ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Nội – Ngoại thất

7 ngôi nhà Việt vào top 100 công trình đẹp nhất năm 2020

Chia sẻ

Từ hơn 5.500 dự án kiến trúc đẹp trên khắp thế giới, tạp chí ArchDaily chọn ra 100 công trình đẹp nhất của năm 2020. Việt Nam có đến 7 ngôi nhà lọt vào danh sách này. 

Ngôi nhà ở Hà Nội có nội thất đẹp nhất khu vực Thái Bình Dương năm 2020

Mặt tiền nhà được thiết kế hai lớp với lớp vỏ ngoài cùng bằng gạch xếp tạo lỗ, lớp trong bằng kính khung sắt. Nhờ đó, công trình chắn được bụi bẩn, tiếng ồn mà vẫn sáng và thông thoáng.

Thiết kế bên trong được lấy cảm hứng từ những ngôi nhà cổ ở Hà Nội. Không gian ngập nắng, gió nhờ bốn khu vườn chính và 10 bồn cây lớn đan xen.

Đầu tháng 12, ngôi nhà này được tạp chí Habitus Living (Australia) chọn là công trình có nội thất đẹp nhất khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong giải thưởng thường niên của tạp chí này.

Ngôi nhà có công viên trên sân thượng ở TP.HCM

Công viên trên sân thượng ngôi nhà ở quận 12 này có tổng diện tích 150 m2, trồng một số cây ăn quả như khế, đào, mận, ổi, chanh, xoài, cóc và cây hoa như bằng lăng tím, nhài, hoàng lan.

Ngoài ra còn có các cây tạo mảng trang trí như cúc tần Ấn Độ, sơn liễu. Một phần công viên dùng làm chỗ trồng rau. Nhờ công nghệ tưới tự động, gia chủ không mất quá nhiều thời gian để chăm sóc, chỉ cần cắt tỉa cây và dọn dẹp lá khô úa mỗi tuần một lần.

Căn nhà có “rèm” bằng cây xanh ở Quảng Ninh

Đôi vợ chồng đã luống tuổi chọn mảnh đất 400 m2 ở Mạo Khê, Quảng Ninh làm chỗ nghỉ ngơi và đón gia đình con gái về chơi mỗi cuối tuần.

Từ ngoài vào trong, qua tường rào bằng gạch đỏ là lớp cây xanh gồm nhiều loại cây khác nhau, từ cây bóng mát, cây bụi đến cây rủ. Chúng trở thành lớp vỏ cây xanh bao phủ căn nhà, giúp ngăn bụi và tiếng ồn từ đường phố.

Đặc biệt, những cây cúc tần Ấn Độ rủ từ mái xuống như những tấm rèm là nét đặc trưng của công trình, vừa đem tới cảm giác xanh mát vừa chắn nắng trực tiếp rọi vào bên trong.

Ngôi nhà tranh trên hồ nước ở Long An

Công trình tổng diện tích sàn 184 m2, được thiết kế gồm năm khối chức năng bố trí tách rời nhau, phân bố tự do bên dưới một mái tranh lớn và quanh một hồ nước diện tích 118 m2.

Bố cục tách khối nhằm mục đích tạo nhiều góc nhìn đa dạng từ trong ra ngoài và ngược lại. Nó cũng giúp mọi không gian đủ sáng tự nhiên và thông thoáng.

Để làm mát cho công trình, hệ mái được làm thành nhiều lớp. Trên cùng là mái tranh, hình thức mái đặc trưng của kiến trúc khu vực miền Tây Nam Bộ, tạo cảm giác thân thuộc, gần gũi và giúp công trình hòa mình vào thiên nhiên.

Nhà ngũ giác bọc cây xanh ở Quảng Ninh

Căn nhà hình ngũ giác được bao bởi một lớp tường bê tông, ở giữa là khoảng đệm xoắn ốc kết hợp với cầu thang.

Cây xanh chiếm 50% diện tích xây dựng, trải từ tầng trệt lên tới mái. Chúng đều là cây bản địa, dễ trồng và chăm sóc. Bên cạnh vườn ở các tầng, gia chủ còn có một vườn rau trên mái nhà.

Tường bao bên ngoài có màu ghi xám, gợi nhớ cảnh quan đá ở vịnh Hạ Long. Cây cối đâm ra từ những ô cửa vừa tạo sự đối lập với bức tường, vừa thay đổi diện mạo công trình theo từng mùa lá.

Ngôi nhà giật tầng kiểu ruộng bậc thang ở Bình Định

Căn nhà thiết kế như ruộng bậc thang, tầng trên lùi vào so với tầng dưới. Bếp được dành nhiều diện tích, nằm ở vị trí bao quát cả nhà.

Tường cao được xây để chắn tầm nhìn ra công trình phía sau căn nhà. Tuy nhiên, có một khoảng thông tầng để căn nhà có mặt thoáng thứ hai.

Kết hợp với hệ cửa kính, khoảng thông tầng đưa nắng, gió vào nhà. Cây trồng cũng hỗ trợ chống nắng hướng Đông và gắn kết con người với thiên nhiên.

Căn hộ phá phòng ngủ để tăng không gian chung ở Hà Nội

Căn hộ diện tích 62 m2 có hai phòng ngủ nên không gian sinh hoạt chung rất nhỏ. Để tạo ra không gian sinh hoạt chung chất lượng hơn, chủ nhà đã phá bỏ một phòng ngủ, chuyển đổi một nhà vệ sinh thành phòng giặt đồ và kho.

Căn hộ sau khi cải tạo có không gian mở và linh hoạt, ánh sáng tự nhiên len vào được những góc khuất nhất. Khu vực logia trở thành nơi trồng cây xanh, kết nối không gian sinh hoạt chung và phòng ngủ.

Theo ArchDaily

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments