Xây đường cao tốc TP.HCM đi Bình Phước trước năm 2030
Chia sẻ
> Việt Nam đặt mục tiêu có 5.000 km đường cao tốc
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo đúng quy định, bảo đảm khả thi, hiệu quả.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016, tuyến đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) – Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) có tổng chiều dài khoảng 69 km.
Tuyến cao tốc này dự kiến đầu tư mới quy mô 6 – 8 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 24.150 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15/2/2012, tuyến cao tốc Chơn Thành – TP.HCM thuộc giai đoạn 3 trong kế hoạch phân kỳ đầu tư sau năm 2020 với quy mô 6 làn cao tốc nhằm hoàn chỉnh toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch.
Như vậy, dự án đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành phù hợp quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh và quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo hình thức PPP và hợp đồng BOT (có sự hỗ trợ của nhà nước), phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, phù hợp với định hướng huy động nguồn lực và phù hợp với hình thức đầu tư quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ.
UBND tỉnh Bình Phước đề nghị kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư. Tỉnh Bình Phước muốn được giao làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai các thủ tục của pháp luật kêu gọi đầu tư đường cao tốc này.
Hiện tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành được Bộ Giao thông Vận tải giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, đơn vị tư vấn cân nhắc 3 phương án đầu tư dự án này. Phương án 1: điểm đầu tại Bình Chuẩn, điểm cuối tại Chơn Thành, đi theo hướng tuyến của đường Mỹ Phước – Tân Vạn, dài 55,6 km, tổng mức đầu tư 33.000 tỷ đồng. Phương án 2: điểm đầu tại nút giao An Phú, điểm cuối tại Chơn Thành, đi theo Tỉnh lộ 743, 745, tổng mức đầu tư khoảng 27.500 tỷ đồng. Phương án 3: điểm đầu tại Bình Chuẩn, điểm cuối tại Chơn Thành, đi trùng hành lang đường sắt quy hoạch TP.HCM – Lộc Ninh, dài 55,9 km, tổng mức đầu tư 21.600 tỷ đồng.
Dự án cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành được đầu tư sẽ tăng cường tính kết nối, nâng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Bình Phước nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.