ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Xây dựng

Sau 10 năm, TP.HCM phải điều chỉnh quy hoạch chung

Chia sẻ

> TP.HCM điều chỉnh quy hoạch phân vùng và hướng phát triển không gian

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/10/2010.

Tuy nhiên, các vấn đề chính của đồ án đã phê duyệt trước đây như: dự báo quy mô và phân bổ dân số, mô hình định hướng phát triển không gian đô thị, phân khu chức năng, hệ thống các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật… qua thời gian triển khai đã bộc lộ rất nhiều vấn đề cần đánh giá, xem xét lại vì chưa đạt mục tiêu đề ra.

Do đó TP.HCM đưa ra nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Sa bàn quy hoạch TP.HCM

Sau 10 năm, đô thị đã phát triển khác 

Thứ nhất, điều chỉnh nhằm để phù hợp cơ sở pháp lý và các định hướng, chủ trương về Điều chỉnh Quy hoạch vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, vùng TP.HCM gồm TP.HCM và 7 tỉnh thành giáp ranh (gồm Đồng Nai, Bà Rịa‐Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/12/2017.

Thứ hai, điều chỉnh để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI với 3 chương trình đột phá. Trong đó, chương trình đột phá phát triển hạ tầng liên quan trực tiếp đến công tác điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng.

Thứ ba, điều chỉnh để ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố (cập nhật năm 2016), trong trường hợp mực nước biển dâng 100cm và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 17,8% diện tích TP.HCM và 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập.

Thứ tư, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển TP.HCM, hướng tới nhiều yêu cầu như: cung cấp công cụ quản lý phát triển đô thị một cách hiệu quả và bền
vững thông qua đổi mới về phương pháp và sản phẩm quy hoạch; phối hợp các chương trình, dự án quan trọng của thành phố trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn và có tính thực thi cao.

Bên cạnh đó còn giúp giải quyết các vấn đề bất cập về liên kết vùng, phân bố dân cư, các chương trình phát triển quỹ nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên… theo hướng tích hợp và phù hợp với nguồn lực của thành phố; dự báo và xác định các giai đoạn lập quy hoạch: ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho phát triển đô thị, dân số, đầu tư…

Ngoài ra còn đề xuất các mục tiêu và chỉ số phát triển, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cụ thể đối với các giai đoạn quy hoạch; đề xuất các chiến lược và giải pháp cụ thể về không gian để định hướng giải quyết các vấn đề thách thức hiện nay và trong tương lai.

Những nhu cầu mới trong định hướng phát triển

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế – phát triển ngành dịch vụ: Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã xác định cơ cấu kinh tế Thành phố chuyển dịch theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp.

TP.HCM định hướng phát triển 4 huyện ngoại thành thành quận

Phát triển TP.HCM thành Đô thị thông minh: TP.HCM đã phê duyệt Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025” tại Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23/1/2017. Trong đề án này, Thành phố đặt ra mục tiêu phát triển hướng đến một nền kinh tế số.

Phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (thành phố Thủ Đức): chuyển đổi khu vực phía Đông TP.HCM (thành phố Thủ Đức) trở thành khu vực kinh tế sáng tạo và tương tác cao; các hoạt động kinh tế tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, trung tâm tài chính dịch vụ thương mại, cung ứng các hoạt động kinh tế liên kết vùng TP.HCM.

Phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ: xác định phát triển Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha, tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ với 7 mục tiêu chính: cải thiện cảnh quan và chất lượng nước biển; tạo ra quỹ đất đủ lớn, với chức năng đa dạng để tạo động lực phát triển du lịch vùng và thu hút đầu tư; đáp ứng vai trò là khu đô thị hướng biển; đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường; xây dựng và củng cố hệ thống hạ tầng kỹ thuật ven biển; điều chỉnh cơ cấu kinh tế khu vực Cần Giờ; xác định cơ cấu phân khu chức năng khu vực.

Định hướng phát triển chuyển 4 huyện ngoại thành thành quận: hướng tới việc xây dựng 4 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh) thành quận, đảm bảo tiêu chuẩn thành lập quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Bốn chương trình đột phá, trọng điểm phát triển của TP.HCM: Chương trình đột phá đổi mới quản lý TP.HCM, bao gồm 13 đề án; Chương trình đột phá phát triển hạ tầng TP.HCM, bao gồm 12 đề án; Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP.HCM, bao gồm 10 đề án; Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM, bao gồm 12 đề án.

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments