ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Doanh nghiệp

Xếp hạng Top 10 nhà thầu xây dựng chưa thuyết phục nhà đầu tư

Chia sẻ

CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Bảng xếp hạng 10 nhà thầu xây dựng uy tín năm 2020. 

Xếp hạng Top 10 nhà thầu xây dựng chưa thuyết phục nhà đầu tư

Đây được xem là một trong những thông tin tổng quát giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể tham khảo khi quyết định đầu tư hoặc tìm kiếm quan hệ đối tác. Tuy vậy, khi nhà đầu tư “soi chiếu” vào từng doanh nghiệp, kết quả xếp hạng lại chưa hẳn thuyết phục.

Theo Vietnam Report, kết quả xếp hạng về uy tín của các công ty được đánh giá dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của ba yếu tố chính: Một là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất (có so sánh, đối chiếu và đánh giá với các chuẩn của ngành);

Hai là uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp media coding – mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng;

Ba là khảo sát chuyên gia trong ngành, khảo sát cư dân đang sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM về mức độ hài lòng với các sản phẩm, dịch vụ bất động sản. Bên cạnh đó, Vietnam Report cũng khảo sát doanh nghiệp về tình hình hoạt động, số lượng dự án, tiến độ bàn giao dự án…

Có thể thấy, thông tin để đánh giá xếp hạng của Vietnam Report có tính phổ quát khá rộng, từ tài chính, truyền thông đến ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành. Tuy vậy, khi “soi chiếu” sâu vào từng doanh nghiệp, kết quả xếp hạng lại chưa hẳn thuyết phục.

Năng lực tài chính doanh nghiệp dẫn đầu suy giảm mạnh

Nhìn vào báo cáo tài chính quý gần nhất của một số doanh nghiệp có tên trong Top đầu bảng xếp hạng, có thể thấy sự suy giảm mạnh về năng lực tài chính.

Cụ thể, báo cáo tài chính của Coteccons cho biết, doanh thu quý I/2020 đạt 3.553,8 tỷ đồng, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận trước thuế giảm 34,6%, xuống còn 154,9 tỷ đồng.

Tình hình của Hòa Bình cũng không khả quan hơn khi ghi nhận doanh thu giảm 34,1% trong quý I, xuống 2.441,7 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 18,9 tỷ đồng, giảm mạnh 87,8% so với cùng kỳ năm trước – ghi nhận mức lợi nhuận quý thấp nhất nhiều năm trở lại đây.

Thực tế, việc doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành suy giảm không phải là cú sốc mới đến trong quý đầu năm nay, mà vốn hiện hữu kéo dài suốt 2 năm trở lại đây.

Tại Hòa Bình, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 cho biết, mặc dù doanh thu cả năm tăng 1,7% so với năm 2018 nhưng biên lợi nhuận gộp thu hẹp khiến lãi trước thuế chỉ đạt 526,9 tỷ đồng, giảm 33,7% và ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp giảm lợi nhuận kể từ năm 2017. Trong đó, mức lợi nhuận 2019 chỉ tương đương 50% năm 2017.

Tại Coteccons, năm 2019, doanh thu, lợi nhuận trước thuế cũng ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp sụt giảm với mức giảm lần lượt là 4,8% và 52,4% so với thực hiện 2018.

“Sự cạnh tranh gay gắt khi nguồn việc ngày càng ít” đã khiến biên lợi nhuận của các nhà thầu xây dựng ngày càng giảm, kết quả là doanh thu tăng nhưng lợi nhuận đi xuống, hoặc doanh thu giảm và lợi nhuận giảm sâu hơn. Chẳng hạn, với Vinaconex (VCG), lợi nhuận trước thuế cả năm 2019 thấp hơn đến 50% mức đạt được trong năm 2017.

Lợi nhuận giảm trong khi quy mô tài sản, nguồn vốn tại nhiều doanh nghiệp có xu hướng gia tăng, khiến hiệu suất sinh lời của doanh nghiệp vốn đã mỏng nay càng mỏng hơn.

Tính chung cả năm 2019, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) hợp nhất bình quân của Coteccons là 4,3% và 8,6%, tại Hòa Bình là 2,5% và 11,8%, giảm đáng kể so với 2 năm liền trước.

Phân tích dữ liệu tài chính cũng cho thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền với khoản phải thu ngày càng phình to, trong khi nguồn tiền dự trữ có xu hướng suy giảm.

Tại Hòa Bình, dòng tiền hoạt động kinh doanh trong quý đầu năm nay đã âm 533 tỷ đồng, nguồn tiền mặt và tiền gửi từ 574 tỷ đồng đầu năm đến cuối quý I chỉ còn 106,8 tỷ đồng, tương đương 0,7% tổng tài sản, trong khi phải thu ngắn hạn lên đến 10.102 tỷ đồng, chiếm 69%. Với tình hình này, áp lực thanh khoản rõ ràng là không nhỏ.

Ngay cả với doanh nghiệp đứng đầu bảng xếp hạng như Cotecons (CTD), dòng tiền kinh doanh cũng âm 426,8 tỷ đồng trong quý vừa qua.

Như vậy, có thể thấy, hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp dẫn đầu Top 10 nhà thầu uy tín dù đi xuống, chất lượng tài chính kém đi rõ rệt, nhưng do giá trị doanh thu, lợi nhuận tuyệt đối lớn hơn các doanh nghiệp còn lại nên vẫn đứng đầu về điểm số tài chính.

Một số doanh nghiệp khác trong Top 10 dù ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong năm 2019 nhưng giá trị tuyệt đối thấp hơn nên vẫn ở nhóm thấp điểm nhất về tài chính, đơn cử như Phục Hưng Holdings (đạt 3.719,9 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 76,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17,8% và 11,7% so với năm 2018).

Phổ điểm của Phục Hưng Holdings cũng tương đương với Fecon (FCN), với lãi trước thuế giảm 40,3% so với cùng kỳ, xuống 22,3 tỷ đồng; doanh thu giảm 12,8%, xuống 427,8 tỷ đồng.

Mâu thuẫn giữa điểm truyền thông và ý kiến chuyên gia

Ðối với điểm uy tín truyền thông, Vietnam Report mã hóa các bài báo viết về các doanh nghiệp được đăng tải trên các trang báo tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2020 với tổng cộng 1.366 bài báo được đánh giá về 24 khía cạnh hoạt động của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường… tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty.

Phương pháp đánh giá này khiến nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành nhận xét là bất hợp lý.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp chịu khó chi tiền làm truyền thông, quảng cáo thường được quan tâm và có nhiều bài viết hơn, dù đây chưa hẳn là các công ty/tập đoàn có uy tín trong ngành.

Không rõ Vietnam Report có thống kê và chấm điểm các bài viết phản ánh góc khuất của các doanh nghiệp không.

Ðơn cử, những doanh nghiệp có tên trong danh sách bình chọn đang vướng ồn ào như tại Coteccons (CTD) là mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông với đỉnh điểm là Kustocem Pte. Ltd đơn phương đề nghị tổ chức Ðại hội đồng cổ đông bất thường với những cáo buộc Ban lãnh đạo Công ty thiếu minh bạch.

Với Hòa Bình (HBC) là quản trị hiệu quả kém với các khoản nợ phải thu lớn, nhiều hợp đồng tranh chấp và bị chiếm dụng vốn trong thời gian dài. Vinaconex (VCG) cũng chưa thôi ồn ào do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông lớn…

Với những công ty chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán như Ecoba, Ricons, UDIC, Delta, Unicon, nhà đầu tư càng khó kiểm chứng về tình hình kinh doanh, thị trường hoạt động, số lượng và chất lượng dự án.

Khi so sánh điểm mã hóa dữ liệu báo chí với điểm khảo sát chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành – vốn được xem là yếu tố quan trọng, có độ tin cậy cao do có được góc nhìn, đánh giá từ thực tiễn của chính những người am hiểu trong ngành, đồng thời thể hiện các yếu tố phi tài chính, giá trị chất lượng sản phẩm, độ hài lòng của khách hàng, cư dân… lại thấy giữa điểm truyền thông và điểm chuyên gia tại nhiều doanh nghiệp có sự chênh lệch đáng kể.

Ví dụ, Ecoba là doanh nghiệp được các chuyên gia cho điểm rất thấp nhưng được kéo lại và có thứ hạng cao bởi điểm truyền thông vượt trội. Thử tra cứu trên Google, chỉ thấy rất ít tin bài về doanh nghiệp này. Ðộ phủ sóng công trình tại các tỉnh, thành phố của Ecoba cũng rất khiêm tốn.

Tổng giám đốc một tập đoàn lớn về bất động sản cho biết, khi xem xét lựa chọn nhà thầu, các yếu tố quan trọng hàng đầu là chất lượng, tuổi thọ và tiến độ hoàn thành công trình.

Những cái tên như Hòa Bình, Coteccons, Phục Hưng Holdings thường được đưa lên bàn cân so sánh khi các chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu dự án nhà ở.

“Hiệu quả là điều kiện sống còn, vì thế uy tín nhà thầu phải được đánh giá thực chất, xác đáng và dựa vào những số liệu đáng tin cậy, thuyết phục”, ông cho biết.

Nhìn vào danh sách Top 10 nhà thầu xây dựng uy tín nhất năm nay với sự thay đổi của nhiều tên tuổi và phổ điểm được trình bày chi tiết, có thể thấy một số doanh nghiệp được chuyên gia trong ngành chấm điểm cao lại đứng thứ hạng thấp do lãnh đạo kín tiếng, doanh nghiệp ít xuất hiện trên truyền thông.

Mặt khác do chọn lọc đối tác kỹ nên giá trị tuyệt đối về doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp chưa lọt vào Top đầu, bởi thế, điểm tài chính và truyền thông của doanh nghiệp thấp, kéo tổng điểm trung bình xuống thấp.

Bình chọn, xếp hạng đang trở thành sân chơi phổ biến được nhiều doanh nghiệp tham gia nhằm củng cố, hỗ trợ thêm uy tín thương hiệu trên thị trường.

Với nhiều nhà đầu tư, đây cũng là thông tin được chú ý. Tuy nhiên, kết quả khảo sát doanh nghiệp nên được xem xét, đánh giá toàn diện, tập trung vào giá trị mà họ tạo ra cho bản thân và xã hội, trên những khía cạnh như chất lượng sản phẩm, độ hài lòng của khách hàng, độ phủ sóng ở những công trình khắp cả nước… hơn là những đánh giá theo các tiêu chí chưa phản ánh đúng chất lượng của thương hiệu/doanh nghiệp.

Hy vọng rằng, các nhà tổ chức sẽ cập nhật, lắng nghe từ thị trường để có cải tiến phù hợp, thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia và giữ được uy tín của chính giải thưởng.

Nguồn: Đầu tư chứng khoán

0 0 votes
Article Rating
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments