Dĩ An ưu tiên thực hiện nhiều dự án trọng điểm đến năm 2030
Chia sẻ
> Bình Dương chi 1.618 tỷ đồng chống ùn tắc, xây dựng giao thông thông minh
Tỉnh Bình Dương vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Dĩ An tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng thương mại – dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.
Dĩ An trở thành thành phố mới của Bình Dương từ tháng 1/2020 với diện tích tự nhiên 60,10 km2, dân số 403.760 người. Thành phố Dĩ An phía bắc giáp thị xã Tân Uyên, phía nam giáp thành phố Thủ Đức – TP.HCM, phía đông giáp thành phố Biên Hòa – tỉnh Đồng Nai, phía tây giáp thị xã Thuận An. Thành phố Dĩ An có 7 phường: An Bình, Dĩ An, Tân Bình, Tân Đông Hiệp, Đông Hòa, Bình An, Bình Thắng.
Các công trình quy mô sẽ “lột xác” Dĩ An
Dĩ An được định hướng đến năm 2030 là đô thị công nghiệp – dịch vụ – giáo dục, đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt và một phần đường thủy của khu vực nam Bình Dương và phía đông TP.HCM, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
Định hướng đến năm 2040, Dĩ An là đô thị dịch vụ – giáo dục – công nghiệp, trung tâm đô thị đại học, đầu mối giao thông vùng, trong đó công nghiệp được định hướng phát triển theo chuyên sâu.
Về chức năng, đây là không gian liên kết vùng giữa đô thị Bình Dương và TP.HCM, trung tâm dịch vụ thương mại và công nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển giao thông đầu mối. Dĩ An còn là trung tâm giáo dục, đào tạo cấp vùng, trung tâm dịch vụ, thương mại kết hợp với các khu ở mật độ cao, và là trung tâm phát triển logistic kết hợp với phát triển đô thị.
Tỉnh Bình Dương xác định việc làm rõ hơn vai trò của Dĩ An trong tiểu vùng đô thị trung tâm vùng TP.HCM trên cơ sở của kết quả dự báo quy mô dân số giai đoạn đến năm 2020, 2030 và 2040 tăng cao (450.000 người, 600.000 người và 700.00 người).
Theo đó, sau khi Dĩ An lên thành phố, tuyến quốc lộ 1A chạy qua địa bàn sẽ mở rộng lộ giới rộng 113.5m. Đường Xuyên Á đoạn qua Dĩ An mở rộng lộ giới lên 120m. Vành đai 3 thuộc địa phận Dĩ An mở rộng lên 64m. Những trục đường chính đô thị cũng nâng cấp như quốc lộ 1K đoạn qua Dĩ An lộ giới 54m, trục đường DT743A trở thành đường đô thị lộ giới 25m, DT743B lộ giới 74m, DT743C lộ giới 42m, đại lộ Độc Lập lộ giới 40m…
Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, loạt tổ hợp thương mại, dịch vụ, trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, chung cư hạng sang… sẽ phát triển trên các trục giao thông đối ngoại quan trọng như DT743, quốc lộ 1K, Vành đai 3 thuộc địa phận phường Dĩ An, Tân Bình, Bình Thắng, Bình An.
Trong đó, trục đường DT743 sở hữu hàng loạt công trình quy mô được kỳ vọng sẽ làm “lột xác” toàn bộ Dĩ An đã được đồng loạt khởi công trên trục đường này vào cuối năm 2019, quanh Ngã tư 550.
Phát triển nhiều khu vực mới
Trước năm 2020, Dĩ An đạt tiêu chí đô thị loại II, đến năm 2030, Dĩ An đạt tiêu chí đô thị loại I, đến năm 2040 sẽ là đô thị hiện đại, phát triển bền vững.
Thành phố được định hướng phát triển đô thị theo mô hình tập trung đa cực, đô thị nén mật độ cao, các tuyến giao thông chính và đầu mối giao thông tạo động lực phát triển.
Dĩ An sẽ phát triển các khu mới như khu dịch vụ thương mại gắn với ga Sóng Thần, khu vực thương mại dịch vụ cao tầng kết hợp ở gắn với bến xe Miền Đông và các khu vực trạm dừng metro dọc Vành đai 3 theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).
Bên cạnh đó, phát triển mạnh các khu ở mới mật độ trung bình tại các khu vực phía bắc trên cơ sở gắn với tuyến metro dọc Vành đai 3. Phát triển dịch vụ dọc quốc lộ 1K gắn với Đại học Quốc gia TP.HCM.
Các cơ sở sản xuất trong khu dân cư và một số khu, cụm công nghiệp sẽ chuyển đổi sang dịch vụ – thương mại kết hợp khu ở. Các khu ở được cải tạo, chỉnh trang kết hợp với phát triển các khu ở mới theo dọc trục chính đông – tây. Các khu logistic – dịch vụ – đô thị khu vực Bình Thắng giáp sông Đồng Nai được phát triển mới và mở rộng.
Dĩ An có 5 khu đô thị
Khu đô thị số 1 là khu đô thị trung tâm hành chính – chính trị, văn hóa – thể dục thể thao gồm một phần phường Dĩ An, một phần phường Đông Hòa và một phần phường Tân Đông Hiệp.
Khu đô thị số 2 là khu đô thị công nghiệp công nghệ cao (khu công nghiệp Sóng Thần 1,2) gồm một phần phường Dĩ An và một phần phường Tân Đông Hiệp.
Khu đô thị số 3 là khu đô thị dịch vụ kết hợp các khu ở mật độ trung bình, tập trung phía bắc thị xã Dĩ An gồm phường Tân Bình và một phần phường Tân Đông Hiệp.
Khu đô thị số 4 là khu đô thị dịch vụ cảng (logistics), du lịch và thương mại dịch vụ gồm một phần phường Bình An và một phần phường Bình Thắng.
Khu đô thị số 5 là khu đô thị giáo dục, đào tạo cấp vùng (Đại học quốc gia TP.HCM) gồm một phần phường Bình An, một phần phường Bình Thắng và một phần phường Đông Hòa.
Ưu tiên đầu tư những dự án thúc đẩy phát triển kinh tế
Theo lộ trình, đến năm 2020, Bình Dương tập trung đầu tư vào một số dự án hạ tầng khung có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của Dĩ An, khai thác quỹ đất công xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, và hạ tầng kỹ thuật, giải quyết an sinh xã hội và nâng cao mức sống dân cư đô thị, bảo đảm các tiêu chí đô thị loại II.
Đến năm 2030, tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường giao thông: đường Vành đai 3, đường Mỹ Phước Tân Vạn nối dài kết nối bến xe Miền Đông, nâng cấp mở rộng đường ĐT 743B, đại lộ Độc Lập kết nối nút giao thông cầu vượt Sóng Thần…
Xây dựng các khu vực phát triển đô thị như khu dịch vụ thương mại gắn với ga Sóng Thần, khu dịch vụ thương mại gắn bến xe Miền Đông và các khu vực trạm dừng metro dọc Vành đai 3 theo mô hình TOD… Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng logistics, hiện đại hóa hạ tầng và trang thiết bị đối với các kho bãi hiện hữu, nâng cấp mở rộng ICD TBS – Tân Vạn liên thông với cảng Bình Dương…
Đến năm 2040, Dĩ An chuyển đổi các cơ sở sản xuất (sau khi hết niên hạn thuê đất) thành các khu dịch vụ thương mại, các công trình phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế kết hợp khu ở. Đầu tư nâng cấp các khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2, Tân Đông Hiệp thành công viên công nghiệp – công nghệ cao.
_______________
Nguồn lực thực hiện quy hoạch chung thành phố Dĩ An
1. Vốn ngân sách nhà nước
2. Vốn xã hội hóa (FDI doanh nghiệp trong nước…)
3. Vốn khác (vay ODA, XSKT)
4. Vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước
5. Khai thác tiềm năng của giá trị đất để phát triển đô thị