ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Bất động sản Featured

Những ‘kháng thể’ kích thị trường bất động sản

Chia sẻ
Theo giới chuyên gia, hiện có nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường bất động sản khởi sắc hơn trong năm 2022.
Những kháng thể kích thị trường bất động sản

Bất động sản chăm sóc sức khỏe sẽ dẫn dắt thị trường. Ảnh: Dũng Minh

Định vị “kháng thể”

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022, nếu thực hiện tốt các chương trình phục hồi thì có thể tăng tới 6,5-7%. Kinh tế chuyển biến tích cực sẽ giúp sức cầu bất động sản bật tăng.

Ngoài ra, triển vọng của thị trường bất động sản còn đến từ nhiều yếu tố khác như tốc độ đô thị hóa nhanh; các chính sách hỗ trợ trong Chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030 đang được hoàn thiện; 1 trong 3 đột phá chiến lược là đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp tục được tăng cường, đầu tư công cũng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn; vướng mắc pháp lý dự án tiếp tục được tháo gỡ…

Vị chuyên gia này cũng đề cập tới việc nguồn vốn tín dụng đổ vào bất động sản thời gian qua vẫn duy trì sự dồi dào. Theo đó, đến hết quý III/2021, vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020; tổng dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản.

Chưa kể, vốn tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng gia tăng. Cụ thể, tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt gần 2 tỷ USD, đứng thứ ba trong nhóm các lĩnh vực, ngành nghề. Doanh nghiệp bất động sản cũng đang dẫn đầu về lượng trái phiếu phát hành với 436.000 tỷ đồng tính đến hết tháng 11/2021.

“Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, giá cổ phiếu nhóm bất động sản đang tăng cao hơn mức tăng bình quân thị trường… là những điểm sáng trên thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường tài chính nói chung”, ông Lực nhấn mạnh.

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, với doanh nghiệp bất động sản, muốn có “kháng thể” tốt, đầu tiên phải tạo được tâm lý yên tâm cho đội ngũ nhân viên, bởi đa phần nhân viên kinh doanh bất động sản có tuổi đời còn trẻ, chưa trải qua nhiều biến cố của thị trường, nên đợt dịch vừa qua có thể coi là giai đoạn “thử lửa” để tâm lý vững vàng hơn.

“Loại ‘kháng thể’ thứ hai đang có ở các doanh nghiệp bất động sản là sự phản ứng linh hoạt với thị trường”, ông Quốc Anh nói và đưa ra dẫn chứng rằng, nếu như 2 đợt dịch đầu, hầu hết doanh nghiệp đều lúng túng, thụ động với phương án “chữa cháy” duy nhất là chờ đợi vắc-xin và hướng dẫn từ chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, thì từ các đợt dịch sau, với sự phủ sóng sâu rộng của vắc-xin, doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc ứng phó với bệnh dịch, nên hiệu quả hoạt động cũng có nhiều chuyển biến tích cực hơn.

“Kháng thể” thứ ba đó là tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quy trình hoạt động để tiết giảm chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh của hầu hết doanh nghiệp địa ốc. Minh chứng là, nếu như trước đây, việc mở bán online còn khá đơn lẻ, lạ lẫm, thì nay có tới hơn 90% doanh nghiệp thực hiện bán hàng trực tuyến…

“Theo tôi, 3 loại kháng thể quan trọng trên đã giúp các doanh nghiệp thích ứng và vượt qua khó khăn do đại dịch, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng tích cực hơn”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi đánh giá rằng, năm 2021 là năm khá ảm đạm với thị trường bất động sản do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng không vì thế mà thiếu vắng sự khả quan. Bằng chứng là khi dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh, giãn cách xã hội kéo dài suốt nhiều tháng liền, nhưng hoạt động giao dịch vẫn khá khả quan, thị trường không xuất hiện tình trạng bán tháo… cho thấy mức độ quan tâm tới bất động sản vẫn lớn.

Do vậy, thị trường trong năm 2022 hứa hẹn sẽ bùng nổ trở lại do nhu cầu vẫn còn nhiều và so với các kênh đầu tư khác, bất động sản vẫn được xem là kênh đầu tư “ăn chắc mặc bền”, nhất là với người có dòng tiền nhàn rỗi.

“Điều chúng tôi trăn trở nhất hiện nay là diễn biến dịch bệnh còn nhiều phức tạp, biến chủng mới đang là nỗi lo của các doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi cố gắng thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình hoàn thiện chuyển đổi số, nhanh chóng triển khai kế hoạch kinh doanh trong tình hình mới. Thách thức đặt ra cho chúng tôi trong năm 2022 là thích nghi, ứng phó và phát triển”, ông Quyền chia sẻ.

Những kháng thể kích thị trường bất động sản

Xu hướng sống “xanh” ngày một phổ biến. Ảnh: Dũng Minh

Xu hướng mới dẫn dắt

Không khó để nhận ra rằng, khi Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, xu hướng lựa chọn nơi an cư với không gian xanh, tốt cho sức khỏe ngày một rõ nét. Theo phân tích của TS. Trần Nguyễn Minh Hải, Đại học Ngân hàng TP.HCM, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, ngày càng nhiều người mong muốn mua nhà có không gian thoáng đãng, tốt cho sức khỏe với kiến trúc xanh, an toàn hơn, không quá đông đúc, không quá cao tầng, mật độ xây dựng thấp. Bên cạnh đó, khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao, dòng bất động sản trị liệu, bất động sản detox sẽ là những nhân tố mới dẫn dắt thị trường.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Vinh, Tổng giám đốc Đất Xanh Premium cho rằng, xu hướng bất động sản chăm sóc sức khỏe đang dần chiếm lĩnh thị trường. Theo ông Vinh, nếu 5-10 năm trước, nhà ở chỉ cần có thêm hồ bơi hay vỉa hè rộng một chút là khách hàng đã chấp nhận, thì nay đòi hỏi cao hơn cả về hệ sinh thái tiện ích nội khu lẫn ngoại khu.

“Bên trong căn hộ sơn loại sơn nào, có hệ thống khử khuẩn không, không khí có trong lành hay không? Dự án có mảng xanh phải đủ lớn, phải đón đủ ánh sáng, đủ không gian để tập luyện thể dục – thể thao, tăng cường sức khỏe…, đó là những tiêu chí chọn nhà ở tối thiểu người mua đặt ra hiện nay”, ông Vinh cho hay.

Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đều có chung nhận định rằng, xu hướng bất động sản chăm sóc sức khỏe sẽ hình thành ngày một rõ nét và góp phần hình thành thói quen mới, thay đổi khẩu vị của nhà đầu tư và gia tăng giá trị cho bất động sản.

Nói như bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Vietnam, nhu cầu về sức khỏe không phải là một nhu cầu ngày một, ngày hai, mà là trong dài hạn. “Chúng ta thấy rằng, những tác động từ bên ngoài như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, căng thẳng trong công việc…, không những không giảm đi mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Do đó, nhu cầu tái tạo và nâng cao sức khỏe là một nhu cầu tất yếu và lâu dài. Đó sẽ là đề bài cho những chủ đầu tư làm sao để phát triển sản phẩm này trong thời gian tới”, bà Dung nhấn mạnh.

Theo Cafeland

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments