Hơn 3.000 tỷ mở rộng thủy điện Hòa Bình, tạm dừng thủy điện nhỏ
Chia sẻ
Gói thầu lớn nhất trong dự án mở rộng thủy điện Hòa Bình
Liên danh Công ty CP Xây dựng 47 – Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty CP Lilama 10 vừa được lựa chọn thực hiện gói thầu số 1XL-HB thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng, thuộc dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, với giá trúng thầu hơn 3.071 tỷ đồng.
Với giá gói thầu hơn 3.108 tỷ đồng, đây là gói thầu xây lắp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng.
Để trúng thầu, liên danh nói trên đã vượt qua nhiều nhà thầu tên tuổi khác như liên danh Tổng công ty Sông Đà – Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 – Công ty CP Licogi 13 – Công ty CP Licogi 10 – Công ty CP Lilama 45.1.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, đây là gói thầu lớn nhất, có tính chất phức tạp, điều kiện thi công trong lòng thành phố, phạm vi khối lượng thi công lớn. Gói thầu này ảnh hưởng tới tất cả các gói thầu khác, quyết định tiến độ hoàn thành chung của dự án.
Ngoài gói thầu trên, Xây dựng 47 từng thực hiện nhiều gói thầu xây lắp lớn trong ngành điện như: gói số 12.01- (DNE-D1) xây dựng kiến trúc công trình chính thuộc dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim (giá trúng thầu 713,3 tỷ đồng); gói thầu TKT-4.2.1A thi công phần còn lại của cửa nhận nước và đoạn đầu đường hầm, lý trình Km0 – Km5 thuộc dự án thủy điện Thượng Kon Tum (giá trúng thầu 271,1 tỷ đồng); gói thầu số 19.1-XD thi công xây dựng cụm công trình cửa xả thuộc dự án thuỷ điện tích năng Bác Ái (giá trúng thầu 226 tỷ đồng)…
Xây dựng 47 tiền thân là Công ty Xây dựng Thủy lợi 7 thành lập tháng 9/1975, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngưng cấp phép dự án thủy điện nhỏ
Trong diễn biến liên quan, Bộ Công thương vừa yêu cầu các địa phương có dự án thủy điện tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác dự án, công trình thủy điện.
Trong đó, Bộ trưởng Công thương yêu cầu tạm dừng đầu tư dự án thủy điện nhỏ đã được quy hoạch. Các dự án này chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường, không ảnh hưởng lớn đến dân cư, không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế.
Các địa phương cũng được yêu cầu rà soát, loại ra khỏi quy hoạch những dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường.
Những dự án thủy điện có công suất nhỏ hơn 10MW chưa được xem xét, nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch.
Bộ Công thương còn đề nghị các tỉnh tăng cường quản lý chất lượng xây dựng, đảm bảo an toàn công trình và đáp ứng các yêu cầu về môi trường, đặc biệt là các dự án thủy điện nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Chủ đầu tư dự án không tuân thủ quy định trong quá trình đầu tư xây dựng sẽ bị xử lý nghiêm, xem xét thu hồi giấy phép và dừng thi công để khắc phục.
Bộ này cho biết, trong thời gian tới sẽ tổ chức đoàn công tác để làm việc trực tiếp với các địa phương về lĩnh vực phát triển thủy điện, nhất là các công trình thủy điện nhỏ.