủ đô với Hải Phòng, Quảng Ninh cũng gia tăng.

Từ thực tế đó, ông Chủng cho rằng, việc đầu tư cao tốc trong tương lai cần đề cao sự liền mạch, đồng bộ, tránh đứt đoạn để dự án đầu tư có thể phát huy tối đa hiệu quả, tránh lãng phí.

Đánh thức tiềm năng vùng kinh tế trọng điểm

Theo ông Chủng, điều đáng mừng hiện nay là chiến lược phát triển mạng lưới cao tốc của Việt Nam đã tập trung tại khu vực ĐBSCL với hàng loạt dự án: Cao tốc Bắc – Nam đoạn Hậu Giang – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng…

Khu vực ĐBSCL vốn là vựa lúa, vựa nông sản, đóng góp rất lớn vào GDP của cả nước. Song, việc giao lưu kinh tế ở đây vẫn gặp nhiều khó khăn, chỉ có tuyến cao tốc duy nhất là TP.HCM – Trung Lương đi qua. Việc kết nối đến TP.HCM vẫn chủ yếu thông qua bằng QL1 và đường Hồ Chí Minh có quy mô hạn hẹp.

Vì thế, những tuyến cao tốc mới được hình thành sẽ tạo thuận lợi cho vận tải phát triển, thúc đẩy quá trình giao thương hàng hóa xuất, nhập khẩu khu vực ĐBSCL qua các cảng biển lớn tại TP.HCM, tạo động lực cho kinh tế vùng phát triển.

“Theo tính toán, đầu tư 1km cao tốc ở ĐBSCL sẽ đắt gấp 1 – 1,5 lần so với khu vực miền Trung do đặc thù địa chất thủy văn, nền đất yếu, vật liệu xây dựng khó khăn… Tuy nhiên, ở góc độ kinh tế, giá trị của đồng vốn đầu tư sẽ là thời gian kết nối nhanh hơn, lưu lượng vận tải tăng lên”, ông Chủng nói.

Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, hiện mạng đường cao tốc của chúng ta đang phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực trong cả nước.

Thực tế cho thấy, một trong những điểm nghẽn chính khiến khu vực ĐBSCL chưa thể “cất cánh” là do hạ tầng giao thông tại đây chưa phát triển.

Trong khi, ĐBSCL có những thế mạnh để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, thậm chí là cả công nghiệp. Vì diện tích tự nhiên ở đây lớn, dân số cũng đông và trẻ nên lực lượng lao động là rất lớn.

Tuy nhiên, để thu hút được nhà đầu tư đến với ĐBSCL thì trước hết là phải “trải thảm” bằng những km đường cao tốc.

“Theo quy hoạch tại ĐBSCL sẽ có nhiều tuyến cao tốc được hình thành trong 5 và 10 năm tới. Tôi tin rằng vùng đất “chín Rồng” chắc chắn sẽ được đánh thức và đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước”, ông Hòa nói.

Tương tự với Tây Nguyên, ông Hòa cho rằng, khu vực này có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, với hàng triệu ha đất bazan màu mỡ, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, trà… Nếu có các tuyến cao tốc “phủ sóng” tới đây, chắc chắn Tây Nguyên sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình.

Theo quyết định của Thủ tướng, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021 – 2030 sẽ ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng cao tốc kết nối liên vùng và là xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia.

Trong số những dự án ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư thì cao tốc Bắc – Nam phía Đông là quan trọng nhất. “Siêu dự án” này sẽ được tập trung hoàn thành song song với việc đầu tư thêm một số tuyến cao tốc khác ở khu vực Nam bộ, Miền Trung – Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và các tuyến vành đai đô thị tại Hà Nội, TP.HCM.

Theo Giao thông

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments