ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Xây dựng

7 cao tốc thúc đẩy sự phát triển của miền Tây

Chia sẻ

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải đang đẩy nhanh tiến độ các gói thầu của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông cũng như 7 dự án cao tốc mới tại khu vực này.

7 dự án cao tốc ở miền Tây.

Các dự án này nằm trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ có 40km cao tốc TP.HCM – Trung Lương, dù khu vực này có khoảng 20 triệu dân, cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 40% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước…

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Cao tốc này khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A, là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nút cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nối với cao tốc TP.HCM – Trung Lương tại huyện Châu Thành, Tiền Giang, tháng 7/2019.

Là tuyến nằm trong trục cao tốc Bắc – Nam phía Đông, dự kiến dự án sẽ thông tuyến vào cuối năm 2020. Cao tốc sẽ cho ô tô dưới 16 chỗ, xe tải dưới 2,5 tấn chạy trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Cao tốc này dài gần 23 km, vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, khởi công trong tháng 11 này. Tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp đang hoàn tất việc đền bù, giải tỏa hơn 1.500 hộ dân để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Cao tốc này giúp nối thẳng từ TP.HCM đến Cần Thơ.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ kết nối với các dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào năm 2023. Khi đó, đường cao tốc sẽ nối thẳng từ TP.HCM đến Cần Thơ.

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau

Trong đó, đoạn Cần Thơ – Bạc Liêu thực hiện bằng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đoạn Bạc Liêu – Cà Mau, UBND Cà Mau được giao chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa trong giai đoạn 2021-2025.

 Khu vực cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đi qua.

Đây là một trong hai cao tốc trục dọc ở Đồng bằng sông Cửu Long, đấu nối hai trục ngang, tạo kết nối qua hầu hết các tỉnh thành trong vùng. Tuyến đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh, thành…

Cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh

Dài 26 km, rộng 17 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Trong đó, phần vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc trên 3.800 tỷ đồng (hơn 196 triệu USD) và hơn 690 tỷ đồng của Chính phủ.

Cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh tạo thành trục cao tốc Bắc – Nam phía Tây dài hơn 130 km.

Dự án dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành sau 3 năm. Tuyến Mỹ An – Cao Lãnh kết nối đường từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi qua tỉnh Đồng Tháp, TP Cần Thơ và Kiên Giang tạo thành trục cao tốc Bắc – Nam phía Tây dài hơn 130 km.

Cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu

Dài 225 km, quy mô giai đoạn 1 rộng 17 m, gồm bốn làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Điểm đầu từ TP Hà Tiên đến TP Rạch Giá (Kiên Giang) qua huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Thạnh Trị (Sóc Trăng) và điểm cuối tại TP Bạc Liêu. Công trình tổng mức đầu trên 33.250 tỷ đồng, dự kiến huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ.

Cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu kết nối cửa khẩu quốc tế Xà Xía (TP Hà Tiên, Kiên Giang) với quốc lộ 1A.

Đây là dự án liên kết vùng thuộc lĩnh vực nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối cửa khẩu quốc tế Xà Xía (TP Hà Tiên, Kiên Giang) với quốc lộ 1A, tuyến đường N1. Đồng thời, cao tốc này kết nối với hai cao tốc trục dọc Bắc – Nam phía Đông là TP.HCM – Trung Lương – Cần Thơ và cao tốc Bắc – Nam phía Tây là Bình Phước – TP HCM – Long An – Đồng Tháp – Cần Thơ – Kiên Giang.

Tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng

Dài 155 km, dự kiến đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Đây là một trong hai cao tốc trục ngang ở miền Tây, đi qua bốn tỉnh, thành; trong đó đoạn An Giang gần 60 km, TP Cần Thơ hơn 46 km, Hậu Giang hơn 23 km và Sóc Trăng 25,5 km. Dự án sẽ khởi công năm 2023 và hoàn thành sau ba năm. Cao tốc sẽ kết nối với các trục dọc như quốc lộ 1A, tuyến N1…

Tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng kết nối với Campuchia và các nước ở Đông Nam Á.

Tuyến này góp phần từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, tăng cường giao thương về kinh tế, giao lưu văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng của các tỉnh Tây Nam Bộ; đồng thời kết nối với Campuchia và các nước ở Đông Nam Á.

Tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi

Tuyến đường dài hơn 51 km, rộng 17 m, bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Theo quy hoạch, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi kết nối với dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mekong (gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường nối hai cầu, dài 28 km, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng) trở thành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nút giao giữa khu vực cầu Bốn Tổng và cầu Láng Sen, trên cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi đã thành hình thành.

Cao tốc này kết nối với tuyến N2, thông suốt từ Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM về đến Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và mũi Cà Mau không phải qua quốc lộ 1A, giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Hoa Nguyễn

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments