Doanh nghiệp thiệt hại triệu USD sau công văn hỏa tốc của Tổng cục Hải quan
Chia sẻ
Chưa đầy 10 ngày, các DN xuất khẩu đá xây dựng thiệt hại hơn 1 triệu USD vì tàu nằm tại cảng sau công văn hỏa tốc của Tổng cục Hải quan.
Từ công văn hỏa tốc của Tổng cục Hải quan
Trong các ngày 30 – 31/12, đại diện của hàng chục doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đá vật liệu xây dựng đã tới Tổng cục Hải quan, phản ánh về việc họ bị thiệt hại nghiêm trọng sau công văn hỏa tốc của cơ quan này.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhiều năm qua hoạt động xuất khẩu đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi diễn ra bình thường, thực hiện theo Thông tư số 05/2019 của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, đến ngày 22/12 vừa qua, hàng chục doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đá vật liệu xây dựng bất ngờ nhận được thông báo của các đơn vị hải quan tạm dừng hoạt động xuất khẩu đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi. Lý do được đưa ra là thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại công văn hỏa tốc số 8019 ban hành ngày 22/12, quy định: “Mặt hàng xuất khẩu đá vôi, đá chứa canxi (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng), đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 thì thuộc nhóm 25.21”.
Tổng cục Hải quan cho rằng thời gian qua xảy ra tình trạng nhập nhằng trong hồ sơ xuất khẩu đối với mặt hàng khai báo là đá vôi, đá chứa canxi, đá xây dựng…
Do đó, Tổng cục yêu cầu Cục hải quan tỉnh, thành phố rà soát các tờ khai xuất khẩu và hồ sơ xuất khẩu đối với mặt hàng khai báo là đá vôi, đá chứa canxi, đá xây dựng…, đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 nhưng chưa phân loại (thuộc nhóm 25:21 nêu tại điểm 1 công văn) để thực hiện phân loại và áp dụng mức thuế đúng quy định, thu đủ thuế và xử phạt theo quy định.
Doanh nghiệp thiệt hại triệu USD
Sau khi có công văn hỏa tốc nêu trên, các cục Hải quan đồng loạt dừng tiếp nhận tờ khai, dừng hoạt động thông quan hàng hóa liên quan đến việc xuất khẩu đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi.
Tại Chi cục Hải quan Cẩm Phả (Cục Hải quan Quảng Ninh), sau khi có công văn 8019, việc xuất khẩu đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi bị đình trệ. Đã có 14 tàu biển của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện đang ùn tắc gồm những tàu đang làm hàng bị dừng lại, đã làm xong hàng nhưng không được thông quan, đã và đang vào cảng theo hợp đồng ký kết từ trước nhưng không thể nhập, xuất hàng.
14 tàu này có tổng trọng tải trên 567 nghìn tấn, theo tính toán với tổng trọng tải này các doanh nghiệp thiệt hại khoảng 150.000 USD/ngày vì phí phát sinh do không thể thông quan.
Như vậy, riêng đối với những tàu đang neo đậu, ùn ứ tại Cẩm Phả (Quảng Ninh) trong 9 ngày (từ 22/12 tới nay), các doanh nghiệp đã thiệt hại hơn 1 triệu USD và tiếp tục phát sinh nếu hàng hóa vẫn tiếp tục bị ách lại.
Con số này tại các cửa khẩu hải quan trong toàn quốc vẫn chưa thể thống kê hết được.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Tú Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả cho biết: “Tình trạng nhiều tàu đã về tới cảng Cẩm Phả, đang làm thủ tục hoặc chuẩn bị làm thủ tục thông quan nhưng bị đình trệ là chính xác. Chúng tôi đã nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp và đã có báo cáo tới Cục Hải quan Quảng Ninh, Tổng cục Hải quan về bất cập này. Theo tôi được biết thì đang có sự chưa thống nhất của các bộ, ngành về cách tính thuế đối với mặt hàng này”.
Ông Hoàn cho biết thêm: “Đặc thù của xuất khẩu mặt hàng này là vận tải hàng hóa đường biển, lượng hàng rất lớn, các doanh nghiệp ký hợp đồng với đối tác, thuê tàu… Khi nhận được văn bản của Tổng cục, chúng tôi bắt buộc phải dừng hoạt động thông quan. Tuy nhiên, công văn 8019 khá đường đột, chưa có lộ trình cho các doanh nghiệp chuẩn bị, gây khó khăn, thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp. Chúng tôi đang tham mưu với Tổng cục gỡ khó cho các doanh nghiệp, không để tình trạng ùn ứ tại cảng kéo dài gây thiệt hại cho doanh nghiệp”.
Là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn từ công văn 8019, đại diện Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Hữu Nghị cho biết: “Các doanh nghiệp xuất khẩu đá vật liệu xây dựng chúng tôi vẫn hoạt động bình thường theo đúng quy định pháp luật từ năm 2012 tới nay, trung bình đóng góp khoảng 250 tỷ đồng thuế xuất khẩu. Việc áp thuế đối với mặt hàng này như thế nào, các cơ quan Nhà nước khi có quy định thống nhất, chúng tôi sẵn sàng nghiêm túc thực hiện.
Tuy vậy, việc này phải có lộ trình thông báo để các doanh nghiệp thực hiện chứ không thể đột ngột ra một công văn hỏa tốc để rồi từ đó mọi hoạt động ngừng trệ. Nhiều đối tác nước ngoài khi biết thông tin này đã ngừng giao dịch với doanh nghiệp Việt Nam vì cho rằng tiềm ẩn nhiều rủi ro, họ đã chuyển hướng sang ký hợp đồng với các đối tác ở nước khác”.
Ông Harish Taparia (từng nhiều năm giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Thương mại tự do Ấn Độ – Việt Nam, hiện đang tham gia hoạt động xuất khẩu đá xây dựng) cho biết: “Công văn đường đột của Tổng cục Hải quan khiến doanh nghiệp Hữu Nghị của chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn. Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý vướng mắc, không để tạo nên hình ảnh xấu tới môi trường đầu tư của Việt Nam”.
Ngày 30/12, trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (người ký văn bản số 8019) cho biết: “Chiều 30/12 chúng tôi mời các Bộ, ngành liên quan tới Tổng cục họp về vấn đề này. Sau khi có kết quả cuộc họp, chúng tôi sẽ có chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ vấn đề này”.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu đá vật liệu xây dựng than: “Chỉ tính riêng 14 con tàu đang không thể thông quan tại Hải quan cửa khẩu Cẩm Phả, trong 9 ngày qua chúng tôi đã thiệt hại hơn 1 triệu USD. Ngày 31/12 là ngày là việc cuối cùng của năm 2020. Trước tình hình nghỉ lễ kéo dài đến hét ngày 3/1/2021, doanh nghiệp đối mặt với việc tiếp tục thiệt hại thêm nhiều tỷ đồng. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi sự quan tâm giúp đỡ của các bộ ngành liên quan, của Chính phủ để tháo gỡ ngay tình trạng khó khăn này, tránh tình trạng doanh nghiệp đối mặt với thiệt hại lớn, nguy cơ phá sản”.
Theo Giao thông