Logistics TP.HCM nâng tầm để ‘gánh’ nền kinh tế
Chia sẻ
> Thời cơ của bất động sản logistics
> Làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp lớn nhất sau 25 năm
Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM được kỳ vọng nâng tầm lĩnh vực này, làm nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế của TP.HCM, thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước.
Logistics của TP.HCM đóng vai trò lớn nhưng còn manh mún
Theo Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, vừa được Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm phê duyệt, logistics được xác định phát triển thành ngành dịch vụ mũi nhọn của TP.HCM. Theo đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.HCM đến năm 2025 đạt 15%, đến năm 2030 đạt 20%.
Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP của TP.HCM đến năm 2025 đạt 10%, đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10 – 15%. Tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics giai đoạn 2020-2030 của TP.HCM khoảng 95.800 tỷ đồng.
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam – đơn vị phối hợp cùng Sở Công thương TP.HCM lập đề án, ngành logistics của TP.HCM giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; giúp vận chuyển toàn bộ hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh, thành qua địa bàn TP.HCM, phân phối hàng hóa cho trên 10 triệu cư dân TP.HCM và kết nối hai chiều xuất khẩu – nhập khẩu giữa hàng hóa trong nước với thị trường quốc tế.
TP.HCM hiện có hơn 1.500 kho hàng nhưng phần lớn phát triển tự phát, quy mô không đồng đều, khai thác chưa hiệu quả. Các cụm cảng khu vực TP.HCM thiếu liên kết, luồng vào và độ sâu bến thường hẹp và nông, nên hạn chế tàu có trọng tải lớn vào hoạt động. Cụm Tân Cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai bị quá tải, giao thông tắc nghẽn vào giờ cao điểm; cụm Tân Cảng Hiệp Phước trên sông Soài Rạp nhỏ lẻ, sản lượng không đáng kể.
TP.HCM thiếu các trung tâm logistics để làm nơi lưu trữ, chuyển tải hàng hóa. Hệ thống giao thông chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối giữa các phương thức vận tải. TP.HCM kết nối với các khu vực chủ yếu qua tuyến quốc lộ bị quá tải, trong khi các dự án cao tốc chậm triển khai, tuyến vành đai chưa khép kín, làm giảm năng lực vận chuyển hàng hóa.
Lập 7 trung tâm logistics, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất
Để thực hiện mục tiêu trên, đề án đề ra nhiều nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics; thành lập hệ thống trung tâm logistics tại 7 địa điểm, gồm: Long Bình, Cát Lái, Khu công nghệ cao (quận 9), Linh Trung (quận Thủ Đức), Tân Kiên (huyện Bình Chánh), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và huyện Củ Chi, với tổng diện tích giai đoạn 2025 – 2030 khoảng 270 – 623ha.
Trong đó, logistics Long Bình có chức năng trung chuyển hàng xuất nhập khẩu từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đến cụm cảng Cái Mép, logistics Cát Lái là trung tâm thương mại – logistics quốc tế…
Đề án còn dự tính khu vực xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn có thể phát triển thành trung tâm logistics phục vụ phân phối nội địa, giai đoạn sau năm 2030. Khu vực này có tổng diện tích 150 ha, kết nối với tỉnh lộ 15 kéo dài, giáp với đường Đỗ Văn Dậy và Võ Văn Bích.
Các giải giải pháp khác còn có: đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ; phát triển mạng lưới đường sắt, kết nối các nhóm cảng biển quan trọng của TP.HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam, với mạng lưới đường sắt quốc gia cùng các tuyến vận chuyển xuyên biên giới.
Ngoài ra, đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy hoạch điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công suất đạt 40 – 50 triệu hành khách/năm và 1 – 2 triệu tấn hàng hóa/năm đến năm 2030.
Cùng với đó, tập trung cải tạo nâng cấp các luồng sông để đảm bảo hoạt động của tàu thuyền ra vào các cảng trong khu vực, một số luồng hàng hải chính như luồng sông Đồng Tranh để kết nối vận tải hàng hóa từ TP.HCM ra Cái Mép – Thị Vải, luồng sông Lòng Tàu qua vịnh Gành Rái; phát triển hệ thống ICD theo quy hoạch nhằm thay thế và thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.
Thêm vào đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển người sử dụng dịch vụ logistics; phát triển nhà cung cấp dịch vụ logistics; hợp tác, liên kết vùng (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long) để phát triển logistics; hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nhà nước về logistics.
Đặt đề án trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì việc thực thi các FTA chính là quá trình gỡ bỏ dần các rào cản thuế quan và phi thuế quan, mang đến kỳ vọng mở rộng thị trường cho cả xuất khẩu – nhập khẩu và phân phối nội địa.
Thương mại gia tăng là nhu cầu, động lực cho sự phát triển của dịch vụ logistics, ngược lại, logistics chính là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế của TP.HCM.