ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Xây dựng

Bốn năm nữa, TP.HCM trở thành đô thị thông minh

Chia sẻ

> 38 tỉnh thành triển khai đô thị thông minh, 11 địa phương phát triển đô thị xanh

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình triển khai Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025, với nhiều hạng mục đáng chú ý.

Theo đó, tầm nhìn về xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025 là TP.HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị. Trong đó, người dân được phục vụ tốt hơn, có chất lượng sống và làm việc tốt hơn; tương tác và giám sát chính quyền hiệu quả hơn.

Thành phố thông minh nâng cao chất lượng sống và làm việc của người dân

TP.HCM đặt ra nhiều mục tiêu để hướng tới trở thành đô thị thông minh. Đó là đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số. Dữ liệu mở sẽ được tận dụng, để người dân, doanh nghiệp và chính quyền có thể đấy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phấm tiện ích có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ theo định hướng mở.

“Thông qua việc hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn nhân lực trong tương lai), cải cách hành chính và tăng cường hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực, đô thị thông minh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế TP.HCM theo hướng kinh tế tri thức”, quyết định nêu rõ.

TP.HCM sẽ quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo. Thông qua việc sử dụng công cụ thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn (xã hội, các hệ thống internet vạn vật…) cùng các công cụ phân tích dữ liệu lớn, các cơ quan nhà nước có thể chiết xuất thông tin, dự báo xu hướng, tiên lượng được các vấn đề có thể xảy ra với kết cấu hạ tầng đô thị, các vấn đề về kinh tế, xã hội nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn lực, xây dựng các chiến lược phát triển và kịch bản ứng phó phù hợp.

Thành phố thông minh sẽ nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc. Thông qua việc kết nối và cung cấp các thông tin dữ liệu theo thời gian thực được cá nhân hóa cho người dân (tình hình giao thông, chất lượng môi trường, ngập nước, y tế, giáo dục…) và doanh nghiệp (dữ liệu thống kê ngành nghề, thị trường tiêu dùng, xuất nhập khẩu, hoạt động tài chính, chứng khoán…), đô thị thông minh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đưa ra những quyết định chính xác.

TP.HCM tăng cường sự tham gia quản lý của người dân. Thông qua các kênh kết nối phù hợp và thông qua việc cung cấp dữ liệu mở rộng rãi, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp nêu ý kiến, phản ánh các bức xúc, thực hiện vai trò giám sát mình.

Số hóa từ phát triển hạ tầng đến quản trị hành chính

TP.HCM sẽ triển khai đầu tư hoàn thiện 4 trung tâm của Đề án đô thị thông minh. Theo đó, kho dữ liệu dùng chung sẽ được xây dựng, hệ sinh thái dữ liệu mở được phát triển. Cổng dữ liệu được triển khai, làm nơi khai thác tập trung kho dữ liệu dùng chung nhằm phục vụ cho nhu cầu kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu của các cơ quan nhà nước, đồng thời cung cấp các tiện ích khai thác dữ liệu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ xây dựng các đơn vị gồm: Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế – xã hội, Trung tâm An toàn thông tin.

Thành phố sẽ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi dần chính quyền điện tử sang chính quyền số để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý đô thị thông minh. Theo đó, các phần mềm quản lý văn bản và điều hành nội bộ sẽ được hoàn thiện, kết nối liên thông để bảo đảm thông suốt trong việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử. Mô hình công dân, doanh nghiệp điện tử được triển khai với mã số định danh nhằm kết nối toàn bộ các thông tin dữ liệu, các giao dịch của người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

TP.HCM sẽ phát triển hạ tầng phục vụ triển khai đô thị thông minh, gồm phát triển hạ tầng viễn thông và phát triển hạ tầng số giai đoạn 2020 – 2030; phát triển hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (IoT), xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị.

Việc thành lập Trung tâm điều hành chỉ huy tích hợp sẽ được nghiên cứu. “Trung tâm này sẽ phối hợp hoạt động với trung tâm điều hành của các lĩnh vực, địa phương; đồng bộ khi cần kết nối với các hệ thống thông tin nền tảng dùng chung; đảm bảo việc điều hành, giám sát tập trung và hỗ trợ việc ra quyết định của lãnh đạo Thành phố đối với mọi tình huống phát sinh”, quyết định nêu.

TP.HCM cũng sẽ tổ chức triển khai chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)” nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh.

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments