ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Bất động sản Featured

27.709 căn hộ ở TP.HCM sắp được cấp sổ hồng?

Chia sẻ

Hàng chục nghìn căn hộ ở TP.HCM chưa được cấp giấy chủ quyền gây bức xúc cho người dân lẫn nhà đầu tư, sắp được giải quyết theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Văn phòng UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản số 855/TB-VP thông báo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan về việc xác định diện tích đất ở, cấp sổ hồng, trách nhiệm quản lý công trình công cộng tại các dự án xây dựng nhà ở chung cư.

Chia căn hộ thành 2 loại và 3 nhóm để giải quyết

Theo văn bản này, các dự án xây dựng chung cư trên địa bàn TP.HCM được chia thành 2 loại để đề xuất phương án giải quyết.

1.312 hộ ở chung cư Lexington Residence trên đường Mai Chí Thọ, quận 2, hơn 5 năm qua vẫn chưa được nhận sổ hồng

Loại 1: Các dự án chung cư có tính chất biệt lập, chỉ có một số hạng mục công trình khép kín (bồn hoa, mảng xanh, hồ bơi, đường nội bộ…) thì toàn bộ diện tích đất dự án được xác định là đất ở để thu tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.

Loại 2: Các dự án lớn có nhiều hạng mục phục vụ công cộng, ngoài diện tích đất xây dựng công trình chung cư, còn có các công trình tiện ích khác (khu thương mại, khu thể dục thể thao, công viên, trường học, bệnh viện… các trục đường chính kết nối với đường giao thông công cộng bên ngoài chung cư) thì diện tích đất xây dựng chung cư để thu tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận, được xác định theo cơ cấu sử dụng đất của dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch và có thể chia thành 3 nhóm.

Trong đó, nhóm 1: Nhóm đất xây dựng nhà ở (đất xây dựng chung cư), phải thu tiền sử dụng đất 100% diện tích phân bổ đất ở (bao gồm diện tích đã trừ mật độ xây dựng), cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư đủ diện tích đã đóng tiền sử dụng đất ở và nhà nước không quản lý diện tích này.

Nhóm 2: Nhóm đất xây dựng công trình công cộng (công viên cây xanh, bệnh viện, trường học, thể dục thể thao) nhà nước lập thủ tục quản lý, sau đó mới quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có giải pháp cho thuê (khuyến khích cho chủ đầu tư dự án tham gia đầu tư và khai thác hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định).

Nhóm 3: Nhóm đất xây dựng công trình giao thông hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, viễn thông…) chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng hoàn thành để bàn giao cho nhà nước quản lý theo quy định. Đối với phần diện tích này sẽ không thu tiền sử dụng đất và không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chung cư Quốc Cường Gia Lai trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7 kỷ lục 9 năm chưa có sổ hồng

27.709 căn hộ đang chờ sổ hồng

Về phương thức xử lý, đối với các dự án đã triển khai thực hiện trong giai đoạn trước đây, Sở Tài nguyên Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát các quy định, kiểm tra thực tế xây dựng để phân loại dự án, nhóm đất xây dựng các công trình như trên để có cơ sở thu tiền sử dụng đất. Trước mắt, tập trung tháo gỡ, giải quyết đối với các dự án trọng điểm, có nhiều hộ dân, chủ đầu tư bức xúc.

Đối với các dự án mới bắt đầu triển khai, các đơn vị tham mưu được chỉ đạo xác định rõ, cụ thể ngay từ đầu từng loại đất xây dựng công trình nhà ở chung cư và các công trình khác để làm cơ sở thu tiền sử dụng đất ở và cấp giấy chứng nhận theo quy định.

Sở Tài nguyên Môi trường cũng được giao hệ thống hóa quy định pháp luật có liên quan từng thời kỳ, hoàn thiện lại đề xuất, lấy ý kiến Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và tham khảo Bộ Tài nguyên Môi trường, sau đó trình Thường trực UBND TP để thống nhất chủ trương áp dụng chung, thời hạn báo cáo trong vòng 1 tháng.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, toàn thành phố hiện có 63 dự án nhà ở của 17 doanh nghiệp với tổng cộng khoảng 27.709 căn hộ đang chờ cấp giấy chủ quyền do pháp luật chồng chéo, chưa thống nhất.

Xuân Đồng

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments