ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Xây dựng

Đô thị, xây dựng chiếm 3/10 sự kiện nổi bật năm 2020 của TP.HCM

Chia sẻ

> Những kế hoạch táo bạo để phát triển thành phố Thủ Đức
> 20 năm nữa, TP.HCM hoàn chỉnh hạ tầng kết nối các tỉnh xung quanh

Trong 10 sự kiện nổi bật năm 2020 của TP.HCM, có đến 3 sự kiện ở lĩnh vực quy hoạch đô thị, xây dựng hạ tầng giao thông.  

2020 là năm chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực và chung tay của người dân, TP.HCM đã thực hiện thành công nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng, đạt được những kết quả đáng kể. Điều này thể hiện qua 10 sự kiện nổi bật năm 2020 được TP.HCM công bố trong ngày cuối cùng của năm.

3 sự kiện nổi bật thuộc lĩnh vực quy hoạch đô thị, xây dựng hạ tầng giao thông của TP.HCM gồm:

Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức

Nghị quyết số 131/2020/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 16/11/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Đây là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực, sáng tạo của nhiều thế hệ lãnh đạo TP.HCM trong việc đề xuất Trung ương quyết định các cơ chế cho Thành phố phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Việc ban hành nghị quyết sẽ góp phần giải quyết các vấn đề lớn đối với một đô thị loại đặc biệt, nhằm phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP.HCM đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Quận 2, thành phố Thủ Đức nhìn về phía trung tâm TP.HCM

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9/12/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Đây sẽ là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM, làm động lực phát triển của thành phố trong thời gian tới, ghi dấu ấn về việc lần đầu tiên thành lập thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Thành phố Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GRDP TP.HCM, khoảng 7% GDP cả nước.

Kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, TP.HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.

Tiên phong chuyển đổi số, đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh

Trong năm 2020, TP.HCM đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, giúp hoàn thiện cấu trúc chính quyền điện tử, phục vụ mục tiêu chiến lược xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

TP.HCM sẽ là đô thị thông minh

Ngày 3/7/2020, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử TP.HCM, là giải pháp tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của thành phố. Đồng thời, TP.HCM đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển hạ tầng số với việc triển khai thử nghiệm mạng di động 5G.

Đến nay, TP.HCM đã triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm hơn 40% tổng số dịch vụ công được cung cấp. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn hơn 99%.

Hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm; giao thông đô thị từng bước được cải thiện

Việc TP.HCM đưa vào sử dụng bến xe Miền Đông mới thu hút sự quan tâm của cộng đồng, tiến tới di dời bến xe hiện trạng tại quận Bình Thạnh. Bến xe Miền Đông mới góp phần giải quyết kẹt xe và kết nối với các địa phương, thúc đẩy phát triển giao thông công cộng trên địa bàn TP.HCM.

Bến xe Miền Đông mới vận hành từ ngày 10/10/2020

TP.HCM khánh thành nút giao thông An Sương với trang bị hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đồng thời góp phần thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông. Nút giao thông An Sương đã giải quyết tình trạng ùn tắc cửa ngõ tây bắc TP.HCM.

TP.HCM hình thành và đưa vào khai thác Trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh. Trung tâm này quản lý điều khiển giao thông trên phạm vi 9 quận trung tâm, với 36 km2 theo các kịch bản tự động. Nơi đây còn giám sát xử phạt các hành vi vi phạm về: dừng đỗ xe trái quy định, vượt tốc độ,… ; cung cấp thông tin giao thông trực tuyến cho người dân thông qua hệ thống giám sát camera, GPS,… Trung tâm góp phần lớn về giải quyết ùn tắc giao thông khu vực nội đô, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, khoảng 3.000 kỹ sư, công nhân đã ngày đêm tăng tốc thi công trên toàn tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), tổng khối lượng hoàn thành toàn dự án đã đạt 81%; khôi phục lại không gian – cảnh quan khu vực phía trước Nhà hát Thành phố, hoàn thiện tầng B1 ga ngầm Nhà hát Thành phố vượt tiến độ 96 ngày so với kế hoạch; nhập khẩu và vận chuyển thành công đoàn tàu đầu tiên của dự án về đến depot Long Bình, quận 9.

__________________

7 sự kiện nổi bật còn lại gồm: 

  • Tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI
  • TP.HCM phòng, chống dịch Covid-19 thành công và ghi nhận thành tựu nổi bật của ngành y
  • TP.HCM đẩy mạnh các hoạt động phát triển liên kết vùng, đi đầu trong triển khai mô hình “đối ngoại số”
  • Lực lượng vũ trang góp phần quan trọng giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên toàn địa bàn thành phố
  • Khẳng định vai trò, trách nhiệm “Thành phố nghĩa tình – Vì cả nước, cùng cả nước”
  • Người dân TP.HCM chung tay xây dựng thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh
  • Nỗ lực thực hiện thành công chủ đề năm 2020 của TP.HCM “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”
0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments