Nhà hàng như cánh chim bay trên rừng Cần Giờ
Chia sẻ
Nhà hàng Cần Giờ được thiết kế tựa đôi cánh chim đang vươn mình trên rừng ngập mặn Cần Giờ, ở phía nam TP.HCM.
Rừng Cần Giờ cách trung tâm thành phố 60 km, trải rộng trên diện tích 75.740 ha, quy tụ khoảng 150 loài thực vật, là lá phổi xanh của TP.HCM. Năm 2000, Cần Giờ được UNESCO công nhận là một trong những khu dự trữ sinh quyển quốc tế.
Tòa nhà hình cánh chim này có đôi cánh tạo hình chữ V hướng tới chân trời xa nơi mặt trời mọc. Phần chân đế của tòa nhà được nâng cao hơn xung quanh mang đến góc nhìn ra hồ nước phía trước và tầm nhìn rộng rãi về phía rừng ngập mặn.
Dự án nằm trong khu du lịch và cụm dân cư, được thiết kế không gian mở. Mái nhà hình chữ V giúp che nắng gắt và mưa lớn đặc trưng của khu vực này. Những mái nhà cỡ lớn này còn tạo ra góc nhìn như thu lại cảnh đẹp xung quanh vào một khung ảnh lớn.
Thiết kế sắc sảo này đáp ứng mục đích mà chủ đầu tư mong muốn. Đây không chỉ là nơi đón khách tham quan, mà còn là không gian đa chức năng để tổ chức sự kiện họp mặt, hội nghị, hội thảo. Nhà hàng, bếp ăn được trang bị chuyên nghiệp, có thể tổ chức sự kiện quy mô lớn.
Nhà hàng có hai phòng ăn trang bị máy lạnh, một nhà bếp lớn với kho chứa, khu vực trữ lạnh, các khu vệ sinh. Nhà hàng này góp phần bổ sung vào các hoạt động du lịch lâu nay chủ yếu chỉ có lưu trú, nghỉ dưỡng, giúp du khách thư giãn khi ra khỏi trung tâm thành phố vào cuối tuần.
Công trình được thiết kế chống chọi được cái nắng gay gắt trắng lóa xung quanh, cùng những cơn mưa lớn và giông bão từ biển Đông, gió khô hanh. Màu sắc của công trình lấy cảm hứng từ rễ cây vùng ngập mặn và màu cát đặc trưng nơi đây. Nhà hàng cũng có màu xám nhạt như màu phù sa, nổi bật giữa thảm thực vật xanh mát của rừng ngập mặn.
Các kiến trúc sư sử dụng đá ong nguyên khối để xây nền của nhà hàng, giúp nâng cao tầng trệt, đồng thời cố định ngôi nhà trên nền cát và bùn. Điểm xuyết xung quanh là một số cây xanh tán lá nhuyễn mang đến bóng mát và sự tươi mát cho công trình.
Tường tòa nhà hình ngũ giác và phần đế được chế tác bằng bê tông phủ đá ong xám. Những khối đá ong dày 10cm cũng được dùng làm nên bức tường lưới cho các phòng ăn khép kín. Ban đêm dưới ánh đèn, những bức tường này trông như những chiếc đèn lồng.
Việc xây dựng công trình trong bối cảnh khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt như vùng Cần Giờ là một thách thức về kỹ thuật và cả yếu tố phù hợp về sinh thái. Công trình được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu ở địa phương cùng một ít vật liệu composite.
Lam Huê
theo ArchDaily