Tân Hiệp Phát gom đất bằng cách nào?
Chia sẻ
Một doanh nghiệp ở Đồng Nai có đơn tố cáo gửi Bộ Công an về một nhóm người, trong đó có ông Trần Quý Thanh – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát và hai con gái có hành vi chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng.
Ông chủ Tân Hiệp Phát và hai con gái bị tố chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng
Ngày 9/11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an có văn bản số 4335 gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc đề nghị tạm dừng biến động phục vụ công tác điều tra, xác minh.
Văn bản nêu rõ, ngày 16/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an nhận được đơn của ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai tố cáo các ông, bà gồm Phạm Hoàng Minh, Hồ Thị Diễm Trang, Nguyễn Hoàng Phú, Lê Công Sương, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và Trần Quý Thanh có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án và “Trốn thuế”, xảy ra tại CTCP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai và CTCP Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành.
Căn cứ Điều 5, Điều 168 Bộ Luật tố tụng hình sự và để phục vụ yêu cầu điều tra, Cơ quan Điều tra, Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND huyện Long Thành giữ nguyên hiện trạng, thủ tục pháp lý và tạm dừng mọi giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho tặng, cầm cố, thế chấp cổ phần, quyền sử dụng đất…, cho đến khi có ý kiến của Cơ quan Điều tra, Bộ Công an đối với:
– Công ty Cổ phần Bất động sản Minh Thành Đồng Nai mã số doanh nghiệp 3602678302 có địa chỉ tại Ấp Thanh Bình, xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
– Dự án Khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai theo quyết định số 281/QĐ – UBND ngày 2/2/2015, UBND tỉnh Đồng Nai.
Trong số những người bị tố cáo, ông Trần Quý Thanh là Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát, bà Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích là hai con gái của ông Thanh. Ông Phạm Hoàng Minh là người đại diện của Công ty Công ty CP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai.
Khu dân cư – dịch vụ tại xã An Phước, huyện Long Thành do Công ty CP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt năm 2015. Khu dân cư – dịch vụ tại xã An Phước có tổng diện tích 56,72 ha, quy mô dân số khoảng 4.350 – 4.500 người.
Khu vực có tính chất là khu ở xây dựng mới, tạo quỹ nhà ở đáp ứng cho người sống và làm việc tại khu vực. Dự án gồm 1.181 căn nhà, trong đó, nhà thương mại là 831 căn (có 258 căn hộ) và 350 căn là nhà xã hội. Tầng cao xây dựng tối đa trong khu vực là 12 tầng.
Ngoài ra còn có một số nạn nhân liên hệ Bộ Công an, cho biết mình cũng là nạn nhân của bà Trần Uyên Phương. Ông Nguyễn Văn Chung (SN 1986, ngụ KP3, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM), có đơn tố bà Phương và ông Nguyễn Phi Long (SN 1980, ngụ 150A, Tân Hòa Đông, phường 14, Quận 6) cho vay 35 tỷ đồng, bắt ký hai hợp đồng giả cách chuyển nhượng, sau đó chiếm đoạt hai khu đất trị giá gần 200 tỷ đồng.
Sau đó ông Chung làm đơn gửi TAND quận Bình Tân, xin tự nguyện trả lại ông Long, bà Phương 35 tỷ tiền vay, đòi ông Long, bà Phương trả lại khu đất 230 và sổ đỏ khu đất 402. Tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 18/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27/3/2019, cấm chuyển dịch quyền về tài sản với khu đất 230, chỉ 6 ngày sau khi bà Phương được đứng tên trên sổ. Tòa Bình Tân đồng thời có quyết định cấm ông Long xuất cảnh ngày 3/4/2019.
Tân Hiệp Phát thâu tóm đất đai bằng mua bán nợ, đấu giá, chuyển nhượng
Điểm đáng chú ý trong cách thức làm ăn của Tân Hiệp Phát là tỷ suất sinh lời cao và lợi nhuận từ lĩnh vực đồ uống, ngay lập tức được rút về cho các thành viên trong gia đình. Đây là cơ sở để gia đình ông Trần Quý Thanh mở rộng đầu tư sang các mảng kinh doanh khác.
Trong năm 2019, gia đình ông Thanh gây xôn xao dư luận khi thành lập một loạt công ty bất động sản với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến gần 19.000 tỷ đồng. Đầu năm nay, Tân Hiệp Phát ra tay thu gom nhiều khu đất vị trí đẹp thông qua đấu giá hoặc nhận chuyển nhượng. Một thành viên của gia đình ông Thanh liên tiếp trúng đấu giá hai khu đất ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Năm ngoái, ông Thanh đấu giá thắng mức 394 tỷ đồng cho khu đất 18.000m2 ở trung tâm thành phố Vũng Tàu. Trong khi đó, bà Trần Ngọc Bích, con gái thứ hai của ông Thanh, trúng đấu giá hơn 80 tỷ đồng quyền sử dụng gần 10.000m2 đất trong 50 năm tại Côn Đảo. Bà Bích cũng thắng đấu giá 170 tỷ đồng cho hơn 20.000m2 đất tại huyện Đất Đỏ.
Tập đoàn này từng bỏ ra 163 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 8 lô đất “vàng” từ một cá nhân tại TP.HCM. Tân Hiệp Phát đang sở hữu 2 lô đất “vàng” tại Đà Nẵng, cũng từ chuyển nhượng: lô 12.077m2 ở đường Bạch Đằng, lô 1.836m2 ở trục đường giữa Ngô Quyền – Trần Hưng Đạo.
Gia đình ông Trần Quý Thanh còn lập công ty mua bán nợ. Cụ thể, Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC với vốn điều lệ ban đầu 100 tỉ đồng được thành lập ngày 7/3/2018. Hai ngành nghề kinh doanh chính của VNAMC là mua bán nợ và dịch vụ môi giới, tư vấn mua bán nợ. Theo đăng ký kinh doanh, VNAMC có 2 cổ đông lớn là bà Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương, mỗi người sở hữu tỉ lệ vốn góp 50%. Cả 2 đều là con gái của ông Trần Quý Thanh.
Kể từ khi thành lập đến nay, công ty này gần như chưa hoạt động và không phát sinh doanh thu. Tại ngày 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của VNAMC là 99,98 tỉ đồng. Trong kỳ, do phát sinh một số chi phí quản lý doanh nghiệp nên trong cả năm 2019, VNAMC lỗ nhẹ 11,4 triệu đồng.
Công ty Mua bán nợ VNAMC ra đời sau gần 1 năm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Cùng thời điểm đầu năm 2018, ngoài VNAMC, có hàng chục công ty mua bán nợ xấu khác ra đời, mục tiêu chính của các đơn vị này nhằm thâu tóm dự án bất động sản bị thế chấp tại ngân hàng với giá rẻ, từ đó tiến đến phát triển hoặc chuyển nhượng.
Thuận Huy