ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Bất động sản Featured

Bất động sản tuần qua: TP.HCM đề xuất mời nước ngoài đầu tư vào Thủ Thiêm, BR-VT ‘xin’ thêm 6 khu công nghiệp

Chia sẻ

> Những dự báo lạc quan về thị trường bất động sản 2021
> Nhà đầu tư chưa thấy hiệu quả khi đổ vốn vào 4 dự án metro của TP.HCM

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) lạc quan về bất động sản 2021

VARS dự đoán giá căn hộ tại TP.HCM sẽ tăng trong 6 tháng đầu năm 2021, chủ yếu tại khu vực Thủ Đức, nơi vừa chính thức thành lập thành phố. Trong khi đó, về giá căn hộ tại Hà Nội, VARS đưa ra phán đoán thận trọng hơn, “có thể giữ nguyên hoặc tăng nhẹ so với năm 2020”.

Bất động sản 2021 được dự báo lạc quan

Nhu cầu căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM trong năm 2021 vẫn cao. Căn hộ trung cấp loại 2 phòng ngủ tiếp tục là phân khúc được giao dịch nhiều nhất. Dự kiến, sẽ có từ 90.000 đến 100.000 sản phẩm căn hộ được giao dịch tại hai thành phố này trong năm nay.

Đất gần các khu công nghiệp sẽ biến động tăng mạnh. Nhà ở xã hội cũng có nhu cầu rất lớn, đặc biệt nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp. Phân khúc đất nền tại các địa phương cũng được giới đầu tư quan tâm nhiều. Tuy nhiên phân khúc này khan hiếm hơn do các địa phương hạn chế phát triển dự án đất nền.

Đối với phân khúc văn phòng và thương mại, VARS cho rằng nhu cầu sử dụng văn phòng hạng B, C từ các doanh nghiệp mới sẽ giúp thị phần này phục hồi một phần. Trong khi đó, nguồn cung văn phòng hạng A ở TP.HCM và Hà Nội không tăng, nhưng giá thuê vẫn ổn định.

Phân khúc nhà đất tại các khu đô thị được đầu tư tốt, chất lượng ở Hà Nội và TP.HCM sẽ tăng giá trong năm 2021. VARS dự báo giá nhà đất sẽ tăng khoảng 5 – 10% so với năm 2020.

Bất động sản ở một số địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn, Móng Cái (Quảng Ninh) được cho là có thể tăng mạnh trên 10%. Tại các tỉnh thành khác, giá tăng ở mức 5-7% so với năm 2020.

TP.HCM đề xuất mời gọi nước ngoài đầu tư ở Thủ Thiêm

UBND TP.HCM có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa 7 dự án trọng điểm về hạ tầng vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Bán đảo Thủ Thiêm

Cụ thể, 4/7 dự án TP.HCM đề xuất là các dự án metro, gồm: tuyến số 2 (giai đoạn 2), tuyến số 3a, tuyến số 4 và tuyến số 5 (giai đoạn 1). Có 2/7 dự án liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, gồm: trung tâm tài chính; khu phức hợp trung tâm hội nghị triển lãm, khách sạn và thương mại dịch vụ tại Khu chức năng số 1. Dự án còn lại là khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc.

Theo UBND TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM hiện có 11 dự án thuộc danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020, gồm: dự án xây dựng nhà ga hành khách xe buýt tại Chợ Lớn hiện hữu; 3 dự án đường trên cao tuyến số 1, 2, 3; 2 tuyến tàu điện 1 ray (monorail) số 2 và số 3; tuyến xe điện mặt đất số 1; tuyến metro số 6; khu xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại Tây Bắc Củ Chi; khu đô thị Đại học Quốc tế và các bệnh viện trong cụm y tế Tân Kiên.

Đến nay có 10/11 dự án trong danh mục chưa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nghiên cứu tham gia đầu tư. Chỉ có dự án khu đô thị Đại học Quốc tế ở Hóc Môn có nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Berjaya Leisure Cayman Ltd tham gia thực hiện, đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

TP.HCM đề xuất cưỡng chế cải tạo hàng trăm chung cư

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 101/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó có đề xuất biện pháp cưỡng chế.

Chung cư Nguyễn Thiện Thuật xuống cấp nặng vẫn chưa tháo dỡ được vì vướng quy định

Theo quy định hiện nay, việc tháo dỡ, xây dựng mới chung cư cũ phải được sự đồng thuận 100% của các chủ sở hữu nhà chung cư. UBND TP.HCM cho rằng, thực tế hết thời gian cho phép nhưng người dân và chủ đầu tư vẫn không thỏa thuận được phương thức bồi thường. Một số trường hợp đồng thuận nhưng sau đó thay đổi phương thức từ nhận tiền sang nhận nhà hoặc ngược lại.

Chủ đầu tư bị động trong việc triển khai thực hiện do vừa phải chuẩn bị cả tiền mặt để bồi thường, giải quyết chi phí tạm cư, vừa phải xây dựng quỹ nhà để phục vụ tái định cư. Việc tính toán giá trị bồi thường nhà ở cũ, giá trị nhà ở mới, giá trị chênh lệch vị trí giữa nhà ở cũ và nhà ở mới cũng rất phức tạp.

Các quy định về tháo dỡ, chấp thuận chủ đầu tư đang làm khó nhà đầu tư và cả nhà nước. Thế nên, TP.HCM có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 nhưng chỉ tháo dỡ được khoảng 10 chung cư cũ.

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung 2 phương án vào dự thảo nội dung quy định trong trường hợp nhà nước trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ hư hỏng nặng, nguy hiểm.

Phương án 1: quy định cụ thể chỉ bồi thường, tái định cư bằng căn hộ.

Phương án 2: vẫn quy định hai phương thức bồi thường bằng tiền hoặc căn hộ. Nhà nước sẽ cưỡng chế thực hiện việc tháo dỡ để đầu tư cải tạo, xây dựng mới chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm khi có từ 50% chủ sở hữu căn hộ đồng ý. Chủ sở hữu bị cưỡng chế sẽ được bồi thường, hỗ trợ bằng tiền với mức bằng với giá trị trung bình của các chủ sở hữu đã chấp thuận.

3.000 hộ gia đình được đền bù hỗ trợ đất bị thu hồi xây sân bay Long Thành

UBND huyện Long Thành, Đồng Nai thông báo đã hoàn tất áp giá đền bù, hỗ trợ cho 3.000/5.000 hộ gia đình cá nhân có đất bị thu hồi thuộc khu vực 5.000 ha xây dựng sân bay Long Thành. Tổng số tiền đã thực hiện áp giá đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân hiện nay gần 6.000 tỷ đồng.

Xây dựng khu tái định cư dự án sân bay Long Thành

Đối với khoảng 2.000 hộ gia đình, cá nhân còn lại, các cơ quan chức năng của huyện Long Thành đang đẩy nhanh tiến độ công tác áp giá, phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ.

Trước đó, ngày 5/1, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 chính thức được khởi công thực hiện. Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chia làm 4 dự án thành phần.

Giai đoạn 1, sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 gần 109.112 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Sân bay Long Thành được xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là sân bay quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Bà Rịa – Vũng Tàu “xin” thêm 6 khu công nghiệp mới

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có đề xuất về định hướng phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này trong thời gian tới.

Theo đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần bổ sung thêm 6 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.796 ha gồm: khu công nghiệp Phú Mỹ 3 mở rộng với diện tích 650 ha; khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Xuyên Mộc, diện tích 1.143,16 ha; khu công nghiệp Đất Đỏ II (mở rộng của khu công nghiệp Đất Đỏ I), diện tích 1.000 ha; khu công nghiệp Đá Bạc (huyện Châu Đức) giai đoạn 2, 3, với diện tích 500 ha; khu công nghiệp Phước Hòa, (thị xã Phú Mỹ), diện tích 800ha; khu công nghiệp Cù Bị (huyện Châu Đức), diện tích 500 ha.

Khu công nghiệp Phú Mỹ 3

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, nhu cầu thuê đất trong các dự án khu công nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn và cấp thiết. Việc xây dựng quy hoạch phát triển các khu công nghiệp mới và mở rộng để tạo quỹ đất sẵn sàng cho thuê trong thời gian tới là rất quan trọng.

Tính đến cuối năm 2020, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này có 459 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký quy đổi là hơn 20 tỷ USD, bao gồm: đầu tư trong nước: 217 dự án; đầu tư nước ngoài: 242 dự án. Tỷ lệ lấp đầy là 51,83% trên tổng số khu công nghiệp và 61,61% trên số khu công nghiệp đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng (13 khu công nghiệp).

Hiện toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 16 khu công nghiệp, với tổng diện tích gần 9.055 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào Quy hoạch phát triển khu công nghiệp đến năm 2020.

Đồng Nai được duyệt thêm 3 khu công nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, theo đó, địa phương này có thêm 3 khu công nghiệp mới.

Trước đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư có công văn số 8389/BKHĐT-QLKKT trình Chính phủ về Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2020 và được Thủ tướng chấp thuận. 3 khu công nghiệp mới với tổng diện tích gần 6,5 ngàn ha đặt ở hai huyện của Đồng Nai.

Một con đường đang thi công ở xã Xuân Nhạn, nơi đặt khu công nghiệp mới Xuân Quế – Sông Nhạn

Trong đó, khu công nghiệp Xuân Quế – Sông Nhạn nằm trên địa bàn hai xã Xuân Quế và Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, có diện tích lớn nhất với khoảng 3.595ha. Khu công nghiệp Bàu Cạn – Tân Hiệp trên địa bàn hai xã Bàu Cạn và Tân Hiệp của huyện Long Thành, diện tích 2.627ha. Khu công nghiệp Long Đức 3 ở xã Long Đức, huyện Long Thành rộng 253ha.

Các khu đất được quy hoạch 3 khu công nghiệp này chủ yếu trồng cao su, ít người sinh sống nên thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để triển khai dự án. Đồng Nai đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để thành lập, chọn nhà đầu tư thi công hạ tầng và cho các doanh nghiệp thứ cấp thuê đất sản xuất.

Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai tập trung phát triển công nghiệp nên đang gấp rút chuẩn bị sẵn các điều kiện cần và đủ để đón sóng đầu tư. Trong đó, việc quan trọng hàng đầu là cập nhật đầy đủ các khu công nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, để triển khai các bước tiếp theo.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 38 khu công nghiệp, trong đó 32 khu công nghiệp được thành lập, đi vào hoạt động.

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments