ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Bất động sản Featured

Thời cơ của bất động sản logistics

Chia sẻ

Bất động sản logistics Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong thời gian tới, do khách thuê có xu hướng chọn cơ sở hạ tầng hiện đại hơn, đồng thời thương mại điện tử gia tăng nhu cầu dịch vụ hậu cần.

Nhu cầu hậu cần gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh

JLL vừa đưa ra dự đoán kho lạnh sẽ là điểm sáng tương lai trong lĩnh vực hậu cần. Thực tế, từ lâu, các nhà đầu tư đã quan tâm đến phân khúc lưu trữ lạnh, đặc biệt trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, nhiều người mua hàng trực tuyến, càng cần nhiều kho lạnh để trữ hàng hóa hơn.

Khi thị trường mở rộng, nhu cầu về hậu cần tăng lên

Do tác động của đại dịch, nhiều nhu cầu hậu cần gia tăng đột biến, chẳng hạn, việc lưu chuyển và bảo quản vắc-xin Covid-19 đến nhiều quốc gia. Việc bảo quản và vận chuyển vắc xin Covid-19 cần môi trường nhiệt độ rất thấp, đó chính là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chuỗi cung ứng trong ngành hậu cần.

Theo JLL, thương mại điện tử là điều kiện phát triển bất động sản hậu cần. Các công ty thương mại điện tử sử dụng nhiều không gian hậu cần hơn các nhà bán lẻ truyền thống. Điều này là do hàng hóa đa dạng hơn, tồn kho nhiều hơn, nhu cầu vận chuyển ra nước ngoài và hậu cần hai chiều (quy trình đổi trả hàng) lớn hơn.

Thương mại điện tử hiện chiếm khoảng 20% tổng doanh số bán lẻ ở châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh ở Đông Nam Á. Doanh thu từ mảng thương mại điện tử năm 2020 dự kiến đạt khoảng 13 tỷ USD.

Tốc độ giao hàng là một trong những yếu tố quyết định việc khách đặt mua hàng. Các nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần phải theo kịp xu hướng tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chiến lược giao hàng chặng cuối (last-mile) thành công sẽ cần các giải pháp sáng tạo, quy trình hiện đại, chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ mới nhất. Tất cả đều có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược bất động sản của khách thuê.

Tốc độ đô thị hóa nhanh và tầng lớp trung lưu gia tăng là điều kiện để ngành hậu cần tăng trưởng. Khoảng 35% dân số Việt Nam đang sống ở thành thị, tăng 29% trong 10 năm qua. Tầng lớp trung lưu tăng lên đáng kể, thu nhập ngày càng tăng, tác động vào chỉ số tiêu dùng trong khu vực. Khi thị trường mở rộng, nhu cầu về hậu cần tăng lên để phục vụ người dân, cùng những yêu cầu cao hơn về không gian và dịch vụ.

Bất động sản logistics làm gì để tận dụng thời cơ? 

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, lĩnh vực logistics toàn cầu bị dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng. Dù các quốc gia nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt ưu tiên lưu thông các loại hàng hóa thiết yếu, nhưng do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và nhiều lao động trong lĩnh vực này phải ở nhà, có những thời điểm, toàn bộ hoạt động bị tê liệt.

Cần tiếp tục đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng

Báo cáo của Bộ Công thương cũng cho biết các ngành sản xuất, như dệt may, chủ yếu dựa vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, nơi đầu tiên xảy ra dịch, đã ngưng trệ.

Điểm sáng là trị giá xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng. Đây là động lực quan trọng cho sự phát triển của mảng dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến tháng 9 năm nay đạt 202,57 tỷ USD, tăng nhẹ 4,1% so với cùng kỳ.

Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam, JLL cho biết: “Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistics và đây sẽ là xu hướng chính trong thời gian tới. Khách thuê có xu hướng chuyển từ các cơ sở hạ tầng lỗi thời, vừa và nhỏ do tư nhân quản lý, sang cơ sở hiện đại ở địa điểm tốt hơn”.

Theo bà Trang Bùi, việc hợp nhất các hoạt động logistics vào hiện đại hóa chuỗi cung ứng đang nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí logistics tổng thể cho khách thuê. Tăng trưởng trong các ngành khác cũng sẽ hỗ trợ mở rộng thị trường hậu cần 3 bên, bao gồm tăng trưởng trong ngành thực phẩm và đồ uống, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, cũng như các ngành thiết bị văn phòng và công nghệ.

Theo JLL, để ngành logistics Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh, cần tiếp tục đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng việc phát triển hệ thống đường cao tốc. Bên cạnh đó, cần cải tiến chi phí, thời gian quy trình giao thương xuyên biên giới. Hiện, chi phí thủ tục, chi phí xuất nhập khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với hầu hết các nước trong khu vực.

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments