Những phương án thu thuế nhà, đất thứ hai có gì đặc biệt?
Chia sẻ
Đề xuất thu thuế nhà đất được UBND TP HCM nêu trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 vừa gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Chính phủ.
Trước đó năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù cho TP HCM nhằm tạo động lực mới để đô thị 13 triệu dân bứt phá. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện thành phố chưa nhận được kết quả như mong đợi do nhiều vướng mắc từ bộ ngành. Hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa thể thực hiện…
Dự thảo lần này có nhiều cập nhật so với bản gửi Chính phủ vào tháng 12/2022, trong đó đáng chú ý là đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai trở lên với hai phương án.
Phương án một, thành phố kiến nghị thí điểm thu thuế nhà và đất ở mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức thuế, phương pháp tính và thời gian áp dụng.
Phương án hai, thành phố đề xuất tăng mức thu liên quan nhà đất thứ hai trở lên, cụ thể là: lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.
Mức tăng do HĐND thành phố quyết định, gồm: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức hiện hành) và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành); tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2%, và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ mức 500 triệu đồng lên một tỷ đồng.
Thành phố sẽ hưởng 100% số thu tăng thêm từ khoản này và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và địa phương.
Phương án thu thuế nhà đất thứ hai trở lên từng được nêu trong dự thảo chính sách thay thế Nghị quyết 54 mà TP HCM gửi Chính phủ hồi tháng 12/2022. Chính quyền thành phố cho hay cách làm này sẽ hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời là cơ sở để xây dựng chính sách chung sau này. Đề xuất được nhiều người quan tâm.
Theo quy trình, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và cho ý kiến, dự thảo được gửi lên Chính phủ để trình Quốc hội.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, Quốc hội cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết năm 2023.
Đánh thuế nhà, đất thứ hai sẽ hạn chế nguy cơ đầu cơ trên thị trường BĐS
Liên quan đến vấn đề đánh thuế nhà đất thứ hai, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW đã đưa ra quan điểm. Ông Hà cho biết: Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên tiến hành nghiên cứu cho phép thí điểm đánh thuế đối với nhà đất từ thứ hai trở đi nhằm khuyến khích chủ sở hữu đất đai sử dụng có hiệu quả đất đai, đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó, tránh hiện tượng nhiều tổ chức, cá nhân đã mua gom nhà đất rồi để hoang, chờ tăng giá bán kiếm lời, đồng thời, sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn sau đây cần làm rõ để chính sách này có hiệu quả. Đây là một chính sách cần phải xem xét tính hợp lý ở nhiều phương diện, đặt trường hợp, có những người chỉ sở hữu một căn hộ, biệt thự hay ngôi nhà duy nhất, nhưng trị giá nhiều chục tỷ đồng, lại không bị đánh thuế, còn người ở nông thôn sở hữu 4-5 mảnh đất, ngôi nhà, nhưng tổng giá trị cộng lại không bằng số lẻ của biệt thự, penthouse, nhà ở khu đất vàng có giá trị vô cùng lớn… lại bị đánh thuế do sở hữu nhà đất từ thứ 2 trở đi. Điều này là không đảm bảo tính công bằng.
Bên cạnh đó, nếu đánh thuế nhà sẽ vô cùng phức tạp trong khâu quản lý vì hàng năm, cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà đất phải rà soát lại hàng chục triệu ngôi nhà, căn hộ chung cư các loại, tính toán xem sau mỗi năm giá trị ngôi nhà, căn hộ chung cư còn lại bao nhiêu, rồi nhân với thuế suất.
Việc này sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức của cơ quan thuế trong bối cảnh Việt Nam hiện nay chưa có một cơ sở dữ liệu đất đai và nhà ở đầy đủ.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết thêm: Việc đánh thuế đối với nhà đất thứ hai sẽ hạn chế nguy cơ đầu cơ trên thị trường bất động sản, ngăn chặn nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản; giúp thị trường ngày càng minh bạch hơn và sẽ tạo điều kiện cho người có nhu cầu thật có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm trên thị trường, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, chính sách này về lâu dài phải phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu áp dụng phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người mua căn nhà đầu tiên mới công bằng và cần phải xây dựng một lộ trình cụ thể về thời gian thực hiện, mức sở hữu bất động sản cũng như mức thuế phải đóng.
Bên cạnh đó, áp dụng ở thời điểm này là chưa phù hợp khi thị trường bất động sản đang đóng băng. Đánh thuế sẽ tạo tâm lý hoang mang, thị trường đã khó càng khó hơn. Và khi triển khai các vấn đề liên quan đến việc đánh thuế sở hữu căn nhà thứ hai trở đi thì cần xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau nhằm cân bằng được lợi ích của cá nhân chủ sở hữu và đảm bảo được lợi ích chung của toàn xã hội.
Theo Doanh nhân Việt Nam