ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Bất động sản

Quy hoạch ‘treo’ làm khổ người dân

Chia sẻ

Nhiều năm qua, người dân sống ở hẻm 261 đường Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của quy hoạch đất cây xanh công viên trong quy hoạch chi tiết 1/2000 khu Nam xa lộ Hà Nội.

Người dân nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ, quyền lợi của người dân bị “treo” theo quy hoạch.

Không dám xây sửa nhà  

Khu dân cư này phần lớn là nhà cấp 4 xuống cấp, nhà bằng tôn do người dân dựng ở tạm, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Ông Trần Minh Ngọc, số nhà 261/15/36 đường Đình Phong Phú, cho biết: Gia đình sống từ năm 1990 đến nay, tổng diện tích đất là 360m2 nhưng trong sổ hồng chỉ cấp thổ cư 200mvà bị ghi là lô đất thuộc quy hoạch đất cây xanh công viên trong quy hoạch chi tiết 1/2000 khu Nam xa lộ Hà Nội. Do đó, tôi muốn tách thửa cho con cất nhà ở không được, đi cầm ngân hàng cũng không xong. Mặt khác, nhà có sổ hồng nhưng do vướng quy hoạch chỉ được cấp phép xây dựng tạm nên nhà xuống cấp mà không dám xây kiên cố.

“Quy hoạch đã mười mấy năm rồi nhưng không triển khai. Người dân mong muốn nếu Nhà nước quy hoạch thì triển khai dứt điểm, còn không triển khai thì bỏ quy hoạch để người dân ổn định cuộc sống”, ông Ngọc nói.

Cùng hoàn cảnh, ông Hoàng Văn Thăng ngụ số nhà 261/31 đường Đình Phong Phú, cho hay: Gia đình sống ở đây từ năm 1997 và năm 2008 làm giấy tờ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được biết là đất nằm trong khu vực quy hoạch cây xanh công viên. Nhà xây từ năm 1997 đến nay, do quá trình phát triển đô thị, hiện mặt đường cao hơn nền nhà gần nửa mét, phía sau nhà có tuyến kênh nên mỗi khi triều cường dâng, mưa lớn nước ngập vào tận nhà.

Nhà đất nằm trong khu quy hoạch nên người dân muốn xây dựng nhà mới chỉ được cấp phép xây dựng tạm có cam kết không bồi thường khi thực hiện dự án. Vì vậy, người dân không yên tâm khi bỏ tiền làm nhà.

Quy hoạch 'treo' làm khổ người dân ảnh 1

Ông Hoàng Văn Thăng chỉ tay về căn nhà cấp 4 xuống cấp nhưng không thể sửa chữa, xây dựng do vướng quy hoạch

“Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương quy hoạch của Nhà nước. Tuy nhiên, khi triển khai quy hoạch nên có thời hạn nhất định, thông báo cho người dân biết để ổn định cuộc sống, chứ quy hoạch cứ “treo” hoài thế này người dân rất khổ”, ông Thăng bộc bạch.

Bên cạnh đó, do quy hoạch kéo dài nhiều năm không triển khai, đất đai của người dân không thể chuyển đổi mục đích sử dụng nên nhiều diện tích đất của người dân bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm rất nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

Ông Trương Thanh Lâm, nhà số 261/37 đường Đình Phong Phú, than vãn: “Tôi có gần 3.000m2 đất nhưng không thể xây dựng và phải bỏ hoang vì vướng quy hoạch. Muốn chuyển mục đích sử dụng đất ở không được, làm lán trại cũng không xong, bao nhiêu tiền bạc bỏ ra mua khu đất nhưng không được xây dựng và con cái phải đi mướn chỗ khác ở. Đề nghị chính quyền các cấp sớm giải quyết, nếu quy hoạch không triển khai thì bỏ quy hoạch; còn không cho người dân chuyển mục đích sử dụng đất xây dựng, nâng cấp nhà ở”.

Kiến nghị cấp trên giải quyết 

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Hữu Lễ, cán bộ địa chính phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, cho biết: Hẻm 261 đường Đình Phong Phú thuộc quy hoạch 1/2000 khu dân cư Nam xa lộ Hà Nội được phê duyệt năm 2013.

Trong quy hoạch chi tiết 1/2000 phân rõ đất nào là đất công trình công cộng, đất nào là khu dân cư hiện hữu, đất khu dân cư xây dựng mới, do quận đề xuất và Sở QH-KT TPHCM duyệt. Khu vực này thuộc quy hoạch đất công trình công cộng, đất y tế, giáo dục.

Theo quy định, 2-3 năm, địa phương sẽ rà soát những khu vực quy hoạch không phù hợp để kiến nghị cấp trên (nay là TP Thủ Đức), tổng hợp kiến nghị Sở QH-KT TPHCM xem có được điều chỉnh cục bộ không. Thực tế, khu dân cư Nam xa lộ Hà Nội đã được điều chỉnh quy hoạch cục bộ 2 lần.

“Đây là quy hoạch 1/2000 nhưng người dân hiểu lầm là quy hoạch “treo”. Quy hoạch này là quy hoạch chính thức của TPHCM. Trong quá trình thực hiện, khu vực nào không phù hợp thì địa phương đề xuất để điều chỉnh cục bộ chứ không điều chỉnh cả một quy hoạch lớn. Ở góc độ địa phương, chỉ triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch, còn vấn đề vì sao quy hoạch lâu nhưng không triển khai thuộc thẩm quyền của quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức), Sở QH-KT TPHCM”, ông Lễ nói.

Theo ông Lê Hữu Lễ, nếu người dân nằm trong khu vực dân cư hiện hữu thì được xây dựng, tách thửa theo quy định; nằm trong khu dân cư xây dựng mới thì khống chế xây dựng theo quy định; với khu vực quy hoạch là đất công trình công cộng, giáo dục, y tế thì thuộc thẩm quyền cấp trên quyết định có điều chỉnh hay không.

Ông Cao Văn Hoàng, Chủ tịch UBND phường Tăng Nhơn Phú B, thông tin: Đây là quy hoạch sử dụng đất 1/2000 để tạo quỹ đất phục vụ quá trình phát triển của địa phương như làm trường học, y tế, công viên… cho khu dân cư. Vì vậy, người dân muốn sử dụng khu đất nào cần liên hệ Phòng Quản lý đô thị (TP Thủ Đức) hoặc địa chính phường để được cung cấp thông tin. Với những phản ánh của người dân, phường ghi nhận và có kiến nghị với cấp trên để xem xét giải quyết quyền lợi cho người dân.

Đề nghị chính quyền các cấp nghiên cứu, xem xét quy hoạch còn phù hợp và khả thi không để có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho người dân an cư lạc nghiệp.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments