Dùng cửa xếp trong thiết kế nội thất
Chia sẻ
Cửa xếp trượt được sử dụng trong thiết kế nội thất hiện đại nhờ sự cơ động, tiện lợi song vẫn mang đến nét sang trọng.
Cửa xếp được gọi tên theo cách vận hành đóng mở với nhiều tấm gập nối với nhau. Khi gập mở, các tấm cửa di chuyển trên đường ray ở hai đầu. Thông thường, cửa xếp được phân nhóm theo loại vật liệu làm khung như cửa nhôm, cửa gỗ, cửa UPVC…
Cửa xếp nhôm
Loại cửa xếp này được ưa chuộng nhờ độ bền. Chất liệu nhôm cứng cáp, không bị cong vênh, chịu nhiệt tốt, đẹp theo thời gian.
Cửa xếp gỗ
Vẻ đẹp tự nhiên chính là ưu thế của loại cửa này. Tuy nhiên, dù dùng gỗ công nghiệp, độ ẩm vẫn làm khung cửa dễ cong vênh. Cửa xếp gỗ không cần bảo trì nhiều như cửa xếp nhôm.
Cửa xếp UPVC
Loại cửa này ít được dùng hơn hai loại cửa gỗ và nhôm do tuổi thọ không cao, dễ cong vênh và ngả màu sau thời gian sử dụng.
Ưu điểm của cửa xếp
Dùng cửa xếp, không gian được mở rộng hơn nhiều so với kiểu cửa truyền thống. Khi gập lại, dạng cửa này sẽ tạo ra nhiều khoảng trống. Tấm kính còn giúp có thêm tầm nhìn, quan sát, đặc biệt hữu ích đối với gia đình có con nhỏ.
Khối cửa xếp cũng tạo khoảng hở giúp thông gió, thoáng khí, lấy ánh sáng cho căn nhà tốt hơn. Cửa xếp còn giúp không gian nội thất của ngôi nhà trở nên thanh thoát hơn.
Nhờ thiết kế đóng mở cơ động, cửa xếp dễ làm vệ sinh, bảo trì, có khả năng giảm ồn, chống cháy, chịu lực cao.
Nhược điểm của cửa xếp
Các khe hở ở giữa các cánh cửa khi gập lại có thể bị lọt nước mưa. Nhược điểm này có thể khắc phục bằng cách thiết kế hơi dốc ra phía ngoài. Chi phí lắp đặt loại cửa này cũng nhỉnh hơn so với các loại cửa khác.
Chọn cửa xếp như thế nào
Để sở hữu đúng loại cửa xếp phù hợp, cần chú ý: tìm hiểu kỹ trước loại cửa cần mua, cần tới cửa hàng để xem trực tiếp; dùng cửa nằm trong danh mục được phép trong xây dựng; lựa chọn đơn vị cung cấp uy tín; xem kỹ chính sách bảo hành; trao đổi kỹ về chính sách lắp đặt.
Chi phí sử dụng cửa xếp khá cao, nhưng giá trị của chúng mang đến hoàn toàn tương xứng, có thể thay đổi diện mạo cả căn nhà của bạn.
Theo Arch2o