Năm 2021, bất động sản châu Á vào chu kỳ tăng trưởng mới
Chia sẻ
> Bất động sản TP.HCM năm 2021 nóng ở một số khu vực
Theo báo cáo mới nhất về triển vọng phát triển bất động sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2021, Công ty Dịch vụ bất động sản thương mại Jones Lang LaSalle (JLL) dự đoán thị trường bất động sản khu vực sẽ bước vào chu kỳ mới về tăng trưởng, đổi mới và đầu tư.
40 tỷ USD đổ vào bất động sản trong năm nay
Các chuyên gia của JLL dự báo khối lượng đầu tư vào khu vực châu Á trong năm 2021 tăng từ 15 – 20%. Roddy Allan, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của JLL nhận định: “Bất chấp sự bất ổn của thị trường hiện tại, sẽ có khoảng 40 tỷ USD được đầu tư vào thị trường bất động sản châu Á trong năm nay. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc mua tài sản thương mại ở khu vực này có tính cạnh tranh cao, hy vọng điều đó tiếp tục diễn ra”.
Trước đây, các nhà đầu tư tìm đến phân khúc bất động sản thương mại để tránh lạm phát hoặc tìm kiếm lợi nhuận từ việc cho thuê. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng này không còn hiệu quả khi lợi suất đã giảm xuống đáng kể. Cùng với việc lãi suất thế chấp đang ở mức thấp, các nhà đầu tư sẽ có những quyết định khác.
“Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu sẽ tăng lên đối với các tài sản có thu nhập ổn định cũng như các khoản đầu tư vào khách sạn, bán lẻ và văn phòng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất thấp, lợi nhuận trái phiếu và cổ phiếu không quá hấp dẫn, các nhà đầu tư sẽ phân bổ nhiều hơn vào bất động sản cổ phần tư nhân”, Allan cho biết thêm.
Covid-19 tác động mạnh vào nền kinh tế nhưng vẫn không thể ngăn cản chu kỳ tăng trưởng mới ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khi xác định được mọi yếu tố liên quan, các nhà đầu tư sẽ có cái nhìn khác về tài sản cũng như cách sử dụng chúng trong năm 2021.
Quá trình đô thị hóa có thể chậm lại trong năm 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây chỉ là trạng thái tạm thời. Theo dự đoán của JLL, các siêu đô thị của châu Á sẽ tiếp tục phát triển mạnh và tạo ra những nguồn thu nhập hàng đầu thế giới vào năm 2025.
JLL dự đoán xu hướng nổi bật trong 5 năm tiếp theo tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ xoay quanh lĩnh vực thương mại điện tử khi nhu cầu cho ngành này đang ở mức rất cao.
Dịch chuyển xu hướng bất động sản thương mại, logistics
JLL cho rằng, khi xác định các cơ hội đầu tư, việc định hình lại những tài sản đã lỗi thời trong tất cả các phân khúc là việc làm quan trọng và cần được chú ý trong thời gian tới.
“Chúng tôi ước tính có tới 40% số lượng tài sản văn phòng ngày nay cần cải tạo để phù hợp sử dụng. Do đó, bên cạnh sự quan tâm tới các tài sản có khả năng tăng trưởng giá trị, nhà đầu tư cũng nên chú ý tới các cơ hội tái cấu trúc những tài sản đã lỗi thời nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi phát sinh từ thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe,…”, ông Allan nói.
Chuyên gia này nhận định: “Dòng vốn trong vài năm gần đây chủ yếu đổ vào lĩnh vực văn phòng, nhưng trong năm 2021, các nhà đầu tư có khả năng triển khai thêm vốn vào những phân khúc khác như thương mại điện tử, logistics hay chăm sóc sức khỏe”.
Theo đó, năm 2021 các nhà đầu tư được khuyên nên bỏ vốn vào phân khúc dịch vụ logistics, trung tâm dữ liệu và các tài sản bán lẻ như siêu thị. Trong đó, ở lĩnh vực bán lẻ, nhu cầu về sự trải nghiệm sẽ tiếp tục tăng.
“Đại dịch trở thành chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển của nhiều công ty, giúp định hình nhiều xu hướng cũng như thay đổi cách nhìn nhận của nhiều doanh nghiệp. Các doanh nhân bắt đầu nhận ra doanh nghiệp của họ có thể không bao giờ hoạt động theo những hình thức truyền thống trước đây”, Allan chia sẻ.
Các chủ doanh nghiệp bất động sản thương mại, đặc biệt là phân khúc bán lẻ nhiều khả năng hướng đến các khoản đầu tư có trách nhiệm và có thể chuyển đổi cơ cấu để tạo ra môi trường làm việc tốt hơn.
Ông Allan tin rằng thị trường bất động sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi cảnh quan trung tâm mua sắm nhìn chung chưa phát triển như những thị trường khác như Mỹ, Canada hay một số nước châu Âu, hiện đã hội tụ đủ nhiều yếu tố để các nhà đầu tư tập trung khai thác xu hướng mới này.