ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Bất động sản Featured

Những e ngại quanh đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên

Chia sẻ
Trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14, một nội dung đáng chú ý là UBND TPHCM có đề xuất bổ sung quyết định thu thuế bổ sung đối với bất động sản thứ hai trở lên (trừ bất động sản duy nhất). Nếu đề xuất của UBND TPHCM  được áp dụng, quan điểm đầu tư của nhiều người có thể sẽ thay đổi.
Rất nhiều khu đô thị bị bỏ hoang do đầu cơ, TPHCM đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên. Ảnh: TL

Mục đích của đề xuất là nhằm thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn xây dựng chính sách chung về sau; tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách TPHCM, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay.

Tuy nhiên, việc thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên tại TPHCM giai đoạn này, theo phân tích, có thể không đạt được mục tiêu ngăn chặn đầu cơ mà ngược lại, sẽ gây tác dụng ngược ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

TTXVN dẫn thông tin từ các chuyên gia, cho rằng nếu muốn hạn chế đầu cơ thì phải xác định được mức thuế bao nhiêu là hợp lý và chính sách phải được áp dụng trên toàn quốc, không thể chỉ triển khai ở 1 địa phương. Hiện cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định đánh thuế sẽ giảm đầu cơ và tỷ lệ giảm đầu cơ là bao nhiêu…

Trong khi đó, thị trường hiện đang khó khăn, đặc biệt tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội và TPHCM. Nguồn cung tại TPHCM đang ở mức gần như thấp nhất trên thị trường. Thời gian qua, rất nhiều dự án trên địa bàn thành phố không thể triển khai do vướng mắc pháp lý. Quỹ đất thì ngày càng khan hiếm, thời gian triển khai dự án kéo dài, chi phí đầu tư đội lên cao khiến nhiều nhà đầu tư đã có xu hướng chuyển dịch về các địa phương khác có tiềm năng hơn.

Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai của TPHCM cũng sẽ hạn chế nhu cầu của người dân. Những gia đình trẻ có xu hướng tách khỏi cha mẹ, lựa chọn ở riêng trong những căn nhà thuê, mua 30-45 m2 hoặc căn hộ 54 m2 trong khi không đủ năng lực và cha mẹ phải đứng tên mua; nhiều người cũng dành khoản tiết kiệm để mua căn hộ nhỏ cho thuê… Số này ở TPHCM là tương đối lớn, nên việc đánh thuế căn nhà, căn hộ thứ hai là chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, sẽ có khả năng phát sinh tình trạng “lách” luật bằng cách cho người nhà đứng tên, càng khó quản lý, thuế thu được không bao nhiêu mà TPHCM còn đánh mất lợi thế và cơ hội phát triển thị trường bất động sản.

Theo Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông TPHCM (IPS), muốn đánh thuế bất động sản, phải số hóa được thị trường này, phải nắm được toàn bộ số liệu và minh bạch tất cả các yếu tố: quỹ đất, giá, đặc biệt là giá để áp dụng đánh thuế; xác định được mức thuế áp dụng như thế nào và tiền thuế đóng phục vụ cho cái gì. Quan trọng hơn, giai đoạn này thị trường bất động sản đang cần sự ổn định về chính sách. Có thêm biến động sẽ càng gây khó cho thị trường…

TS Nguyễn Kiên Trung, chuyên gia phân tích Ngân hàng Oceanbank cho rằng, chính sách thuế liên quan đến toàn dân nên cần phải có căn cứ pháp luật và phương pháp đúng ngay từ ban đầu. Nếu TPHCM thực hiện thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên, nhiều địa phương khác cũng áp dụng. Có rất nhiều người dân sở hữu bất động sản thứ hai nhưng cơ bản không thuộc nhóm đầu cơ mua đi bán lại, nhiều trường hợp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị cho xã hội. Vì vậy, cần cần nhắc chỉ đánh thuế bất động sản thứ ba, thứ tư hoặc các tài sản giá trị lớn mới đảm bảo công bằng và ổn định thị trường.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments